Nhận biết triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ để điều trị sớm
Ngày 28/08/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Đốt sống cổ là trung gian truyền tải thông điệp từ não giúp kiểm soát các hoạt động của cơ thể. Vì vậy, khi mắc các bệnh liên quan đến đốt sống cổ, ngoài đau nhức còn có thể giảm khả năng vận động ở cổ, vai, gáy. Để có thể nhận biết và phát hiện sớm triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ thì bạn đừng bỏ qua bài viết dưới đây.
Thoái hóa đốt sống cổ phát triển chậm trong một thời gian dài. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ thường không rõ ràng và khó phát hiện nên người bệnh dễ chủ quan và không đi khám sớm. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng ngày càng rõ ràng và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Đau vùng cổ, gáy
Đây là một triệu chứng điển hình của bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Lúc đầu, cơn đau sẽ xuất hiện ở vùng cổ, gáy và dần dần lan ra xương bả vai. Bệnh nhân có thể bị vẹo cổ hoặc trật khớp cổ mà không rõ nguyên nhân. Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ cảm thấy đau dữ dội vì dây thần kinh bị chèn ép.
Đau đầu
Triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ còn biểu hiện bằng các cơn đau đầu, chóng mặt. Nguyên nhân là do dây thần kinh bị chèn ép ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến não. Tình trạng này thường bị nhầm lẫn với chứng đau đầu do căng thẳng. Đặc biệt, một số trường hợp còn có cảm giác đau nhức, khó chịu phía sau mắt, ù tai, mờ mắt,…
Cứng cổ
Hầu hết những người bị thoái hóa đốt sống cổ đều cảm thấy đau hoặc khó chịu khi cử động cổ. Bệnh nhân thường bị cứng cổ, khó xoay hoặc cúi đầu và một số trường hợp có thể bị trẹo cổ, phải mất 5 - 10 phút mới có thể thay đổi tư thế cổ. Tình trạng này thường xuất hiện vào buổi sáng khi bạn thức dậy, thay đổi thời tiết hoặc thay đổi tư thế đột ngột.
Dấu hiệu Lhermitte
Dấu hiệu Lhermitte biểu hiện bằng cảm giác khó chịu khi có dòng điện chạy dọc cột sống, từ cổ đến cột sống và đến các ngón tay, ngón chân. Dấu hiệu Lhermitte rõ ràng hơn khi bệnh nhân cúi cổ về phía trước.
Những biến chứng nguy hiểm của thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm do chèn ép dây thần kinh và tủy sống.
Chèn ép dây thần kinh: Biến chứng đầu tiên của thoái hóa đốt sống cổ là đau đầu, đau cổ, thậm chí là vẹo cổ. Các cơn đau sẽ lan dần đến một hoặc cả hai cánh tay do dây thần kinh bị chèn ép. Dần dần, người bệnh có thể bị tê ở cánh tay, bàn tay, các ngón tay, thậm chí mất cảm giác.
Rối loạn tiền đình: Thoái hoá đốt sống cổ có thể gây rối loạn tiền đình với các biểu hiện điển hình như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, thường xuyên lo âu, trầm cảm, ăn không ngon,… Nguyên nhân là do bị chèn ép mạch máu và dây thần kinh, ảnh hưởng đến lưu lượng máu lên não, gây thiếu máu não.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Đây là biến chứng đáng lo ngại nhất khi bị thoái hóa đốt sống cổ. Ở giai đoạn này, dây thần kinh và tủy sống bị chèn ép, có thể gây ra các tình trạng nghiêm trọng như liệt một hoặc cả hai tay, rối loạn cảm giác ở tứ chi, rối loạn thực vật hoặc không thể kiểm soát được.
Điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Lúc đầu, bệnh thường chỉ biểu hiện một số cơn đau và không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày. Chính vì lý do này mà nhiều người thường chủ quan và không điều trị sớm, khi bệnh nặng thêm, các triệu chứng sẽ rõ ràng hơn, người bệnh nên cẩn thận và tìm cách điều trị nhanh chóng để tránh bệnh biến chứng nguy hiểm. Hiện nay cũng có rất nhiều phương pháp điều trị như:
Vật lý trị liệu: Là kết hợp dùng thuốc và các bài tập vật lý trị liệu để cải thiện các đốt sống cổ bị tổn thương. Quá trình tập luyện sẽ giúp người bệnh cải thiện triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ và giải phóng các dây thần kinh bị chèn ép.
Sử dụng thuốc: Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc như thuốc giảm đau chống viêm (không steroid), thuốc giãn cơ,... Thuốc có tác dụng giảm đau cấp tính.
Các bài tập chữa thoái hoá đốt sống cổ bằng yoga
Các bài tập yoga được coi như một bài thuốc hữu hiệu dành cho bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Một số động tác yoga giảm đau đốt sống cổ như:
Động tác quay nửa người về sau, thực hiện khoảng 10 phút.
Động tác xoay trái, phải và gập cổ. Người bệnh có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi.
Tham gia các môn thể thao như bóng chuyền hơi, cầu lông, bơi lội,...
Chế độ ăn uống
Dinh dưỡng cũng là yếu tố rất quan trọng để tăng cường sức khỏe xương và cải thiện bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Một số thực phẩm nên bổ sung:
Đậu nành: Đậu nành rất tốt cho sức khỏe của xương, ngăn ngừa nguy cơ loãng xương, thoái hóa khớp.
Các loại thịt: Thịt lợn, thịt bò, thịt gà,… có tác dụng kích thích hấp thu khoáng chất giúp xương chắc khỏe.
Các loại nấm: Là thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa, giảm đau do viêm xương khớp.
Đu đủ và đậu đen: Đu đủ chứa nhiều vitamin C, có tác dụng oxy hóa, làm chậm quá trình thoái hóa của viêm xương khớp hiệu quả. Trong khi đó, đậu đen chứa anthocyanin có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa hiệu quả và ngăn ngừa thoái hóa.
Quả táo: Giàu quercetin có tác dụng giảm đau, giảm viêm, kích thích sản sinh collagen giúp khớp phục hồi nhanh chóng.
Bông cải xanh: Chứa hợp chất lưu huỳnh hữu cơ giúp tăng tính đàn hồi của các mô và dây chằng, tiết chất nhầy bôi trơn cho khớp.
Dầu ô liu: Chứa nhiều axit béo omega-3, polyphenol giúp giảm đau, sưng tấy, kháng viêm rất tốt.
Hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ. Tăng cường tiêu thụ các loại rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu canxi,...
Phương pháp dân gian
Ngoài các bài tập yoga, người bệnh có thể được điều trị bằng các biện pháp dân gian như:
Lá lốt: Dùng khoảng 200g lá lốt, rửa sạch, thái nhỏ. Sao vàng với 1 - 2 thìa muối. Sau đó cho hỗn hợp lên một miếng vải mỏng, chườm lên đốt sống cổ hoặc vùng đau.
Ngải cứu: Kết hợp ngải cứu với lá lốt và cỏ xước trong nồi đun sôi. Sử dụng hai lần một ngày. Hỗn hợp này giúp giảm đau, giảm viêm rất hiệu quả.
Tuy nhiên, các phương pháp dân gian này có thể có tác dụng hoặc không tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người.
Phẫu thuật
Có thể điều trị thoái hóa đốt sống cổ bằng phẫu thuật nhưng trường hợp này khá ít. Trong trường hợp các phương pháp trị liệu bằng ở trên không có tác dụng hoặc bệnh nhân có các triệu chứng về thần kinh thì nên tiến hành phẫu thuật để bệnh không gây tổn thương đến dây thần kinh và tủy sống.
Trong quá trình điều trị, người bệnh có thể kết hợp các phương pháp trên như sử dụng thuốc, tập vật lý trị liệu và tập thể dục,… sao cho phù hợp với tình trạng bệnh để đạt kết quả tốt.
Triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ phổ biến nhưng không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, không nên chủ quan vì bệnh tiến triển nặng có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh và tủy sống, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Khi có dấu hiệu nghi ngờ thoái hóa đốt sống cổ, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để được điều trị hiệu quả.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.