Rau răng cưa có tác dụng gì đối với sức khỏe? Một vài lưu ý khi sử dụng rau răng cưa
Phượng Hằng
17/02/2025
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Rau răng cưa (hay còn gọi là mùi tàu, ngò gai) là một loại rau phổ biến, nổi bật với khả năng làm tăng hương vị đặc trưng cho các món ăn nhờ vào vị cay nồng và một chút đắng nhẹ. Tương tự như các loại rau thơm khác, rau răng cưa sở hữu nhiều dưỡng chất dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích trong việc hỗ trợ điều trị bệnh cũng như nâng cao sức khỏe.
Rau răng cưa là một loại rau thơm không thể thiếu trong nhiều bữa ăn, đặc biệt là các món canh, món ăn kèm. Với hương vị đặc biệt, vừa cay nồng vừa đắng nhẹ, rau răng cưa không chỉ làm phong phú thêm sự hấp dẫn của món ăn mà còn được biết đến với những tác dụng có lợi đối với sức khỏe. Nhờ chứa nhiều chất dinh dưỡng và hoạt chất có lợi, rau răng cưa từ lâu đã được ứng dụng trong việc hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Vậy rau răng cưa có những tác dụng cụ thể gì đối với sức khỏe của chúng ta?
Đặc điểm và thành phần dinh dưỡng có trong rau răng cưa
Rau răng cưa hay còn gọi là rau mùi tàu ở miền Bắc và rau ngò gai ở miền Nam, có tên khoa học là Eryngium Foetidum thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). Đây là cây thân thảo đơn độc, phân nhánh ở phần ngọn, có chiều cao từ 15cm đến 50cm. Thân cây mọc đứng, có các khía rãnh và phân nhánh nhiều lần. Lá cây mọc ở gốc, xòe ra thành hình hoa thị, thuôn dài và không có cuống. Mép lá có khía tai bèo, nhiều răng cưa và gai sắc. Phần lá ở ngọn càng nhỏ dần, ngắn lại và nhiều gai sắc hơn. Hoa của cây có màu trắng đục, hình trứng hoặc hình trụ. Quả của cây có hình cầu, hơi dẹt, đường kính khoảng 2mm, có vảy và chứa nhiều hạt. Khi cây già, quả sẽ rụng và phát tán hạt. Toàn cây có mùi thơm đặc trưng của tinh dầu.
Các thành phần dinh dưỡng có trong rau răng cưa bao gồm tinh dầu, monoterpenoids, sesquiterpenoids, canxi, phospho, carotene, riboflavin, vitamin A, B1, B2, C, protein, chất béo, tinh bột và saponin.
Rau răng cưa sở hữu nhiều dưỡng chất dinh dưỡng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe
Rau răng cưa có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Rau răng cưa là loại rau quen thuộc, thường xuất hiện trong các bữa ăn hàng ngày của gia đình Việt nhờ khả năng làm tăng hương vị thơm ngon cho nhiều món ăn. Ngoài vai trò là một gia vị, rau răng cưa còn được biết đến như một thành phần quan trọng trong các bài thuốc dân gian cổ truyền. Với nhiều công dụng dinh dưỡng, lá rau răng cưa mang lại một số lợi ích đáng kể cho sức khỏe, như sau:
Tác dụng hỗ trợ long đờm
Ho có đờm là tình trạng phổ biến mà nhiều người gặp phải, gây khó chịu và làm giảm chất lượng cuộc sống. Nguyên nhân gây ho có đờm có thể xuất phát từ cảm cúm, viêm phổi hay các vấn đề về hô hấp khác. Theo Y học cổ truyền, rau răng cưa có khả năng hỗ trợ làm loãng và giúp loại bỏ đờm trong cổ họng, giảm tình trạng nghẹt thở và khó chịu. Việc sử dụng nước sắc từ rau răng cưa thường xuyên có thể giúp làm dịu cổ họng và cải thiện tình trạng ho có đờm một cách tự nhiên.
Hỗ trợ làm giảm triệu chứng cảm cúm
Nhờ đặc tính ấm, rau răng cưa thường được sử dụng trong các bài thuốc dân gian để hỗ trợ giảm các triệu chứng cảm cúm, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi hoặc khi hệ miễn dịch suy yếu. Khi kết hợp với các loại thảo dược khác trong Đông y, rau răng cưa có thể giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn, giảm đau nhức cơ thể, nghẹt mũi và ho do cảm lạnh.
Rau răng cưa còn có tác dụng hỗ trợ làm giảm triệu chứng cảm cúm
Hỗ trợ làm giảm hôi miệng
Hôi miệng là vấn đề gây mất tự tin khi giao tiếp và rất nhiều người gặp phải tình trạng này. Một cách hỗ trợ làm giảm hôi miệng là súc miệng với nước rau răng cưa. Bạn chỉ cần rửa sạch một nắm rau răng cưa, đun sôi cùng với vài hạt muối, khuấy đều và dùng nước này để ngậm và súc miệng. Duy trì thói quen này đều đặn 2-3 lần mỗi ngày có thể giúp làm sạch khoang miệng, giảm mùi hôi và mang lại hơi thở thơm mát tự nhiên.
Hỗ trợ làm giảm sỏi thận
Trong dân gian, rau răng cưa được sử dụng để hỗ trợ làm giảm sỏi thận nhờ tác dụng lợi tiểu và hỗ trợ đào thải cặn lắng trong thận. Cách dùng phổ biến là hơ lá rau răng cưa cho héo, sau đó sắc với nước và uống trước bữa ăn. Khi sử dụng liên tục trong khoảng 7-9 ngày, phương pháp này có thể giúp làm tan sỏi nhỏ hoặc hỗ trợ đào thải sỏi lớn ra ngoài một cách tự nhiên.
Giúp hạ cholesterol trong máu
Hạt của rau răng cưa chứa hàm lượng chất xơ cao, có khả năng hỗ trợ làm giảm mức cholesterol trong máu, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch và huyết áp cao. Những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc rối loạn mỡ máu có thể sử dụng hạt rau răng cưa nấu nước uống như một biện pháp hỗ trợ kiểm soát cholesterol hiệu quả.
Hạt của rau răng cưa giúp hỗ trợ làm giảm cholesterol trong máu
Hỗ trợ làm giảm viêm kết mạc
Một trong những công dụng ít được biết đến của rau răng cưa là hỗ trợ làm giảm viêm kết mạc. Khi bị đau mắt đỏ hoặc viêm nhiễm nhẹ, có thể sử dụng nước sắc từ rau răng cưa khô để rửa mắt nhẹ nhàng, giúp giảm sưng, đau nhức và làm dịu cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp này cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh kích ứng hoặc nhiễm trùng.
Một số công dụng khác
Ngoài những công dụng đã được nhắc đến, rau răng cưa còn được sử dụng như một bài thuốc để hỗ trợ làm giảm chứng đái dầm ở trẻ em, hỗ trợ làm giảm mụn bọc và mụn trứng cá, hỗ trợ làm giảm đau bụng, tiêu chảy, nám da, cân bằng đường huyết và nhiều công dụng khác.
Rau rau răng cưa còn được sử dụng để hỗ trợ làm giảm mụn
Lưu ý: Việc sử dụng rau răng cưa cần có sự hướng dẫn phù hợp, đặc biệt với những người có bệnh lý nền. Nếu bạn có ý định sử dụng rau răng cưa như một liệu pháp hỗ trợ sức khỏe, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn.
Một vài lưu ý khi sử dụng rau răng cưa để đảm bảo sức khỏe
Một số lưu ý quan trọng khi sử dụng rau răng cưa trong bữa ăn hàng ngày:
Phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng rau răng cưa, vì nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ.
Đối với những người mắc bệnh đau dạ dày, để hạn chế kích ứng, nên sử dụng rau răng cưa dưới dạng xay hoặc ép nước thay vì ăn trực tiếp.
Người có làn da mỏng, dễ bị kích ứng nên thận trọng khi tiếp xúc trực tiếp với rau răng cưa, vì tinh dầu trong lá và hạt có thể gây kích ứng da.
Người bị hen suyễn hoặc viêm phổi tắc nghẽn mãn tính cần hạn chế sử dụng rau răng cưa, vì có thể làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Không nên kết hợp rau răng cưa với thịt lợn, vì điều này có thể gây khó tiêu và đầy bụng.
Ngoài ra, việc ăn nội tạng động vật cùng rau răng cưa cũng không được khuyến khích, vì sự kết hợp này có thể tạo ra các ion đồng và sắt, làm giảm giá trị dinh dưỡng của thức ăn và thậm chí gây ngộ độc thực phẩm nguy hiểm.
Phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng rau răng cưa
Bài viết trên đã tổng hợp và lựa chọn những thông tin về các tác dụng hỗ trợ sức khỏe của rau răng cưa, giúp bạn đọc tham khảo. Mặc dù rau răng cưa có nhiều lợi ích trong việc hỗ trợ làm giảm các bệnh, nhưng khi sử dụng, bạn cũng cần lưu ý để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.