Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Rối loạn chuyển hóa acid uric và tác động lên sức khỏe

Ngày 28/09/2023
Kích thước chữ

Rối loạn chuyển hóa acid uric là gì? Có nguy hiểm không? Nguyên nhân gây ra là gì? Cùng giải đáp các thắc mắc trên trong bài viết sau đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Rối loạn chuyển hóa acid uric là một thuật ngữ để chỉ tình trạng mất cân bằng giữa quá trình tạo mới và đào thải acid uric khỏi cơ thể. Vậy thật ra quá trình này là gì? Rối loạn chuyển hóa acid uric gây hại thế nào với cơ thể? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu ngay sau đây nhé!

Thế nào là rối loạn chuyển hóa acid uric?

Acid uric là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa purin trong cơ thể. Các purin có thể đến từ 2 nguồn chính: nguồn ngoại sinh và nguồn nội sinh.

  • Nguồn ngoại sinh: Chiếm khoảng 30% lượng acid uric trong cơ thể. Chúng đến từ việc phân hủy các acid nucleic từ thực phẩm chúng ta ăn.
  • Nguồn nội sinh: Khoảng 70% lượng acid uric trong cơ thể đến từ việc phân hủy các các tế bào bị tiêu hủy và từ quá trình tổng hợp nội sinh nhờ các men đặc hiệu.

Acid uric thường tồn tại dưới dạng muối urat trong huyết tương và nồng độ muối urat phải duy trì trong khoảng 6,8 mg/dl ở nhiệt độ 37°C. Khi nồng độ cao hơn hoặc quá thấp so với con số này, đây là tín hiệu sức khỏe của bạn có vấn đề. Khi này, một trong những chức năng tổng hợp, hấp thụ hoặc thải trừ đã bị rối loạn và cần đến thăm khám bác sĩ để xử lý kịp thời.

Rối loạn chuyển hóa acid uric và tác động lên sức khỏe 1
Rối loạn chuyển hóa acid uric ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh

Những bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa acid uric

Rối loạn chuyển hóa acid uric máu có mối liên quan mạnh mẽ đến nhiều bệnh lý khác nhau:

  • Bệnh gút: Bệnh gút là một bệnh lý phổ biến gắn liền với tăng acid uric máu. Nó gây ra đau và viêm ở các khớp và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Bệnh nhân bị gút kéo dài có thể làm biến dạng các khớp và dị tật vĩnh viễn.
  • Rối loạn lipid máu: Tăng acid uric máu thường đi kèm với tăng triglyceride máu và rối loạn lipid máu, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Đái tháo đường: Khảo sát y tế cho thấy một người mắc bệnh gút thì xác suất mắc tiểu đường tuýp 2 sẽ cao hơn người bình thường.
  • Béo phì: Theo thống kê cho thấy, người béo phì có chức năng đào thải acid uric qua thận kém và nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn gấp 4 lần so với những người  bình thường.
  • Bệnh thận mạn: Giữa tăng acid uric máu và bệnh thận mạn có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Trong bệnh thận, acid uric bị giảm thải trừ nên tích lũy ở nồng độ cao trong máu. Ngược lại khi acid uric máu cao, thận cũng dễ hình thành sỏi, tổn thương và suy giảm chức năng.
  • Bệnh gan: Gan là nơi thoái giáng purin để tạo nên acid uric. Các bệnh lý làm suy giảm hoặc khiến gan hoạt động quá mức đều có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa acid uric.

Một số yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến chuyển hóa acid uric

Bên cạnh vấn đề bệnh lý thì rất nhiều thói quen sinh hoạt hằng ngày của chúng ta có thể gây rối loạn chuyển hóa lipid. Bao gồm:

Chế độ dinh dưỡng

Rau xanh là một phần quan trọng của chế độ ăn dành cho người có nồng độ acid uric cao. Chất xơ trong rau xanh giúp giảm cảm giác đói và hạn chế việc ăn thịt chứa nhiều purin, tiền chất của acid uric. Ngoài ra, một số loại rau còn có tính kiềm, giúp trung hòa lượng acid uric trong cơ thể.

Như vậy nếu bạn ăn nhiều rau xanh, khả năng kiểm soát acid uric của bạn sẽ rất tốt. Trái lại, khi ăn nhiều thịt đỏ như thịt heo, bò, cừu,... thì lượng purin trong cơ thể gia tăng rất nhanh. Khi này cơ thể phải tăng cường hoạt động để có thể chuyển hóa lượng lớn purin này lâu dần có thể gây rối loạn tăng acid uric huyết.

Rối loạn chuyển hóa acid uric và tác động lên sức khỏe 2
Thịt đỏ chứa nhiều purin gây bệnh gút

Thói quen uống nước

Cách đơn giản nhất để loại bỏ acid uric là duy trì sự cung cấp nước đủ cho cơ thể. Hãy uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, chia nhỏ ra thành nhiều lần. Việc này kích thích tạo nước tiểu và tăng cường hoạt động lọc của thận, giúp loại bỏ acid uric nhanh hơn.

Bên cạnh nước lọc thì cà phê, nước ép cam, chanh và bưởi là những thức uống đã được chứng minh giúp làm giảm nồng độ acid uric huyết. Vì vậy đây là những lựa chọn tối ưu cho những ai có yếu tố nguy cơ cao bị bệnh gút.

Lưu ý rằng “nước” ở đây không bao gồm nước ngọt và thức uống có cồn. Những thức uống này không những không giúp ích trong việc loại bỏ acid uric khỏi cơ thể mà trái lại có kích thích quá trình tổng hợp chất này nhiều hơn.

Lịch sử dụng thuốc

Hiện nay có rất nhiều loại thuốc trị tăng huyết áp, trị tiểu đường, trị mỡ máu có tác dụng phụ là làm tăng acid uric huyết. Vì vậy nếu bạn đang có một chỉ số acid uric tương đối cao, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thêm bất kỳ loại thuốc Tây nào khác nhé!

Thói quen tập thể dục

Vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp các quá trình chuyển hóa trong cơ thể được ổn định. Khi tích lũy quá nhiều mỡ thừa, cơ thể sẽ dễ viêm nhiễm, miễn dịch suy yếu và chuyển hóa rối loạn. Vì vậy hãy duy trì việc tập luyện ngay từ bây giờ để bảo vệ sức khỏe.

Yếu tố tâm lý

Stress, căng thẳng, mất ngủ kéo dài có thể để lại sau đó là hàng loạt các rối loạn chuyển hóa. Nguyên nhân là vì khi tâm lý bị ảnh hưởng, não bộ là nơi điều khiển hầu hết các cơ quan khác trong cơ thể, sẽ bị tác động đầu tiên. Hãy giữ một tinh thần lạc quan, vui vẻ để nâng cao sức khỏe nhé!

Rối loạn chuyển hóa acid uric và tác động lên sức khỏe 3
Căng thẳng kéo dài khiến chuyển hóa trong cơ thể rối loạn

Như vậy, trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa acid uric. Có thể đến từ các bệnh lý, thói quen hoặc thậm chí là cả yếu tố tâm lý. Vì vậy, nếu có chỉ số acid uric huyết bất thường nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để chuẩn đoán và điều trị chuẩn nhất.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về tình trạng rối loạn chuyển hóa acid uric. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn thu thập được những thông tin hữu ích. Theo dõi thêm các bài viết mới tại Nhà thuốc Long Châu để cập nhật kiến thức phòng và chữa bệnh chuẩn khoa học nhé!

Xem thêm: Top 5 thảo dược hạ acid uric hiệu quả nhất

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin