Thành phần dinh dưỡng của củ dền và một số lưu ý khi sử dụng
Ngày 02/10/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Củ dền là thực phẩm chứa nhiều vitamin và đặc biệt có tác dụng bổ máu, bổ sung chất sắt rất tốt. Ngoài sắt, củ dền còn có rất nhiều chất dinh dưỡng khác và trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu mời bạn cùng khám phá thành phần dinh dưỡng của củ dền.
Từ lâu, củ dền đã được biết đến với rất nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe như bổ máu, chữa chứng táo bón,... Để biết thêm về thành phần dinh dưỡng của củ dền, Nhà thuốc Long Châu mời bạn cùng khám phá ngay trong bài viết sau.
Thành phần dinh dưỡng của củ dền là gì?
Củ dền là loại củ thuộc họ củ cải ngọt và có nguồn gốc từ lâu đời. Hiện nay, củ dền được trồng rất nhiều tại Anh Quốc, Trung Mỹ và Bắc Mỹ. Tại Việt Nam, củ dền cũng được trồng nhiều để làm thực phẩm ăn trực tiếp hoặc chế biến thành nhiều dạng khác như củ dền sấy khô, bột củ dền,...
Nhiều người dễ nhầm lẫn củ dền với củ cải đỏ nhưng thực chất, đây là 2 loại củ khác nhau. Củ cải đỏ có lớp vỏ màu đỏ tươi, bên trong màu trắng còn củ dền lại có cả vỏ và thịt củ đều màu đỏ đậm và kích thước cũng to hơn so với củ cải đỏ.
Củ dền có 2 loại điển hình với 2 màu khác nhau là củ dền đỏ đậm và củ dền màu tím than. Thành phần dinh dưỡng của củ dền ở cả 2 loại không có quá nhiều khác biệt nhưng củ dền đỏ có chứa nhiều betaxanthins và betacyanin hơn củ dền tím.
Vậy thành phần dinh dưỡng của củ dền gồm những chất dinh dưỡng gì? Theo phân tích về giá trị dinh dưỡng, củ dền có đến 87% là nước, 8% carbs và 2 - 3% chất xơ. Cụ thể hơn, thành phần dinh dưỡng của củ dền đối với 1 khẩu phần ăn khoảng 136g gồm có:
43 calo;
88% nước;
1.6g protein;
9.6g carbs;
6.8g đường;
2.8g chất xơ;
0.2g chất béo.
Bên cạnh những chất nêu trên, thành phần dinh dưỡng của củ dền còn chứa rất nhiều loại vitamin, chất khoáng khác như vitamin A, B1, B6, C, sắt, canxi, magie, phốt pho, natri, iot, choline, axit folic,... Dinh dưỡng trong củ dền được chia thành các nhóm chính sau:
Carbs: Thành phần dinh dưỡng của củ dền chưa nấu chín chiếm từ 8 - 10% tổng khối lượng, trong đó có các phân tử đường đơn là glucose và fructose. Lượng đường này sẽ tăng lên sau khi củ dền được nấu chín. Chỉ số đường huyết GI của củ dền trong khoảng 61, con số không quá thấp, có thể đe dọa đến người bệnh tiểu đường nếu sử dụng quá nhiều hoặc sai cách.
Chất xơ: Nói đến thành phần dinh dưỡng của củ dền thì không thể không nhắc đến chất xơ. Hàm lượng chất xơ hòa tan và không hòa tan trong củ dền có tỷ lệ khá cao, có thể lên đến 2 - 3g trong mỗi 100g củ dền tươi. Lượng chất xơ này góp phần đáp ứng nhu cầu chất xơ của cơ thể trong 1 ngày, tránh nguy cơ bị táo bón, đầy hơi,...
Vitamin và chất khoáng: Củ dền là thực phẩm vô cùng giàu vitamin và khoáng chất, điển hình có thể kể đến như folate, mangan, kali, sắt, vitamin C,... Trong đó, sắt là chất khoáng có hàm lượng ấn tượng trong củ dền, đây cũng là thực phẩm giàu sắt hàng đầu trong số các loại rau củ.
Tác dụng của củ dền đối với sức khỏe
Sẽ thật thiếu sót nếu bạn nắm được thành phần dinh dưỡng của củ dền nhưng lại không quan tâm đến lợi ích mà loại củ này đem lại cho sức khỏe. Rất nhiều chất dinh dưỡng đều có trong củ dền, bổ sung nhiều chất cần thiết cho cơ thể và đem lại những tác dụng như:
Hỗ trợ tim mạch và huyết áp: Ăn củ dền hoặc uống nước ép củ dền có thể giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch, ổn định huyết áp và ngăn ngừa bệnh cao huyết áp, tắc nghẽn mạch máu,... thường xuất hiện ở người lớn tuổi. Nitrat và chất xơ cao trong củ dền phát huy khả năng hạn chế bệnh tim mạch.
Tác dụng với bệnh đái tháo đường: Một số nghiên cứu chứng minh bổ sung củ dền với liều lượng vừa đủ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Chất xơ dồi dào trong củ dền kiểm soát đường huyết ổn định, tránh giải phóng quá nhiều đường khiến đường huyết tăng đột ngột, làm hại đến khả năng sản xuất insulin.
Tốt cho tiêu hóa: Nếu bạn thường xuyên bị táo bón, rối loạn tiêu hóa, đầy bụng khó tiêu,... hãy thử thêm củ dền vào chế độ ăn uống sẽ nhanh chóng thấy triệu chứng được cải thiện đấy. Thành phần dinh dưỡng của củ dền chứa lượng chất xơ cao, hỗ trợ quá trình tiêu hóa ổn định, tăng cường đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể.
Cẩn trọng khi sử dụng củ dền
Dựa trên thành phần dinh dưỡng của củ dền có thể thấy, củ dền là thực phẩm đem lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên nếu lạm dụng củ dền, bạn vẫn có thể chịu một số tác dụng phụ như tiểu hoặc đại tiện ra màu đỏ, đau bụng, tiêu chảy,... Để tránh những trường hợp này, bạn nên lưu ý những điều sau khi sử dụng củ dền.
Uống nước ép củ dền hoặc ăn nhiều củ dền có thể làm đổi màu nước tiểu và phân thành màu đỏ, hồng hoặc đỏ đậm nhưng đây không phải dấu hiệu gây hại đến sức khỏe, tình trạng này sẽ tự hết khi bạn dừng sử dụng củ dền.
Người có nguy cơ bị sỏi thận không nên ăn nhiều củ dền để tránh nạp nhiều oxalat dẫn đến tạo sỏi.
Người có vấn đề về tiêu hóa, lạnh bụng, tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích,... cần tránh ăn củ dền.
Củ dền là thực phẩm bổ dưỡng nhưng nên ăn với liều lượng ổn định, không quá lạm dụng gây hại cho sức khỏe. Tốt nhất chỉ nên ăn/uống củ dền 2 - 3 bữa/tuần.
Cách dùng củ dền tốt cho sức khỏe
Có rất nhiều cách để thêm củ dền vào chế độ ăn uống mà không làm ảnh hưởng đến sự ngon miệng. Bạn có thể dùng củ dền để rang, sấy thành snack hoặc ăn sống sau khi rửa sạch cũng được. Để đảm bảo thành phần dinh dưỡng của củ dền, những cách chế biến dưới đây sẽ giúp bạn.
Làm nước ép củ dền nguyên chất hoặc kết hợp củ dền với rau củ quả khác để tạo nên món nước ép giàu dưỡng chất, đẹp mắt.
Dùng củ dền để hầm canh tạo màu sắc bắt mắt và vị ngon ngọt tự nhiên.
Thái lát mỏng củ dền và trộn salad cũng là ý tưởng chế biến hay ho đấy.
Nướng củ dền và ăn kèm phô mai, nước sốt,... cũng rất ngon.
Thái nhỏ củ dền và trộn với nước chanh, bột ớt, gia vị tạo thành món ăn vặt hấp dẫn.
Tóm lại, thành phần dinh dưỡng của củ dền gồm rất nhiều các loại chất dinh dưỡng khác nhau, là thực phẩm bổ sung hiệu quả cho sức khỏe. Nếu ăn củ dền làm bạn bị táo bón, đau bụng, tiêu chảy,... tốt nhất nên dừng ăn và nhờ đến sự trợ giúp từ bác sĩ có chuyên môn.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.