Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thực hư về tình trạng ngộ độc lá đu đủ mà nhiều người quan tâm

Ngày 27/05/2024
Kích thước chữ

Đu đủ là loài cây phổ biến và được trồng rộng rãi khắp nước ta. Bên cạnh lợi ích, tình trạng ngộ độc lá đu đủ cũng là một trong những vấn đề mà nhiều người quan tâm.

Lá đu đủ thường được sử dụng trong y học dân gian để hỗ trợ điều trị các vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, mặc dù lá đu đủ mang lại nhiều lợi ích, nhưng liệu việc sử dụng nhiều có tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc lá đu đủ hay không?

Lợi ích của lá đu đủ?

Trước khi khám phá tác hại và nguy cơ ngộ độc lá đu đủ, chúng ta sẽ tìm hiểu lá đu đủ có thể trị bệnh gì và tại sao nhiều người tin dùng nó.

Lá đu đủ có nguồn gốc từ Mexico và là một trong những cây ăn quả nhiệt đới phổ biến nhất thế giới. Mọi bộ phận của cây đu đủ đều có thể dùng làm thuốc, bao gồm quả xanh và chín, hạt, hoa, nhựa, lá, thân, và rễ với nhiều tác dụng dược lý.

Thực hư về tình trạng ngộ độc lá đu đủ mà nhiều người quan tâm 1
Các bộ phận của cây đu đủ được dùng để điều trị nhiều bệnh

Hiện nay, ở một số vùng nước ta, lá đu đủ được sử dụng phổ biến như một loại rau chế biến các món canh, xào tỏi và được cho là đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể. 

Trong y học cổ truyền, các bộ phận của cây đu đủ, đặc biệt là lá, đã được dùng để điều trị nhiều bệnh. Lá đu đủ có tính hàn, vị đắng, quy kinh tâm và phế. Theo y học hiện đại, lá đu đủ chứa papain, chymopapain, chất xơ, vitamin A, C, và có các công dụng sau:

Cải thiện hệ tiêu hóa

Trà và chiết xuất lá đu đủ thường được dùng để giảm các triệu chứng khó tiêu như đầy hơi, chướng bụng và ợ nóng. Lá đu đủ chứa nhiều chất xơ và papain giúp hỗ trợ điều trị táo bón và hội chứng ruột kích thích (IBS).

Giảm viêm

Lá đu đủ có tác dụng chống viêm nhờ chứa papain, flavonoid và vitamin E. Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ bằng chứng khoa học để xác nhận lá đu đủ có thể điều trị viêm cấp tính hoặc mãn tính ở người.

Thực hư về tình trạng ngộ độc lá đu đủ mà nhiều người quan tâm 2
Lá đu đủ có tác dụng chống viêm

Điều trị triệu chứng sốt xuất huyết và sốt rét

Lá đu đủ giúp tăng tiểu cầu và giảm nhiễm khuẩn khi bị sốt xuất huyết nhờ chứa papain và carocain. Nước ép lá đu đủ xanh cũng có thể uống để điều trị sốt rét.

Cân bằng lượng đường trong máu

Trong y học dân gian Mexico, lá đu đủ được dùng để điều trị tiểu đường. Nước lá đu đủ chứa các thành phần tự nhiên kích thích hoạt động của insulin, giúp kiểm soát đường máu, giảm nguy cơ tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp cũng như các biến chứng khác liên quan.

Giúp tóc chắc khỏe

Nước ép lá đu đủ cải thiện sự phát triển tóc và sức khỏe da đầu. Lá đu đủ chứa flavonoid và vitamin E giúp giảm rụng tóc và loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa. Hợp chất carpaine trong lá đu đủ hoạt động như dầu xả tự nhiên, mang lại vẻ bóng mượt cho tóc.

Cải thiện làn da

Enzyme papain trong lá đu đủ có thể tẩy tế bào chết, giảm bít tắc lỗ chân lông và mụn trứng cá. Uống hoặc bôi nước lá đu đủ giúp duy trì làn da mềm mại và trẻ trung nhờ các acid amin có tác dụng làm săn chắc và chống lão hóa.

Thực hư về ngộ độc lá đu đủ

Lá đu đủ chứa các hợp chất thực vật độc đáo với tiềm năng dược lý rộng rãi. Vậy lá đu đủ có gây ngộ độc không? Tác hại của lá đu đủ là gì?

Trong cuộc sống hàng ngày, lá đu đủ tươi không chỉ được dùng như một loại rau mà còn được hãm trà hoặc nấu nước uống, đặc biệt hữu ích cho bệnh nhân ung thư và các bệnh mãn tính. Tuy nhiên, việc lạm dụng lá đu đủ có thể gây ngộ độc với các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, và đi ngoài phân đen.

Thực hư về tình trạng ngộ độc lá đu đủ mà nhiều người quan tâm 3
Ngộ độc lá đu đủ - Có hay không?

Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy chiết xuất lá đu đủ gần như không gây ra tác dụng độc hại đáng kể. Cụ thể, nghiên cứu trên chuột Sprague Dawley cho thấy chiết xuất lá đu đủ khi sử dụng trong 13 tuần với liều gấp 14 lần mức dùng trong y học cổ truyền, không gây độc tính cận mãn tính:

  • Không gây ra bất kỳ trường hợp tử vong nào.
  • Không dẫn đến bất kỳ bất thường nào về hành vi hoặc thay đổi về trọng lượng cơ thể, lượng thức ăn và nước uống.
  • Không có sự khác biệt đáng kể về các thông số huyết học giữa nhóm dùng chiết xuất lá đu đủ và nhóm đối chứng.
  • Có sự khác biệt đáng kể về các giá trị sinh hóa như LDH, creatinine, albumin, nhưng những thay đổi này không liên quan đến các thay đổi mô bệnh học.

Lưu ý khi sử dụng lá đu đủ tránh ngộ độc

Mặc dù lá đu đủ thường được coi là an toàn và hiếm khi gây ngộ độc, bạn vẫn cần lưu ý một số điều sau để tránh rủi ro:

  • Không sử dụng lá đu đủ dưới mọi hình thức nếu bạn bị dị ứng với đu đủ, với các biểu hiện như nổi mẩn trên da, đau dạ dày, chóng mặt và buồn nôn.
  • Nếu bạn dị ứng với mủ cao su, hãy thận trọng khi sử dụng lá đu đủ và các sản phẩm từ đu đủ.
  • Lá đu đủ có thể chứa sâu và côn trùng, vì vậy hãy rửa thật kỹ để loại bỏ trứng côn trùng và vi sinh vật có hại trước khi sử dụng.
  • Nếu bạn đang mang thai, cho con bú, hoặc dự định có thai, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng lá đu đủ.
  • Chọn lá đu đủ tươi, ít phun thuốc. Đối với lá khô đóng gói sẵn, hãy chọn các thương hiệu uy tín, chất lượng cao.
  • Nếu bạn đang điều trị đái tháo đường bằng thuốc ổn định đường huyết, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng lá đu đủ vì các hoạt chất trong lá có thể tương tác với thuốc, làm hạ đường huyết quá mức và gây nguy hiểm.
  • Bệnh nhân suy gan cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hay thảo dược nào, bao gồm lá đu đủ.
  • Chưa có khuyến nghị chính xác về liều lượng lá đu đủ cho từng công dụng cụ thể. Tuy nhiên, dùng tối đa 30ml chiết xuất lá đu đủ ba lần mỗi ngày được coi là an toàn và hiệu quả để điều trị sốt xuất huyết. Nếu bạn không chắc về liều lượng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Thực hư về tình trạng ngộ độc lá đu đủ mà nhiều người quan tâm 4
Cần lưu ý một số điều để tránh rủi ro khi sử dụng lá đu đủ

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được thực hư về việc ngộ độc lá đu đủ cũng như một số cách phòng tránh ngộ độc loại lá này khi sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. 

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin