Thuốc Epinephrine: Tác dụng, chỉ định, chống chỉ định và những lưu ý khi sử dụng
Ngày 10/08/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Thuốc Epinephrine hay còn được biết đến với tên gọi khác là Adrenaline. Đây là một trong những loại thuốc cấp cứu và giải độc được sử dụng phổ biến hiện nay song không phải ai cũng hiểu rõ về loại thuốc này. Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về thuốc Epinephrine.
Vậy thuốc Epinephrine là thuốc gì? Thuốc được chỉ định sử dụng trong những trường hợp nào và chống chỉ định đối với những đối tượng nào? Cách sử dụng loại thuốc này ra sao? Cần lưu ý những gì khi sử dụng loại thuốc này? Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc giải đáp tất cả những thắc mắc nêu trên.
Thuốc Epinephrine là thuốc gì?
Về bản chất, Epinephrine hay Adrenaline là một loại hormone được giải phóng từ tuyến thượng thận. Khi sử dụng, thuốc được phóng thích vào máu và có vai trò như một chất trung gian hoá học đồng thời truyền tải xung thần kinh cho các cơ quan và bộ phận khác nhau trong cơ thể.
Theo đó, thuốc Epinephrine có tác dụng trực tiếp lên hệ thống thần kinh giao cảm, kích thích cả 2 thụ thể của thần kinh giao cảm là alpha và beta song tác động trên thụ thể beta mạnh hơn. Các tác dụng của thuốc được thể hiện qua các cơ quan có hệ thần kinh giao cảm, bao gồm:
Tim mạch: Làm tăng co bóp cơ tim và tần số tim, tăng thể tích tâm thu và mức tiêu thụ oxy của cơ tim, tăng lưu lượng máu ở mạch vành đồng thời tăng sức cản ngoại vi gây tăng huyết áp. Nếu được truyền tĩnh mạch sẽ làm giảm sức cản ngoại vi, lúc đầu làm tăng nhịp tim song sau đó do phản xạ hệ phó giao cảm, thuốc Epinephrine sẽ làm giảm nhịp tim.
Hô hấp: Gây kích thích hô hấp nhẹ, gây giãn phế quản, làm cho dịch tiết phế quản tiết ra quánh hơn.
Hệ thần kinh trung ương: Do thuốc ít qua được hàng rào máu não vào hệ thần kinh trung ương nên ở liều thấp, Epinephrine ít có tác động đến hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên, khi sử dụng liều cao sẽ kích thích thần kinh trung ương gây ra cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, khó chịu, run, căng thẳng.
Mắt: Khi nhỏ mắt, thuốc Epinephrine ít gây giãn đồng tử.
Tiêu hoá: Làm tăng lưu lượng máu, giảm trương lực cơ và giảm bài tiết ở ruột.
Sinh dục - tiết niệu: Làm giảm lưu lượng máu đến thận, làm thay đổi trương lực bàng quang nhưng lại làm tăng trương lực cơ trơn nên có thể gây tình trạng tiểu khó. Epinephrine ức chế cơn co tử cung ở phụ nữ mang thai.
Chuyển hoá: Thuốc Epinephrine gây giảm bài tiết insulin, tăng tiết glucagon ở tuỵ đồng thời tăng tốc độ phân giải glycogen và kết quả dẫn đến tăng đường huyết.
Ngoài ra, Epinephrine còn gây co mạch dưới da, tăng chuyển hoá cơ bản từ đó làm tăng thân nhiệt.
Thuốc Epinephrine được hấp thu và bị phân huỷ ở đường tiêu hoá. Epinephrine hấp thu được qua đường tiêm và đặt dưới lưỡi. Tiêm tĩnh mạch hấp thu nhanh, xuất hiện tác dụng quá nhanh và mạnh do vậy mà dễ gây các tai biến như giãn mạch mạnh, tai biến mạch máu não, phù phổi cấp. Chính vì thế Epinephrine chủ yếu được sử dụng bằng đường truyền tĩnh mạch. Thuốc Epinephrine thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.
Các dạng thuốc Epinephrine được sử dụng bao gồm dạng dung dịch tiêm, thuốc xịt định liều, thuốc nhỏ mắt, dạng phối hợp với các loại thuốc khác.
Thuốc Epinephrine được chỉ định và chống chỉ định trong những trường hợp nào?
Chỉ định
Về chỉ định, thuốc Epinephrine được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ trong các trường hợp:
Kết hợp với các thuốc chống viêm và thuốc giãn phế quản khác trong trường hợp xuất hiện cơn hen phế quản ác tính;
Điều trị bệnh glocom góc mở tiên phát;
Cầm máu trong các trường hợp chảy máu mũi, chảy máu bàng quang hoặc xuất huyết tiêu hoá.
Chống chỉ định
Về chống chỉ định: Thuốc dùng trong các trường hợp cấp cứu sốc phản vệ hoặc ngừng tuần hoàn thì không có chống chỉ định song cần thận trọng dùng trên một số đối tượng đặc biệt. Ở những trường hợp khác, thuốc Epinephrine chống chỉ định trong các trường hợp:
Tiền sử bệnh tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch nặng;
Đối tượng đang gây mê bằng nhóm halogen khi sử dụng Epinephrine có thể gây rung thất…
Tác dụng phụ của thuốc Epinephrine
Cũng giống như các loại thuốc khác, khi sử dụng Epinephrine, bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ của thuốc. Trong đó:
Tác dụng phụ thường gặp bao gồm đau đầu, mệt mỏi, đổ mồ hôi, tăng huyết áp, hồi hộp, nhịp tim nhanh, run, chóng mặt, tăng tiết nước bọt…
Tác dụng phụ ít gặp bao gồm loạn nhịp thất, ăn kém, buồn nôn, nôn, sợ hãi, mất ngủ, dễ bị kích thích, tiểu khó hoặc bí tiểu, khó thở…
Tác dụng phụ hiếm gặp có thể kể đến như xuất huyết não, phù phổi do tăng huyết áp, hoại tử mô, lú lẫn, rối loạn tâm thần, rối loạn chuyển hoá…
Những lưu ý khi sử dụng thuốc Epinephrine
Dưới đây là những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng thuốc Epinephrine, bạn đọc có thể tham khảo:
Chỉ sử dụng Epinephrine khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ký điều chỉnh liều lượng của thuốc cũng như kéo dài thời gian sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Trong những trường hợp cấp bách như điều trị các trường hợp dị ứng nghiêm trọng, người bệnh cần phải được bác sĩ điều trị trực tiếp tiêm thuốc tại bệnh viện để đảm bảo hiệu quả tốt nhất cũng như đảm bảo an toàn. Khi chưa hiểu rõ nguyên tắc, tuyệt đối không nên sử dụng thuốc.
Liều dùng trong từng trường hợp sẽ có sự khác nhau. Sự khác nhau này phụ thuộc vào độ tuổi cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Không tiêm Epinephrine vào tĩnh mạch khi chưa pha loãng, đặc biệt là những đối tượng nhạy cảm với Epinephrine hoặc người mắc bệnh cường giáp…
Không sử dụng chung thuốc Epinephrine với các thuốc mê nhóm halogen, thuốc ức chế beta-adrenergic không chọn lọc và thuốc chống trầm cảm 3 vòng.
Thuốc Epinephrine cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh để thuốc ở những vị trí có độ ẩm cao và đặc biệt cần tránh để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Khi để thuốc ở môi trường nhiệt độ quá thấp sẽ làm mất công dụng của thuốc. Không sử dụng Epinephrine khi thấy thuốc tiêm bị chuyển màu.
Để thuốc Epinephrine tránh xa tầm tay của trẻ em. Không sử dụng thuốc đã quá hạn đồng thời loại bỏ thuốc đúng cách theo hướng dẫn của nhân viên y tế cũng như nhân viên môi trường.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về thuốc Epinephrine mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu hơn về loại thuốc này đồng thời nắm được một số lưu ý khi sử dụng thuốc Epinephrine. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến chủ đề này, đừng quên để lại bình luận phía dưới bài viết để được giải đáp bạn nhé.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm