Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Ung thư tụy ngoại tiết: Yếu tố nguy cơ và cách điều trị

Ngày 17/03/2024
Kích thước chữ

Ung thư tụy ngoại tiết là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất của hệ tiêu hóa. Tiên lượng của bệnh nhân ung thư tụy ngoại tiết rất xấu so với các loại ung thư khác. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh ung thư tụy ngoại tiết để có thể chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe của mình.

Ung thư tụy là một loại ung thư khó chẩn đoán trong tuyến tụy, do tụy nằm sâu trong ổ bụng, có triệu chứng lâm sàng nghèo nàn nên khó phát hiện ở giai đoạn đầu, do đó thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, vì vậy tiên lượng thường khó khăn. Ung thư tụy bao gồm ung thư tụy ngoại tiết và ung thư tụy nội tiết, trong đó ung thư tụy ngoại tiết là loại ung thư phổ biến và ung thư tuyến tụy nội tiết ít gặp hơn.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ung thư tụy ngoại tiết

Dưới đây là các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư tụy ngoại tiết:

  • Tuổi già: 50% số ca mới mắc đều trên 75 tuổi, hiếm gặp bệnh nhân dưới 40 tuổi.
ung-thu-tuy-ngoai-tiet-yeu-to-nguy-co-va-cach-dieu-tri 1.jpg
Tuổi già là nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư tụy ngoại tiết
  • Thừa cân béo phì.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tụy.
  • Hút thuốc: Một phần ba số người mắc bệnh ung thư tụy đều có thói quen hút thuốc. Nếu bạn hút hơn 30 điếu thuốc mỗi ngày, nguy cơ của bạn sẽ tăng gấp 5 lần.
  • Một số bệnh nội khoa: Tiểu đường, viêm tụy mãn tính, loét dạ dày, viêm dạ dày do nhiễm helicobacter pylori.

Biểu hiện ung thư tụy ngoại tiết

2/3 số ca ung thư tụy xảy ra ở đầu tụy, 1/3 còn lại xảy ra ở đuôi và thân tụy. Biểu hiện lâm sàng của hai loại tổn thương định khu này hoàn toàn khác nhau. Mặc dù đã có sẵn nhiều phương tiện xét nghiệm và thăm dò hiện đại nhưng việc phát hiện khối u tụy <2cm là vô cùng khó khăn. Thông thường phải mất một thời gian để các khối u biểu hiện trên lâm sàng.

  • Ung thư đầu tụy: Biểu hiện vàng da là phổ biến. Vàng da tăng dần mà không sốt, kèm theo các triệu chứng như vàng mắt, phân bạc màu, ngứa, sút cân, chán ăn…, đặc biệt đau bụng trên cũng là triệu chứng thường gặp, đau thường lan ra sau lưng. Tuy nhiên, trong những trường hợp không điển hình, đôi khi nó chỉ biểu hiện dưới dạng vàng da kèm theo đau ở hạ sườn phải.
  • Ung thư thân và đuôi tụy: Loại này khó chẩn đoán, triệu chứng thường gặp là đau thượng vị lan ra sau lưng, phải ngồi chống gối cúi ra phía trước sẽ đỡ đau, kèm theo các triệu chứng toàn thân như chán ăn, mệt mỏi, sút cân, rối loạn tiêu hóa...

Chẩn đoán ung thư tụy ngoại tiết và đánh giá trước điều trị

  • Khám lâm sàng: Dấu hiệu thường gặp nhất là bị vàng da, ngứa da với nhiều vết gãi xây xước. Khám bụng ít khi sờ thấy với u nhỏ, sờ dưới sườn phải có khối căng mềm. Giai đoạn muộn của bệnh có thể gặp di căn gan lớn, báng bụng hoặc các nốt lổn nhổn thành bụng, hạch cổ…
  • Xét nghiệm máu: Tăng sắc tố mật chủ yếu loại kết hợp, ALP và GGT, men gan không thay đổi hoặc chỉ tăng vừa phải. Trong hầu hết các trường hợp, men tụy đều trong giới hạn bình thường. Đối với các khối u ở thân và đuôi tụy, xét nghiệm máu thông thường không cho thấy bất kỳ thay đổi nào.
ung-thu-tuy-ngoai-tiet-yeu-to-nguy-co-va-cach-dieu-tri 2.jpg
Các khối u ở thân và đuôi tụy, xét nghiệm máu thông thường không cho thấy bất kỳ thay đổi nào
  • Chất chỉ điểm ung thư: Thường gặp CA 19-9 tăng cao trong ung thư ống mật và tụy. Chất này còn tăng cao trong các trường hợp ung thư đại tràng, dạ dày, ung thư gan nguyên phát hoặc trong trường hợp tắc mật lành tính.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm vùng bụng cho thấy hình ảnh dãn đường mật trong và ngoài gan, phát hiện khối u tụy lớn hơn 15mm, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện di căn gan nếu có.
  • Chụp cắt lớp vi tính: Vượt trội hơn siêu âm trong việc phát hiện các khối u nhỏ (>10mm), đánh giá mức độ xâm lấn cục bộ của khối u giúp xác định khả năng loại bỏ hoàn toàn khối u.
  • Cộng hưởng từ: Được sử dụng khi bệnh nhân không thể chụp CT. Hình ảnh điển hình là một khối ở đầu tụy và giãn đôi hai ống mật tụy.
  • Siêu âm nội soi mật tụy: Sử dụng ống nội soi dạ dày có camera quan sát kết hợp đầu dò siêu âm, phương pháp này rất hữu ích trong chẩn đoán các khối u nhỏ.
  • PET CT: Phát hiện tổn thương khối u >10mm. Có vai trò lớn hơn CT scan trong việc phát hiện di căn xa nếu có.
  • Nội soi mật ngược dòng (ERCP): Thường sử dụng đặt lòng thông để giải quyết tắc nghẽn tạm thời hơn là mục đích chẩn đoán.

Điều trị ung thư tụy ngoại tiết như thế nào?

Điều trị ngoại khoa

Chỉ có phẫu thuật mới có cơ hội kéo dài sự sống cho bệnh nhân, tuy nhiên một số trường hợp không thể điều trị bằng phẫu thuật là do tuổi đã quá cao (trên 70 tuổi), thể trạng kém hoặc kèm theo các bệnh mãn tính như nhồi máu cơ tim, suy gan, suy thận…, hoặc bệnh nhân có di căn lan rộng. Tùy thuộc vào tình trạng và khối u của bệnh nhân, bác sĩ phẫu thuật sẽ quyết định thực hiện phẫu thuật là tạm thời hay cắt bỏ hoàn toàn tụy hoặc cắt bỏ bán phần tụy.

Điều trị nội khoa

Nếu phẫu thuật không được chỉ định thì cũng phải điều trị tạm thời, chủ yếu điều trị vàng da bằng cách dẫn lưu mật bằng ống nội giả qua đường nội soi, tuy nhiên có thể xảy ra các biến chứng như trượt ống, chít hẹp đường mật. Ngoài ra, cần điều trị nâng đỡ cơ thể và các triệu chứng khác.

ung-thu-tuy-ngoai-tiet-yeu-to-nguy-co-va-cach-dieu-tri 3.jpg
Nếu phẫu thuật không được chỉ định thì người bị ung thư tụy ngoại tiết cũng phải điều trị tạm thời 

Tia xạ, hóa chất trị liệu và liệu pháp hormone

Thường là sự kết hợp giữa tia xạ và hóa chất, loại hóa chất thường được sử dụng là 5FU, xạ trị có thể được thực hiện trong quá trình phẫu thuật để tia xạ có thể được chiếu trực tiếp vào tổn thương mà không gây tổn thương xung quanh. Trong một số trường hợp ung thư tụy có thụ thể nội tiết, thuốc kháng nội tiết tố nam hoặc dẫn xuất của somatostatin có thể được cân nhắc sử dụng.

Các phương pháp điều trị khác

Sử dụng kháng thể đơn dòng hoặc các tế bào lympho tiêu diệt được xử lý trước bằng interleukin 2... Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu nhưng cũng cho thấy những dấu hiệu khả quan.

Ung thư tụy ngoại tiết thường có nguy cơ tái phát sau phẫu thuật hoặc điều trị bằng thuốc, đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ bệnh nhân thường xuyên và liên tục. Những người chưa từng mắc hoặc đã từng mắc bệnh ung thư cũng cần phải khám sức khỏe ít nhất mỗi năm một lần để phát hiện những dấu hiệu bất thường trên cơ thể, sàng lọc toàn bộ cơ thể, ngăn ngừa những triệu chứng có thể mang đến nguy cơ mắc bệnh.

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin