Viêm tụy mạn điều trị như thế nào? Viêm tụy mạn có chữa được không?
Ngày 19/07/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Viêm tụy mạn tính là tình trạng tổn thương và viêm tụy kéo dài, gây suy giảm chức năng của tụy. Nếu không được điều trị đúng cách, viêm tụy mạn tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Vậy viêm tụy mạn điều trị như thế nào?
Các đợt đau tái phát hoặc kéo dài ở vùng thượng vị là triệu chứng đặc trưng của viêm tụy mạn tính. Điều này làm ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, nhiều người thắc mắc rằng viêm tụy mạn điều trị như thế nào?
Viêm tụy mạn có nguy hiểm không?
Tụy là cơ quan quan trọng, có chức năng nội tiết và ngoại tiết. Khi bị viêm tụy mạn tính, quá trình tiêu hóa, hấp thu và chuyển hóa các chất trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Viêm tụy mạn tính là một bệnh lý khó điều trị, gây tổn thương không hồi phục và suy giảm chức năng của cơ quan. Những biến chứng phổ biến do viêm tụy mạn tính gây ra, bao gồm:
Nhiễm trùng: Viêm tụy mạn tính dễ gây nhiễm trùng tuyến tụy. Nếu không được điều trị kịp thời, mô tụy nhiễm trùng có thể bị xơ hóa, mất chức năng hoặc hoại tử, đe dọa tới tính mạng.
Nang giả tụy: Nang tụy lớn khi vỡ có thể gây nguy hiểm do biến chứng nhiễm trùng và chảy máu nội tạng.
Suy dinh dưỡng: Viêm tụy mạn tính làm rối loạn việc sản xuất enzyme cần thiết cho quá trình hấp thu và xử lý chất dinh dưỡng, dẫn đến thiếu chất, tiêu chảy và suy dinh dưỡng,...
Ung thư tuyến tụy: Viêm tụy mạn tính có nguy cơ cao phát triển thành ung thư tụy, tỷ lệ tử vong cao và khó điều trị.
Đái tháo đường: Viêm tụy mạn ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát đường huyết do tổn thương tế bào sản xuất insulin, thường dẫn đến bệnh tiểu đường.
Do các biến chứng kể trên, người bị viêm tụy mạn tính phải chung sống với bệnh trong nhiều năm, khiến sức khỏe suy giảm và nguy cơ tử vong cao. Khoảng 50% bệnh nhân tử vong do biến chứng của bệnh trong vòng 20 - 25 năm.
Điều trị viêm tụy mạn tính rất khó khăn vì tế bào tụy bị tổn thương không thể hồi phục và chức năng bị ảnh hưởng vĩnh viễn. Tuy nhiên, nếu đáp ứng điều trị tốt, sức khỏe bệnh nhân có thể được duy trì và kéo dài thời gian sống.
Viêm tụy mạn có chữa được không?
Trước khi giải đáp cho thắc mắc viêm tụy mạn điều trị như thế nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về việc viêm tụy mạn có chữa được hay không. Viêm tụy mạn tính thường phát sinh từ viêm tụy cấp do không được điều trị kịp thời, không chữa dứt điểm hoặc dùng thuốc không đúng cách. Dù cơn đau do viêm tụy có thể tự biến mất nhưng viêm tụy mạn tính vẫn là tình trạng nghiêm trọng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh sẽ đe dọa tới tính mạng.
Các bác sĩ sẽ dựa vào mức độ nghiêm trọng và tần suất xuất hiện các triệu chứng để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Thời gian sống và khả năng hồi phục phụ thuộc nhiều vào việc điều trị cũng như sự thay đổi lối sống của người bệnh.
Viêm tụy mạn điều trị như thế nào?
Nhiều người không khỏi thắc mắc rằng viêm tụy mạn điều trị như thế nào? Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị viêm tụy mạn tính hoàn toàn, các phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào việc giảm đau, kiểm soát triệu chứng và biến chứng nhằm tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Các phương pháp hiện tại để điều trị viêm tụy mạn tính, bao gồm:
Điều trị nội khoa
Phương pháp điều trị nội khoa như:
Chế độ ăn uống: Bệnh nhân cần thay đổi chế độ ăn kiêng, chia nhỏ các bữa ăn và hạn chế nạp chất béo. Cần tránh uống rượu, hạn chế dùng thuốc điều trị và các chất kích thích như caffeine.
Thuốc điều trị: Một số thuốc được sử dụng để điều trị viêm tụy mạn tính bao gồm thuốc giảm đau, thuốc đối kháng receptor H2, viên nang lipase, natri bicarbonat, enzyme tụy thứ phát và bổ sung insulin.
Điều trị ngoại khoa
Phương pháp điều trị ngoại khoa như:
Phẫu thuật để loại trừ tắc nghẽn ống tụy: Trong trường hợp viêm tụy mạn tính, phẫu thuật có thể được sử dụng để dẫn lưu nang giả kéo dài, xử lý các biến chứng hoặc đôi khi để giảm đau. Mục tiêu chính của các phương pháp phẫu thuật này là loại bỏ bệnh lý của đường mật, bảo đảm mật chảy vào tá tràng và loại trừ vấn đề tắc nghẽn ống tụy.
Dẫn lưu ống tụy: Khi phát hiện tắc nghẽn ở đoạn cuối của tá tràng qua hình ảnh chụp nội soi tụy đường mật ngược dòng, cần làm giãn ống hoặc cắt đuôi tụy kết hợp với nối thông tụy - hỗng tràng. Trong trường hợp giãn ống tụy lan tỏa, nối kết ống sau khi tách ra theo chiều dọc với phần hỗng tràng mất chức năng (thủ thuật Puestow) có thể giúp giảm đau đến 80% nếu kết hợp với cắt bỏ đầu tụy khu trú.
Cắt tụy: Khi bệnh tiến triển, cắt tụy bán phần hoặc toàn phần có thể là lựa chọn cuối cùng. Điều này có thể dẫn đến thiểu năng tụy. Dẫn lưu phẫu thuật hoặc nội soi thường được áp dụng cho các nang giả có triệu chứng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy cổ trướng do tụy hoặc rò tụy màng phổi có thể được điều trị bằng cách đặt lưới qua nội soi để khắc phục vết vỡ của ống tụy. Nghiền sỏi tụy, cắt cơ thắt tụy hoặc dẫn lưu nang giả có thể giúp giảm đau ở một số bệnh nhân.
Phong bế đám rối thần kinh: Đối với bệnh nhân bị đau mạn tính và ống tụy không bị giãn, phong bế đám rối thần kinh bụng qua da có thể được cân nhắc nhưng kết quả thường không đạt như mong đợi.
Bài viết trên đã chia sẻ thông tin về viêm tụy mạn điều trị như thế nào? Việc điều trị tích cực và áp dụng các phương pháp phù hợp có thể cải thiện thời gian sống, giảm đau và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân viêm tụy mạn tính. Điều trị càng sớm thường mang lại kết quả tốt hơn và hiệu quả hơn.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.