Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 08/12/2024
Kích thước chữ

Vào thời điểm giao mùa, trẻ nhỏ dễ gặp phải các vấn đề về đường hô hấp như ho, cảm lạnh, đặc biệt là viêm tiểu phế quản bội nhiễm. Căn bệnh này thường biểu hiện qua các triệu chứng như ho, thở gấp và có nguy cơ dẫn đến suy hô hấp nếu không được xử lý kịp thời. Vậy viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ là gì?

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm là một bệnh lý đường hô hấp phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ dưới 2 tuổi. Đây là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại các tiểu phế quản, những nhánh nhỏ của hệ thống đường dẫn khí trong phổi do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Trong bài viết này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ là gì cũng như cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ là gì?

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm là tình trạng viêm ở các tiểu phế quản, kèm theo sự xâm nhập của vi khuẩn trên nền viêm do virus ban đầu. Đây là bệnh viêm nhiễm xảy ra thứ phát sau khi hệ miễn dịch của trẻ đã bị suy giảm bởi một tác nhân trước đó. Bệnh thường bắt nguồn từ virus và phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Nguyên nhân chính thường liên quan đến virus hợp bào hô hấp (RSV). Nếu việc chăm sóc và điều trị ban đầu không triệt để, vi khuẩn như liên cầu khuẩn và phế cầu khuẩn có thể từ mũi họng tấn công các tiểu phế quản, làm tình trạng bội nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn.

Trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm các trường hợp sau:

  • Trẻ sinh non trước 36 tuần và có cân nặng lúc sinh dưới 2500g;
  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi;
  • Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, đặc biệt có tăng áp lực động mạch phổi;
  • Trẻ có bệnh phổi mãn tính, chẳng hạn như loạn sản phổi;
  • Trẻ bị suy giảm miễn dịch;
  • Trẻ suy dinh dưỡng nặng.
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ là gì: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ là gì là thắc mắc của nhiều cha mẹ

Nguyên nhân gây bệnh

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm thường bắt đầu từ một đợt viêm tiểu phế quản thông thường do virus. Khi hệ miễn dịch của trẻ suy yếu, vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập và gây nhiễm trùng thứ phát. Nguyên nhân gây tình trạng viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ là gì? Một số căn nguyên thường gặp là:

  • Nhiễm virus: Một số virus phổ biến gây ra tình trạng này là: Virus hợp bào hô hấp (RSV), đây là nguyên nhân chính gây viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ. Ngoài ra có thể gặp các chủng virus khác như: Cúm, parainfluenza, adenovirus.
  • Nhiễm vi khuẩn bội nhiễm: Ngoài tác nhân là virus, viêm phế quản bội nhiễm ở trẻ cũng có thể gặp do vi khuẩn như: Streptococcus pneumoniae và Haemophilus influenzae là hai loại vi khuẩn thường gặp nhất. Một số vi khuẩn khác như Staphylococcus aureus cũng có thể gây bội nhiễm.

Triệu chứng của bệnh

Triệu chứng của viêm tiểu phế quản bội nhiễm thường nặng hơn so với viêm tiểu phế quản thông thường.

Triệu chứng ban đầu

Ở giai đoạn đầu, trẻ bị viêm tiểu phế quản thường xuất hiện với các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên với các triệu chứng như:

  • Sổ mũi, hắt hơi, đau rát cổ họng, ho khan.
  • Đôi khi có sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn.
  • Thở nhanh hoặc khò khè nhẹ.
  • Có thể thấy lồng ngực trẻ căng phồng, phổi giảm thông khí và nghe thấy tiếng ran.

Triệu chứng nặng hơn

Với các trường hợp nặng hơn, trẻ sẽ có các dấu hiệu sau:

  • Ho có đờm, đôi khi kèm mủ.
  • Sốt cao liên tục, khó hạ.
  • Thở rất nhanh, gấp gáp (> 60 lần/phút)
  • Thở khó khăn, lồng ngực rút lõm.
  • Da của trẻ tím tái, đặc biệt là ở môi và đầu ngón tay.
  • Trẻ mệt mỏi, quấy khóc nhiều hoặc lơ mơ.
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ là gì: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ thường thở nhanh và ho có đờm

Biến chứng của bệnh

Nếu không được điều trị đúng cách, viêm tiểu phế quản bội nhiễm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Viêm phổi: Do virus hoặc vi khuẩn lây lan từ tiểu phế quản sang phổi.
  • Suy hô hấp: Do đường thở của trẻ bị tắc nghẽn nghiêm trọng bởi đờm dãi, dịch tiết.
  • Nhiễm trùng huyết: Vi khuẩn lan vào máu gây nhiễm trùng toàn thân.
  • Tăng nguy cơ hen phế quản: Trẻ bị viêm tiểu phế quản nhiều lần có nguy cơ cao mắc hen.

Cách chẩn đoán viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ

Để chẩn đoán viêm tiểu phế quản bội nhiễm, bác sĩ thường thực hiện các bước sau:

  • Khám lâm sàng: Nghe phổi để phát hiện tiếng rale, các tiếng thổi bất thường.
  • Xét nghiệm máu: Xác định tình trạng nhiễm trùng và loại vi khuẩn gây bệnh.
  • Chụp Xquang phổi: Đánh giá tình trạng tổn thương phổi và các tiểu phế quản.
  • Xét nghiệm dịch mũi họng: Tìm nguyên nhân do virus hay vi khuẩn.
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ là gì: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3
Nghe phổi giúp xác định tiếng thổi bất thường ở trẻ

Cách điều trị bệnh

Việc điều trị viêm tiểu phế quản bội nhiễm phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và nguyên nhân gây bệnh. Vậy các cách điều trị viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ là gì? Các phương pháp phổ biến bao gồm:

Điều trị tại nhà (trường hợp nhẹ)

Nguyên tắc điều trị bệnh ở trẻ nhỏ là cung cấp đủ nước, chất điện giải, dinh dưỡng và đảm bảo oxy trong máu. Với các trường hợp triệu chứng nhẹ, cha mẹ nên thực hiện các biện pháp sau:

  • Giữ ấm cơ thể: Đảm bảo trẻ không bị nhiễm lạnh thêm.
  • Dùng thuốc hạ sốt: Theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tăng cường dinh dưỡng: Cho trẻ uống nhiều nước và ăn thức ăn dễ tiêu.
  • Làm sạch mũi: Sử dụng nước muối sinh lý để thông mũi.

Điều trị tại bệnh viện (trường hợp nặng)

Với các trường hợp nặng hơn, trẻ cần đến viện để được thăm khám và điều trị phù hợp:

  • Kháng sinh: Dùng kháng sinh phù hợp nếu bội nhiễm vi khuẩn được xác nhận.
  • Thở oxy: Hỗ trợ trẻ trong trường hợp khó thở.
  • Truyền dịch: Đảm bảo cung cấp đủ nước và chất điện giải.
  • Theo dõi sát sao: Nhằm phát hiện kịp thời các biến chứng.

Cách phòng ngừa bệnh ở trẻ

Phòng bệnh luôn quan trọng hơn chữa bệnh. Để phòng tránh viêm tiểu phế quản cho trẻ, các bố mẹ cần thực hiện các biện pháp ngay từ khi mang thai như khám thai định kỳ, xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Bên cạnh đó nên lao động hợp lý để đảm bảo trẻ sinh đủ tháng, đủ cân. Khi trẻ chào đời, có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Cho trẻ bú mẹ tới 2 tuổi để cung cấp kháng thể, giúp tăng sức đề kháng bệnh.
  • Đảm bảo dưỡng chất, cho trẻ ăn dặm đúng cách.
  • Tăng cường miễn dịch: Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cho trẻ bú mẹ ít nhất 6 tháng đầu đời.
  • Tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm phòng mở rộng: Đặc biệt là các loại vắc xin cúm, Hib và phế cầu.
  • Tránh tiếp xúc với nguồn bệnh: Hạn chế để trẻ gần gũi với người bị cảm lạnh hoặc cúm.
  • Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ: Tránh khói thuốc và các chất gây ô nhiễm không khí.
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ là gì: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Trẻ nên được tiêm phòng đầy đủ để bảo đảm hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả

Khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ?

Cha mẹ cần đưa trẻ đi tới các cơ sở chuyên khoa ngay nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Sốt cao kéo dài trên 3 ngày.
  • Thở khó, thở rít, môi và da tái xanh.
  • Trẻ không ăn uống, quấy khóc liên tục hoặc lơ mơ.
  • Ho nặng kèm đờm mủ hoặc máu.

Nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Hy vọng bài viết này đã giúp quý độc giả hiểu rõ hơn tình trạng viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ là gì. Hãy theo dõi trang web của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật các thông tin bổ ích về sức khỏe của bé, cha mẹ nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin