Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Xét nghiệm viêm tụy cấp quan trọng như thế nào?

Ngày 31/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm tụy cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu về tiêu hóa khiến nhiều người phải nhập viện. Bệnh khi ở mức độ nặng có tỷ lệ tử vong cao. Xét nghiệm viêm tụy cấp có vai trò rất quan trọng trong điều trị căn bệnh này.

Viêm tụy cấp là tình trạng rối loạn nghiêm trọng về tiêu hóa với tỷ lệ tử vong từ 5 - 15%, tùy thuộc vào nguyên nhân, tuổi tác và bệnh đi kèm. Sự hiện diện của một số bệnh như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu hay béo phì,… làm gia tăng đáng kể nguy cơ biến chứng và tử vong của viêm tụy cấp. Đa số các trường hợp tử vong là do suy đa cơ quan và hoại tử tụy nhiễm trùng. Xét nghiệm viêm tụy cấp là một bước cực kỳ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa với người bệnh.

Viêm tụy cấp là gì?

Viêm tụy cấp là một bệnh lý nội khoa cấp tính dễ diễn tiến nặng. Trong khi đó, các triệu chứng phổ biến của bệnh như đau bụng, buồn nôn, nôn, đại tiện phân lỏng… lại dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác.

Tuyến tụy (hay còn được gọi với tên dân gian là lá mía) là một cơ quan trong ổ bụng nhưng lại có vai trò quan trọng về ngoại tiết. Tuyến này tiết ra men giúp tiêu hóa đường, đạm và mỡ từ thức ăn. Về nội tiết, nó tiết ra hormone insulin và glucagon, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa và điều hòa đường huyết của cơ thể.

xet-nghiem-viem-tuy-cap-2.jpg
Tuyến tụy bị sưng đột ngột trong thời gian ngắn gây viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp là tình trạng bệnh lý khi tuyến tụy bị viêm (sưng) đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn. Viêm tuỵ cấp có thể chữa khỏi nhưng cũng có không ít trường hợp gặp phải các biến chứng nặng hoặc thậm chí tử vong.

Ở các nước phương Tây, khoảng 20% bệnh nhân viêm tụy cấp có tiến triển nặng và trong số các ca nặng có 10 - 30% dẫn đến tử vong dù được điều trị tích cực. Ở Việt Nam, viêm tụy cấp những năm gần đây đang có xu hướng tăng. Về mặt giải phẫu bệnh, có hai thể là viêm tụy phù nề và viêm hoại tử chảy máu.

Triệu chứng của viêm tụy cấp

Các triệu chứng của viêm tụy cấp khá đa dạng, biểu hiện thế nào còn tùy thuộc vào từng nguyên nhân và mức độ của bệnh. Những triệu chứng thường gặp nhất của bệnh viêm tụy cấp gồm:

  • Đau bụng trên;
  • Đau từ bụng lan ra phía sau lưng;
  • Sốt;
  • Mạch đập nhanh;
  • Buồn nôn hoặc nôn;
  • Chướng bụng;
  • Ăn uống kém.

Các phương pháp xét nghiệm viêm tụy cấp

Để xét nghiệm viêm tuỵ cấp, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp sau:

  • Xét nghiệm: Khi nghi ngờ viêm tụy cấp liên quan đến các bất thường, ví dụ như tình trạng ứ mật, tăng calci huyết, hoặc tăng lipid máu nghiêm trọng,... bác sĩ có thể dựa vào các kết quả xét nghiệm để chẩn đoán xác định hoặc chẩn đoán căn nguyên của bệnh viêm tụy.
  • Siêu âm: Siêu âm bụng là một trong những phương pháp xét nghiệm viêm tụy cấp. Cách này được khuyến cáo áp dụng ở tất cả các bệnh nhân để đánh giá xem có bị giãn đường mật, sỏi mật hoặc các nguyên nhân khác như viêm ruột thừa, viêm túi mật,… hay không.
  • Chụp X-quang phổi: Phương pháp này thường được thực hiện trong các trường hợp viêm tuỵ cấp để đánh giá tình trạng tràn dịch màng phổi và mức độ tổn thương nhu mô phổi. Đây là dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của viêm tuỵ cấp, nguy cơ tử vong tương đối cao.
  • Chụp CT: Khi các chẩn đoán chưa rõ ràng và bác sĩ vẫn nghi ngờ bệnh nhân bị viêm tụy, bệnh nhân có thể được chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT) với thuốc cản quang tĩnh mạch để xác định hoặc loại trừ chẩn đoán. CT cũng được khuyến cáo áp dụng trong trường hợp bệnh tình không được cải thiện hoặc trở nên xấu đi dù đã được hồi sức tích cực
  • Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP) hoặc siêu âm nội soi (EUS): Các phương pháp này được chỉ định khi không tìm ra nguyên nhân gây viêm tụy bằng các cách nêu trên.
xet-nghiem-viem-tuy-cap-5.jpg
Phương pháp xét nghiệm chẩn đoán viêm tụy cấp do bác sĩ quyết định

Cách thức điều trị viêm tụy cấp

Khi đã có kết quả xét nghiệm viêm tụy cấp, bệnh nhân sẽ được điều trị theo các cách thức sau đây.

Giảm đau và bù dịch

Nền tảng của việc điều trị viêm tụy cấp là giảm đau và bù dịch. Chuyên gia khuyến nghị sử dụng dung dịch Ringer với liều lượng ban đầu từ 15 mL/kg - 20 mL/kg và sau đó là 3 mL/kg mỗi giờ. Mức độ này tương ứng khoảng 250 - 500 mL mỗi giờ. Bệnh nhân được sử dụng chất lỏng này trong 24 giờ đầu tiên tùy theo mức độ nặng của bệnh và bệnh lý kèm theo. Người bệnh cần được theo dõi sát sao về lượng nước tiểu, nồng độ ure máu, dung tích hồng cầu, sinh hiệu để xác định chính xác lượng dịch truyền cần thiết.

Bệnh nhân viêm tụy cấp có thể được giảm đau tích cực bằng các thuốc giảm đau như paracetamol, NSAIDs, Opioids hay thậm chí các thuốc giảm đau trung ương.

Chế độ ăn dành cho người bị viêm tụy cấp

Bệnh nhân viêm tụy cấp cần nhịn ăn trong vòng 12 giờ đầu nhập viện cho đến khi tình trạng đau bụng, buồn nôn hoặc nôn được cải thiện. Người bệnh có thể ăn uống trở lại sau 24 - 72h nhập viện bằng thức ăn lỏng, mềm, ít cặn, ít chất béo, căn cứ vào tình trạng bệnh và nguy cơ biến chứng.

Trong trường hợp bị viêm tụy nặng hoặc không dung nạp được thức ăn qua đường miệng, người bệnh có thể nạp dinh dưỡng bằng ống thông mũi - dạ dày. Nếu việc thông mũi - dạ dày không dung nạp được hoặc không đủ cung cấp dinh dưỡng thì bệnh nhân sẽ được chỉ định nuôi ăn tĩnh mạch.

xet-nghiem-viem-tuy-cap-4.jpg
Ống thông mũi - dạ dày có thể được sử dụng cho người bị viêm tụy cấp

Điều trị viêm tụy cấp bằng thuốc kháng sinh

Những bệnh nhân viêm tụy cấp có dấu hiệu bị nhiễm trùng cần được điều trị bằng kháng sinh để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng lan rộng. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, chỉ nên dùng kháng sinh để chữa viêm tụy cấp trong trường hợp có bằng chứng về nhiễm trùng. Lý do là bởi việc dùng kháng sinh nếu không đúng chỉ định, ngoài vấn đề chi phí thì còn có thể làm chậm và giảm lượng dịch truyền cần thiết của người bệnh, đặc biệt là trong 24 - 48 giờ đầu sau khi nhập viện.

Bên cạnh đó, việc điều trị viêm tụy cấp còn phụ thuộc vào căn nguyên gây bệnh, ví dụ như:

  • Viêm tụy cấp do sỏi mật: Người bệnh có thể sẽ được cắt túi mật sớm, thậm chí trước khi xuất viện ở bệnh nhân viêm tụy cấp nhẹ do sỏi mật.
  • Viêm tụy cấp do tăng triglyceride máu: Mục đích của việc điều trị là làm giảm và duy trì nồng độ triglyceride xuống dưới 500 mg/dL.

Viêm tụy cấp thường xảy ra do sỏi mật hoặc do uống quá nhiều rượu. Do đó, một lối sống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ gây ra căn bệnh này. Bài viết trên đây đã mang tới những thông tin cơ bản về viêm tụy cấp, các phương pháp xét nghiệm viêm tụy cấp và định hướng điều trị bệnh. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được sàng lọc và điều trị viêm tụy cấp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm