Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Zona thần kinh ở trẻ em: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách phòng bệnh

Ngày 23/08/2023
Kích thước chữ

Bệnh zona là một bệnh nhiễm virus gây phát ban và đau đớn. Bệnh zona có thể xảy ra bất kỳ vì trí nào trên cơ thể. Nó thường trông giống như một dải mụn nước bao quanh bên trái hoặc bên phải thân của bạn. Bệnh thường xảy ra ở người lớn và zona thần kinh ở trẻ em có thể gặp nhưng với tỷ lệ thấp hơn.

Bệnh zona là một bệnh phổ biến ở người lớn tuổi, tuy nhiên bệnh cũng có thể gặp ở những trẻ suy dinh dưỡng, hệ miễn dịch yếu, vì vậy zona thần kinh ở trẻ em không thường gặp. Bệnh với triệu chứng đau đớn, khó chịu cho trẻ và có thể gây nhiều biến chứng làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tìm hiểu nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị bệnh zona thần kinh ở trẻ em trong bài viết dưới đây.

Bệnh zona thần kinh là gì?

Bệnh zona thần kinh do virus varicella-zoster (VZV) gây ra, đây cũng là loại virus gây bệnh thủy đậu. Sau khi trẻ bị thủy đậu, virus sẽ ở trong cơ thể cho đến hết đời. Sau đó, có thể rất nhiều năm, virus có thể kích hoạt lại và do ái tính với thần kinh, virus theo đường đi của dây thần kinh ra da gây bệnh zona.

Zona thần kinh ở trẻ em: nguyên nhân, chẩn đoán và cách phòng bệnh 1
Zona thần kinh ở trẻ em

Bệnh zona thần kinh không nguy hiểm đến tính mạng trẻ, nhưng nó có thể rất đau đớn. Vắc xin có thể làm giảm nguy cơ mắc zona. Phát hiện và điều trị bệnh sớm giúp rút ngắn thời gian nhiễm trùng bệnh zona và giảm nguy cơ biến chứng. Biến chứng phổ biến nhất là đau dây thần kinh sau zona. Đây là một tình trạng đau đớn gây ra cơn đau sau zona trong một thời gian dài sau khi mụn nước đã hết.

Nguyên nhân gây bệnh zona thần kinh ở trẻ em là gì?

Bệnh zona do virus varicella-zoster gây ra, đây là virus cùng loại với virus gây bệnh thủy đậu. Những trẻ đã từng mắc thủy đậu đều có thể bị bệnh zona. Sau khi khỏi bệnh thủy đậu, virus xâm nhập vào hệ thống thần kinh của trẻ và không hoạt động trong nhiều năm. Đôi khi virus kích hoạt lại và di chuyển dọc theo các đường thần kinh đến da tạo ra bệnh zona. Nhưng không phải ai bị thủy đậu cũng sẽ phát triển thành bệnh zona. Lý do cho khởi phát bệnh zona thần kinh là không rõ ràng. Có thể do giảm khả năng miễn dịch đối với các tác nhân nhiễm trùng.

Varicella-zoster là một phần của nhóm virus được gọi là virus herpes. Đây là cùng một nhóm bao gồm các loại virus gây ra vết loét lạnh và mụn rộp sinh dục. Do đó, bệnh zona còn có tên gọi khác là herpes zoster. Nhưng virus gây bệnh thủy đậu và bệnh zona không giống với virus gây ra vết loét lạnh hoặc mụn rộp sinh dục, một bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Trẻ em có dễ mắc zona thần kinh không?

Như đã đề cập ở trên, zona thần kinh ở trẻ em là không phổ biến. Các yếu tố chung làm tăng nguy cơ mắc zona:

  • Tuổi: Tuổi càng cao nguy cơ phát triển bệnh zona càng tăng. Bệnh zona thường xảy ra ở những người lớn tuổi, thường trên 50. Vì vậy trẻ em khỏe mạnh ít bị zona thần kinh.
  • Suy yếu hệ thống miễn dịch: HIV/AIDS và ung thư, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona.
  • Đang điều trị ung thư: Xạ trị hoặc hóa trị có thể làm giảm sức đề kháng của trẻ với virus và có thể dễ mắc bệnh zona. Điều này hay xảy ra với trẻ bị ung thư như ung thư máu, bạch cầu cấp.
  • Đang sử dụng steroid lâu dài, chẳng hạn như prednisone, cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh zona. Trẻ mắc hội chứng thận hư, hen nặng... điều trị corticoid kéo dài làm tăng nguy cơ mắc zona thần kinh.

Vì thế zona thần kinh ở trẻ em hay gặp ở những đối tượng suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh đang hóa trị, xạ trị hoặc sử dụng corticoid liều cao hoặc kéo dài hơn là những trẻ khỏe mạnh.

Triệu chứng của bệnh zona thần kinh ở trẻ em là gì?

Các triệu chứng bệnh zona thường chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ ở một bên cơ thể của trẻ. Những triệu chứng của zona:

  • Đau, nóng rát hoặc ngứa ran;
  • Đau tăng khi bị chạm vào, hoặc không cho chạm;
  • Phát ban đỏ thường xuất hiện vài ngày sau cơn đau;
  • Mụn nước chứa đầy dịch vỡ ra và đóng mày;
  • Ngứa.
Zona thần kinh ở trẻ em: nguyên nhân, chẩn đoán và cách phòng bệnh 2
Phát ban mụn nước trên nền ban đỏ trong zona

Một số trường hợp có thể có:

  • Sốt;
  • Đau đầu;
  • Nhạy cảm với ánh sáng;
  • Mệt mỏi.

Đau là triệu chứng phổ biến của bệnh và thường xuất hiện đầu tiên. Cơn đau thường nóng rát, châm chích, có thể dữ dội. Với vị trí của cơn đau ở ngực, bụng, khiến cho zona có thể bị nhầm lẫn với các bệnh về tim, phổi hoặc thận.

Phát ban là một triệu chứng hay gặp của zona. Đa số phát ban bệnh zona phát triển dưới dạng một dải mụn nước bao quanh bên trái hoặc bên phải của thân. Đôi khi phát ban zona xảy ra quanh một mắt hoặc một bên cổ hoặc mặt. Một số trường hợp có thể đau do zona mà không phát ban.

Biến chứng của bệnh zona ở trẻ em

Các biến chứng do bệnh zona ở trẻ em có thể bao gồm:

  • Đau dây thần kinh sau zona: Đối với một số người, cơn đau do zona vẫn tiếp tục kéo dài sau khi mụn nước đã hết. Tình trạng này được gọi là đau sau zona. Nó xảy ra khi các sợi thần kinh bị tổn thương gửi các tín hiệu đau đớn phóng đại từ da đến não của trẻ.
  • Mất thị lực: Zona thần kinh ở vị trí xung quanh mắt có thể gây nhiễm trùng mắt, đau đớn dẫn đến giảm thị lực.
  • Các vấn đề về thần kinh: Bệnh zona có thể gây viêm não, liệt mặt, các vấn đề về nghe hoặc thăng bằng.
  • Nhiễm trùng da: Nếu mụn nước zona không được điều trị đúng cách, có thể tạo cơ hội cho nhiễm trùng da do vi khuẩn phát triển. Đây là biến chứng thường gặp trong zona thần kinh ở trẻ em do có sẵn yếu tố suy giảm miễn dịch làm cho nhiễm trùng dễ phát triển hơn.

Zona thần kinh có lây không?

Trẻ bị bệnh zona có thể truyền virus varicella-zoster cho bất kỳ ai không miễn dịch với bệnh thủy đậu. Điều này xảy ra khi có sự tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mụn nước của người bệnh. Tuy nhiên, sau khi bị nhiễm virus, người đó sẽ bị bệnh thủy đậu chứ không phải bệnh zona. Bạn có khả năng lây nhiễm cho đến khi các vết phồng rộp của bệnh zona đóng vảy. Tránh tiếp xúc thân thể với bất kỳ ai chưa bị thủy đậu hoặc chưa tiêm vắc xin thủy đậu, đặc biệt những người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

Chẩn đoán

Bệnh zona được chẩn đoán dựa trên tiền sử đau ở một bên cơ thể của trẻ, cùng với phát ban và mụn nước. Một số trường hợp có thể lấy mẫu để xét nghiệm tìm virus.

Bệnh zona được điều trị như thế nào?

Không có cách chữa dứt điểm bệnh zona. Điều trị sớm bằng thuốc kháng virus theo toa có thể tăng tốc độ chữa lành và giảm nguy cơ biến chứng. Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau thần kinh như gabapentin, thuốc tê, corticoid… để giảm triệu chứng đau cho trẻ.

Zona thần kinh ở trẻ em: nguyên nhân, chẩn đoán và cách phòng bệnh 3
Thuốc kháng virus điều trị zona thần kinh ở trẻ em

Bệnh zona thường kéo dài từ 2 đến 6 tuần. Hầu hết mọi người chỉ bị zona một lần, một số người có thể bị bệnh nhiều hơn một lần, vì vậy một số trẻ lớn lên vẫn có thể mắc zona lần hai.

Bệnh zona có thể dự phòng được không?

Hiện chưa có vắc xin ngừa bệnh zona, tuy nhiên nhờ biết căn nguyên của bệnh là VZV và bệnh thường xảy ra sau nhiễm virus gây bệnh thủy đậu này nên có thể dự phòng bệnh zona bằng cách tiêm vắc xin ngừa VZV. Hiện tại ở Việt Nam có 3 loại vắc xin ngừa thủy đậu: Varivax, Varicella, Varilrix. Vắc xin ngừa VZV được tiêm với lịch trình 2 mũi, thời gian tùy thuộc từng loại vắc xin. Vắc xin Varivax và Varicella được chỉ định cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở đi và người lớn chưa miễn dịch. Trong khi đó vắc xin Varilrix có thể sử dụng cho trẻ từ 9 tháng. Vì đây là loại vắc xin sống giảm độc lực nên chống chỉ định với những người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai hoặc có kế hoạch mang thai trong 3 tháng tới.

Tiêm chủng vắc xin ngừa VZV không có nghĩa là trẻ sẽ không bị bệnh zona. Nhưng loại vắc xin này có thể sẽ làm giảm mức độ nặng và thời gian mắc bệnh zona thần kinh ở trẻ em. Và nó giúp làm giảm nguy cơ đau dây thần kinh sau zona.

Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh zona thần kinh ở trẻ em mà bạn cần biết. Hy vọng bài viết trên do Nhà thuốc Long Châu cung cấp sẽ hữu ích cho bạn đọc.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.