Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh Pellagra là bệnh gì? Một số điều cần biết về bệnh Pellagra

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh Pellagra là bệnh lý nghiêm trọng gây ra bởi tình trạng thiếu hụt vitamin B3 (hay còn gọi là niacin) hoặc tryptophan do suy dinh dưỡng hoặc vấn đề hấp thu. Bệnh ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và nếu không được điều trị, bệnh có thể gây tử vong. Bệnh Pellagra nguyên phát đáp ứng tốt với phương pháp bổ sung vitamin B3, trong khi Pellagra thứ phát khó điều trị hơn mà việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh Pellagra là gì?

Bệnh Pellagra là bệnh toàn thân xảy ra do thiếu hụt vitamin B3 hoặc tryptophan, một loại acid amin trong cơ thể. Vitamin B3 có vai trò quan trọng đối với hoạt động của tế bào trong cơ thể do đó khi thiếu hụt nó sẽ biểu hiện triệu chứng trên khắp cơ thể gồm da, miệng, ruột và não.

Vitamin B3 được tìm thấy trong nhiều thực phẩm từ động vật đến trái cây, rau quả hoặc các acid amin thiết yếu như tryptophan và nếu bạn có một chế độ ăn cân bằng thì sẽ không bao giờ có tình trạng thiếu hụt chất này. Mặc dù hiện nay bệnh ít phổ biến hơn nhưng nó vẫn là một vấn đề nhức nhối ở các nước nghèo đói và hạn chế về lương thực.

Vitamin B3 khi đưa vào cơ thể sẽ được hấp thu tại ruột non rồi đưa đến các mô trong cơ thể và được chuyển đổi thành coenzym NAD giúp xúc tác các phản ứng hóa học. Coenzym NAD giúp chuyển hóa các hợp chất carbohydrate, protein và chất béo thành năng lượng để tế bào trong cơ thể sử dụng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Pellagra

Bệnh Pellagra được biểu hiện lâm sàng bằng viêm da nhạy cảm với ánh sáng, sa sút trí tuệ, tiêu chảy và thậm chí là tử vong. Các dấu hiệu này là do sự thiếu hụt vitamin B3, thường gặp nhất ở các cơ quan có tỷ lệ sừng hoá tế bào cao như da hoặc đường tiêu hóa.

Viêm da nhạy cảm với ánh sáng

Viêm da trong bệnh Pellagra thường biểu hiện bằng phát ban giống cháy nắng ở mặt, môi, bàn tay và bàn chân - là những nơi thường tiếp xúc với ánh sáng, ma sát. Da có màu đỏ và có các mụn nước, bong tróc giống cháy nắng nghiêm trọng. Một số biểu hiện khác của viêm da:

  • Da đỏ và bong tróc.
  • Da ngứa và rát.
  • Các vùng da trên cơ thể bị đổi sang màu đỏ hoặc nâu.
  • Da cứng dày, có vảy hoặc nứt nẻ, nếu viêm da tiến triển, sẽ trở nên cứng, thô ráp và nứt nẻ giống da ngỗng. Khi thiếu hụt trầm trọng da sẽ càng cứng, khô và xuất hiện vảy.
  • Ở một số người bệnh viêm da có thể xuất hiện quanh cổ còn được gọi là dây chuyền Casal.
Bệnh Pellagra là bệnh gì? Một số điều cần biết về bệnh Pellagra 5
Hình ảnh viêm da vùng cổ còn được gọi là dây chuyền Casal

Sa sút trí tuệ (Tổn thương não và thần kinh)

Pellagra là bệnh lý toàn thân, vì các tế bào lúc này sẽ bị thiếu năng lượng cần thiết để thực hiện các chức năng của chúng gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Trong một số trường hợp, các dấu hiệu thần kinh của bệnh Pellagra có thể xuất hiện sớm nhưng thường khó nhận biết và mơ hồ. Khi bệnh tiến triển, các biểu hiện của sa sút trí tuệ gồm:

  • Đau đầu;
  • Khó tập trung;
  • Thờ ơ, trầm cảm, thay đổi tâm trạng;
  • Lẫn, khó chịu hoặc thay đổi tính cách;
  • Bồn chồn hoặc lo lắng;
  • Mất phương hướng hoặc hoang tưởng;
  • Mất trí nhớ vĩnh viễn;
  • Rối loạn khả năng thăng bằng và phối hợp động tác;
  • Co giật và run hoặc tê và châm chích ở tay và chân;
  • Mệt mỏi, suy nhược, mất ngủ.

Ba dấu hiệu chính của bệnh Pellagra do nghiện rượu làm tổn thương thần kinh gồm lẫn không liên tục, cứng cơ khó vận động và phản ứng giật mình bất thường. 

Bệnh Pellagra là bệnh gì? Một số điều cần biết về bệnh Pellagra 4
Sa sút trí tuệ và tổn thương thần kinh

Viêm niêm mạc đường tiêu hóa

Tiêu chảy xảy ra khi niêm mạc ruột của bạn bị tổn thương, lúc này ruột không thể tiêu hóa như bình thường và không thể bảo vệ khỏi các tác nhân bên trong và viêm nhiễm. Tình trạng viêm mạn tính sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ đường tiêu hóa của bạn gây ra các triệu chứng như đau bụng, khó tiêu cũng như triệu chứng ở miệng như lở miệng và sưng lưỡi.

Các triệu chứng khác của đường tiêu hóa thường gặp:

  • Tiêu chảy mạn tính, đôi khi có máu;
  • Đau bụng và khó tiêu;
  • Chán ăn, buồn nôn và nôn;
  • Miệng lở loét và sưng đỏ.

Tiêu chảy có thể dẫn đến tình trạng mất nước nguy hiểm và gây suy dinh dưỡng nếu bạn bị tiêu chảy kéo dài vì nó làm giảm quá trình hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn của bạn.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh bệnh Pellagra

Nếu không được điều trị, bệnh Pellagra có thể gây ra các biến chứng

  • Tổn thương thần kinh gây tử vong.
  • Sự bong tróc của da do mụn nước và phồng rộp có thể gây nhiễm trùng thứ phát.
  • Sưng đỏ lưỡi nặng sẽ gây khó nuốt.
  • Tổn thương đường tiêu hóa gây kém hấp thu.
  • Trầm cảm, lo âu, ảo giác và hôn mê.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Những triệu chứng của bệnh Pellagra không đặc hiệu cho bệnh do đó việc phát hiện bệnh thường trễ. Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường, nhất là ở đường tiêu hóa, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và chẩn đoán sớm. Bệnh đáp ứng tốt với điều trị và sẽ không gây biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Pellagra

Nguyên nhân chính gây bệnh Pellagra là chế độ ăn uống không đủ vitamin B3 hoặc tryptophan (hay Pellagra nguyên phát). Bạn có thể nhận vitamin B3 từ nhiều loại thực phẩm như gan, thịt gà tây, cá hồi, thịt bò, thịt heo,... nhưng những người không có đủ điều kiện để bổ sung các thực phẩm này sẽ dễ mắc bệnh hơn.

Bạn cũng có thể mắc Pellagra do các bệnh lý khác gây ra (hay Pellagra thứ phát). Các bệnh lý này khiến cơ thể bạn giảm hấp thu hoặc không thể sử dụng vitamin B3. Bao gồm:

  • HIV: Làm hao hụt lượng vitamin B3 trong cơ thể.
  • Chán ăn: Chán ăn ảnh hưởng đến việc bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết của cơ thể, trong đó có vitamin B3.
  • Bệnh đường tiêu hóa: Gây giảm hấp thu như bệnh viêm ruột hoặc xơ gan, tiêu chảy kéo dài,…
  • Rối loạn sử dụng rượu: Khi bạn sử dụng quá nhiều rượu trong thời gian dài có thể gây ra bệnh Pellagra do rượu dễ gây tổn thương các cơ quan, gây kém hấp thu và suy dinh dưỡng.
  • Phẫu thuật cắt dạ dày: Phẫu thuật cắt dạ dày để giảm béo có thể gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa dẫn đến thiếu hụt nhiều vi chất dinh dưỡng.
  • Thiếu máu thiếu sắt: Sắt là một chất giúp chuyển hóa và sử dụng vitamin B3 trong cơ thể.
  • Bệnh Hartnup: Là một rối loạn di truyền khiến cơ thể bạn không hấp thu được vitamin B3 cần thiết từ các thực phẩm bạn ăn vào.
  • Khối u carcinoid: Các khối u carcinoid hoạt động sẽ khiến cơ thể giảm sử dụng vitamin B3.
  • Một số loại thuốc: Làm gián đoạn quá trình trao đổi chất của vitamin B3, thường gặp nhất là thuốc chống co thắt và thuốc hóa trị, isoniazid,...
Bệnh Pellagra là bệnh gì? Một số điều cần biết về bệnh Pellagra 6
Nghiện rượu là một trong những nguyên nhân làm giảm hấp thu vitamin B3

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh Pellagra

Bệnh thường gặp ở những nước nghèo còn đang phát triển như châu Phi cận Sahara, châu Á (Ấn Độ), miên Nam Hoa Kỳ. Ngoài ra bệnh còn gặp ở những người bổ sung thiếu protein hoặc những vùng mà ngô (bắp) là lương thực chính. Vì protein khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành vitamin B3 giúp cung cấp thêm cho cơ thể, còn vitamin B3 trong ngô thì cơ thể lại không hấp thu được dù cho bạn ăn nhiều bao nhiêu.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh Pellagra

Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Pellagra:

  • Người nghiện rượu.
  • Rối loạn ăn uống.
  • Chạy thận nhân tạo.
  • Một số loại thuốc như thuốc chống co thắt, thuốc ức chế miễn dịch.
  • Suy dinh dưỡng do vô gia cư, chán ăn, HIV hoặc ung thư giai đoạn cuối.
  • Pellagra thường xảy ra ở người lớn, hoặc ở thanh thiếu niên và trẻ nhỏ nếu có chế độ ăn không đầy đủ dinh dưỡng. Bệnh hiếm khi xảy ra ở trẻ sơ sinh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh Pellagra

Bệnh Pellagra khó chẩn đoán chính xác vì chưa có xét nghiệm cụ thể nào giúp chẩn đoán tình trạng thiếu vitamin B3. Bác sĩ sẽ kiểm tra toàn diện các vấn đề về da, đường tiêu hóa và trạng thái tinh thần của bạn; hỏi về chế độ ăn và tiền sử các bệnh lý trước đây.

Khi nghi ngờ mắc bệnh Pellagra, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm nước tiểu của bạn nhằm xác định xem cơ thể bạn có đủ vitamin B3 hay không. Hoặc điều trị cho bạn bằng các thuốc chứa vitamin B3 và xem đáp ứng của bạn với thuốc.

Các xét nghiệm máu gồm:

  • Công thức máu để phát hiện tình trạng thiếu máu.
  • Protein máu đối với hạ protein của cơ thể.
  • Chức năng gan: AST, ALT, GGT.

Phương pháp điều trị bệnh Pellagra

Bệnh Pellagra xảy ra do thiếu vitamin B3 nên việc điều trị chính của bệnh thay đổi chế độ ăn và bổ sung vitamin B3 hoặc nicotinamide (một dạng khác của vitamin B3). Bệnh thường đáp ứng tốt với điều trị, người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn và cảm thấy khỏe hơn trong vài ngày sau khi điều trị. Biểu hiện trên da có thể cần vài tháng. Nếu không được điều trị bệnh có thể gây tử vong sau 4 hoặc 5 năm.

Điều trị bệnh Pellagra thứ phát thường tập trung vào điều trị nguyên nhân gây ra bệnh. Một số trường hợp bệnh Pellagra thứ phát cũng đáp ứng với bổ sung vitamin B3 hoặc nicotinamide đường uống hoặc tĩnh mạch.

Trong thời gian hồi phục sau bệnh Pellagra, cần giữ ẩm những nơi có phát ban trên da và bôi kem chống nắng. Tác dụng phụ khi điều trị quá liều bao gồm đỏ da, ngứa và phát ban, đầy hơi và khó tiêu, đau đầu và chóng mặt. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh Pellagra

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh.
  • Nghỉ ngơi trên giường trong giai đoạn đầu của điều trị.
  • Tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong giai đoạn mắc bệnh.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, tránh chà xát các tổn thương trên da.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Đảm bảo bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể.
  • Tăng cường bổ sung thực phẩm chứa vitamin B3 hoặc tryptophan như cá hồi, ức gà, gan, bơ, các loại hạt,...
  • Ăn các thức ăn lỏng và mềm nếu lưỡi bạn bị sưng.
Bệnh Pellagra là bệnh gì? Một số điều cần biết về bệnh Pellagra 7
Người mắc bệnh Pellagra cần tăng cườn bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin B3

Phương pháp phòng ngừa bệnh Pellagra hiệu quả

Để phòng bệnh Pellagra bạn cần có một chế độ ăn cân bằng, đảm bảo đủ dinh dưỡng. Hãy ưu tiên những thực phẩm có chứa vitamin B3 như gan bò, củ cải, bánh mì và ngũ cốc, cá ngừ, đậu phộng, khoai tây, gia cầm,…

Nếu bạn đang mắc bệnh mạn tính, hãy thảo luận với bác sĩ của mình để có thể phòng ngừa lâu dài bệnh Pellagra bằng chế độ ăn, thực phẩm cần bổ sung và thuốc (nếu cần).

Nguồn tham khảo
  1. Pellagra: https://www.healthline.com/health/pellagra
  2. Pellagra: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23905-pellagra
  3. Dermatologic Manifestations of Pellagra: https://emedicine.medscape.com/article/1095845-overview#a1
  4. Pellagra: Everything you need to know: https://www.medicalnewstoday.com/articles/pellagra 
  5. Pellagra: A Non-Eradicated Old Disease: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4019925/

Các bệnh liên quan

  1. Hội chứng Abercrombie

  2. Suy cận giáp

  3. Bệnh Madelung

  4. Hội chứng carcinoid

  5. Tiểu đường thai kỳ

  6. Bướu cổ

  7. Tiểu đường tuýp 2

  8. Bệnh thần kinh đái tháo đường

  9. Sarcoidosis

  10. Bệnh to các viễn cực