Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Liệt dây thần kinh số IV: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Liệt dây thần kinh số IV ít phổ biến hơn so với liệt dây thần kinh số III hoặc liệt dây thần kinh số VI. Trong số 4.373 trường hợp liệt vận nhãn ở người lớn, chỉ có 657 trường hợp mắc liệt dây thần kinh số IV đơn độc. Bệnh liệt dây thần kinh số IV cũng là bệnh ít gặp nhất ở trẻ em, tỉ lệ mắc đối với trẻ em là 19/160.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Chức năng của dây thần kinh số IV

Dây thần kinh số IV còn được gọi là dây thần kinh ròng rọc, có nguyên ủy thật nằm ở trung não, ngang mức lồi não dưới. Sau đó dây thần kinh này đi ra ngoài ở mặt sau trung não, vòng quanh cuống đại não để ra mặt trước, đi vào thành ngoài xoang tĩnh mạch hang, qua khe ổ mắt trên vào ổ mắt và chi phối vận động cho cơ chéo trên của nhãn cầu. Dây thần kinh số IV chi phối cử động mắt xuống dưới, vào trong và ra ngoài.

Liệt dây thần kinh số IV là gì?

Liệt dây thần kinh số IV còn được gọi là liệt dây thần kinh ròng rọc, tình trạng này xảy ra khi dây thần kinh số IV bị tổn thương dẫn đến giảm hoặc mất chức năng. Liệt dây thần kinh số IV có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải, ở một hoặc cả hai bên mắt.

Triệu chứng

Triệu chứng của liệt dây thần kinh số IV

Liệt dây thần kinh số IV thường chỉ ảnh hưởng đến một mắt, nhưng vẫn có thể tổn thương cả hai mắt. Các triệu chứng phổ biến nhất của liệt dây thần kinh số IV gồm:

  • Song thị (nhìn đôi): Triệu chứng này xảy ra khi hai mắt đều mở và nhìn thấy hình ảnh của một người hoặc một vật bị nhân đôi.
  • Mắt lác: Người bệnh tổn thương dây thần kinh số IV một bên có biểu hiện mắt lác (mắt lé) lên phía trên, tăng hơn khi nghiêng về bên bị tổn thương thần kinh và giảm khi nghiêng đầu về bên đối diện (bên không tổn thương); người bệnh có xu hướng nghiêng đầu về phía mắt không liệt và hạ thấp cằm. Đối với người bệnh tổn thương dây thần kinh số IV hai bên, mắt lác thường không rõ ràng và đồng thời họ ít khi nghiêng đầu về một phía.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Một bên tròng đen cao hơn bên còn lại;
  • Nghiêng đầu để bù trừ cho bên mắt khó khăn về tầm nhìn khi bị liệt dây thần kinh số IV;
  • Cổ vẹo do thường xuyên nghiêng đầu;
  • Đau phía trên lông mày.
Liệt dây thần kinh số IV: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2
Mắt lác đứng lên trên

Biến chứng của liệt dây thần kinh số IV

Liệt dây thần kinh số IV sẽ không tự khỏi nếu không điều trị phù hợp và sẽ ảnh hưởng đến sự hoạt động phối hợp của hai mắt, khiến mắt bạn luôn nhìn thấy hai hình ảnh được phân tách từ một vật hoặc một người dù bạn có nhìn theo hướng nào đi chăng nữa.

Trẻ em khi bị liệt dây thần kinh số IV có thể thay đổi hình dáng của khuôn mặt dẫn đến sự mất cân xứng mặt, đặc biệt khi trẻ có xu hướng nghiêng đầu và xoay cổ nhiều để cân chỉnh hình ảnh khi nhìn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu những triệu chứng trên của bạn có xu hướng tăng dần lên, có thể tình trạng liệt dây thần kinh số IV của bạn đang nghiêm trọng hơn hoặc có kèm thêm các tổn thương khác.

Song thị (nhìn đôi) và đau đầu dữ dội có thể là những triệu chứng của đột quỵ. Một số triệu chứng khác có thể bao gồm tê yếu tay chân, nói ngọng, lú lẫn hoặc hôn mê. Khi có các triệu chứng báo động này, hãy gọi ngay 113 vì rất có thể bạn hoặc người thân bị đột quỵ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến liệt dây thần kinh số IV

Liệt dây thần kinh số IV có hai nguyên nhân chính bao gồm nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân mắc phải.

Liệt dây thần kinh số IV bẩm sinh

Đây là nguyên nhân phổ biến gây liệt dây thần kinh sọ não bẩm sinh. Người bệnh liệt dây thần kinh số IV bẩm sinh có thể bù trừ cho triệu chứng nhìn đôi bằng cách nghiêng đầu giúp điều chỉnh lại hình ảnh khi nhìn.

Tư thế đầu cúi xuống gặp trong liệt dây thần kinh số IV hai bên và nghiêng đầu đối diện thường gặp trong liệt dây thần kinh số IV một bên. Theo diễn tiến bệnh, những người bệnh này có thể bị mất bù do liệt dây thần kinh số IV dẫn đến mất dần khả năng hợp nhất hình ảnh, tình trạng này xảy ra khi già đi, sau khi bị bệnh hoặc đang có các căng thẳng tinh thần. Liệt dây thần kinh số IV bẩm sinh có thể có mắt lác hướng lên trên khá nặng (lớn hơn 10 diop) mặc dù không có nhìn đôi hoặc chỉ có các triệu chứng nhìn đôi từng đợt. Những triệu chứng ảnh hưởng đến khả năng hợp nhất hình ảnh theo chiều dọc này là đặc trưng của liệt dây thần kinh số IV bẩm sinh.

Liệt dây thần kinh số IV mắc phải

  • Tăng áp lực nội sọ cũng có thể chèn ép dây thần kinh.
  • Khối u, bệnh đa xơ cứng cũng có thể kèm theo liệt dây thần kinh số IV, liệt các dây thần kinh sọ khác và bệnh tiến triển theo thời gian.
  • Chấn thương: Dây thần kinh số IV là dây thần kinh sọ dài nhất, do đó dễ bị tổn thương ngay cả với những chấn thương nhẹ. Tổn thương hai bên hiếm khi xảy ra trong các trường hợp không chấn thương nhưng lại thường xảy ra sau chấn thương. Trong các trường hợp chấn thương, cần đánh giá tình trạng người bệnh cẩn thận vì các triệu chứng của liệt dây thần kinh số IV có thể không đối xứng ở hai bên, có thể bị che mờ và chỉ rõ ràng khi người bệnh đã được phẫu thuật chỉnh mắt lác sau chẩn đoán liệt dây thần kinh số IV một bên.
  • Bệnh vi mạch: Tình trạng này có thể liên quan đến dây thần kinh số IV và thường xuất hiện ở người bệnh cao tuổi có yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch,... Liệt dây thần kinh số IV đột ngột, không kèm theo các triệu chứng thần kinh khác, không có tiền sử chấn thương đầu hoặc người bệnh liệt dây thần kinh số IV có các yếu tố nguy cơ dẫn đến thiếu máu cục bộ.
  • Phình động mạch: Tình trạng này có thể chèn ép dây thần kinh, làm hạn chế dẫn truyền và nuôi dưỡng của thần kinh, thậm chí làm đứt dây thần kinh và mất hoàn toàn chức năng.
  • Vô căn: Một số trường hợp liệt dây thần kinh số IV không thể xác định được nguyên nhân ngay cả sau khi đã tiến hành hàng loạt các xét nghiệm chẩn đoán. Một nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ có 4% người bệnh liệt dây thần kinh số IV vô căn. Các trường hợp liệt dây thần kinh số IV vô căn có thể cải thiện hoặc khỏi hoàn toàn sau vài tuần.
Liệt dây thần kinh số IV: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 3
Phình động mạch não

Nguy cơ

Những ai có thể mắc phải liệt dây thần kinh số IV?

Bất cứ ai cũng có thể mắc phải liệt dây thần kinh số IV, kể cả nam và nữ có tỉ lệ xấp xỉ nhau và ở mọi lứa tuổi.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải liệt dây thần kinh số IV

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến liệt dây thần kinh số IV bao gồm:

  • Tiền sử gia đình mắc liệt dây thần kinh số IV;
  • Tiền sử bản thân và gia đình mắc các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ não (nhồi máu não, xuất huyết não),...
  • Tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc các chấn thương khác ở vùng đầu;
  • Từng phẫu thuật vùng đầu;
  • Sống trong vùng dịch tễ mắc sán dây lợn, giun đầu gai, amip,...

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán liệt dây thần kinh số IV

Thông thường, khi có các triệu chứng liên quan đến mắt, chuyên khoa đầu tiên bạn lựa chọn để đến khám là nhãn khoa. Bác sĩ nhãn khoa sẽ tiến hành khai thác thông tin sức khỏe của bạn bằng cách hỏi bạn về các triệu chứng gần đây, tiền sử bệnh lý của bạn và gia đình. Với một số thao tác và nghiệm pháp, bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng của các dây thần kinh sọ. Họ sẽ nhìn vào vị trí của mắt bạn khi nghỉ ngơi và sau đó yêu cầu bạn nhìn theo một vật thể, kiểm tra đồng tử và khả năng phản xạ ánh sáng, đo áp lực trong mắt và soi đáy mắt để nhìn vào phía sau mắt của bạn. Bác sĩ nhãn khoa sẽ hội chẩn liên chuyên khoa thần kinh để có thể đưa ra chẩn đoán phù hợp nhất.

Một số tình trạng khác có thể gây ra hiện tượng nhìn đôi mà bác sĩ cần phải phân biệt, bao gồm bệnh nhược cơ, bệnh Grave, hội chứng Wernicke và một số loại bệnh gây đau nửa đầu. Bệnh nhược cơ là một bệnh tự miễn làm suy yếu cơ, đôi khi bệnh này chỉ ảnh hưởng đến các cơ vận nhãn của mắt. Bệnh Grave là một bệnh tự miễn khiến tuyến giáp hoạt động quá mức và nó cũng có thể ảnh hưởng đến mắt dẫn đến mắt lồi. Hội chứng Wernicke là tình trạng não thiếu vitamin B1 do uống rượu lâu ngày và nó có thể gây tê liệt các cơ mắt.

Liệt dây thần kinh số IV: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
Bác sĩ đánh giá chức năng mắt

Các xét nghiệm chẩn đoán liệt dây thần kinh số IV

Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm để giúp phân biệt chứng liệt dây thần kinh số IV với các tình trạng khác. Các xét nghiệm này có thể gồm:

  • Xét nghiệm máu, để tìm các bệnh tự miễn và nồng độ hormone tuyến giáp;
  • Chụp CT hoặc MRI để quan sát cấu trúc não và dây thần kinh sọ;
  • Siêu âm để quan sát các cơ của mắt;
  • Chọc dò tủy sống (chọc dò dịch não tủy tại thắt lưng), để tìm nguyên nhân gây tăng áp lực nội sọ;
  • Xét nghiệm kích thích thần kinh.
Liệt dây thần kinh số IV: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Soi đáy mắt trong liệt dây thần kinh số IV

Phương pháp điều trị liệt dây thần kinh số IV hiệu quả

Điều trị liệt dây thần kinh số IV phụ thuộc vào nguyên nhân của nó. Liệt dây thần kinh số IV vô căn có xu hướng tự khỏi. Nguyên nhân do chấn thương cũng có thể thuyên giảm theo thời gian. Nếu có bất thường chèn ép lên dây thần kinh sọ số IV, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật để giảm bớt áp lực, giúp hồi phục chức năng của dây thần kinh này.

Phương pháp điều trị liệt dây thần kinh số IV có thể bao gồm:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn;
  • Lăng kính giúp điều chỉnh nhìn đôi hoặc mắt lác. Chúng có thể mang các hình ảnh kép hội tụ lại với nhau thành một hình ảnh.
  • Miếng che mắt hỗ trợ mắt không diễn tiến đến tình trạng nhược thị khi sử dụng hai mắt không cân xứng lâu ngày. Bạn chuyển miếng che mắt từ mắt này sang mắt kia để mắt không bị yếu hoặc lười.
  • Phẫu thuật điều chỉnh lại mắt.

Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ nhìn đôi và mắt lác, giúp điều chỉnh xu hướng nghiêng đầu để bù trừ tầm nhìn của bạn. Bạn có thể cần phẫu thuật cả hai mắt nếu vấn đề về mắt nghiêm trọng.

Liệt dây thần kinh số IV: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 6
Sử dụng miếng che mắt để tránh tình trạng nhược thị

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiến của liệt dây thần kinh số IV

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị bệnh.
  • Tái khám định kỳ và thông báo với bác sĩ ngay nếu xuất hiện các trường hợp bất thường.
  • Xây dựng thói quen tập luyện thể dục thể thao hợp lý.
  • Ngủ đủ giấc, giữ tâm lý thoải mái, tránh xa căng thẳng.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ chất.
  • Tăng cường bổ sung các thực phẩm có lợi cho sức khỏe như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu protein, giàu acid béo omega-3,...
  • Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm có hại, nhiều chất béo bão hòa.

Phương pháp phòng ngừa liệt dây thần kinh số IV hiệu quả

Để phòng ngừa liệt dây thần kinh số IV, cũng như sống khỏe mạnh cùng với bệnh, người bệnh cần tuần thủ một số hướng dẫn sau:

  • Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh toàn thân có thể gây liệt dây thần kinh số IV.
  • Khám mắt định kỳ 2 năm 1 lần với những người dưới 40 tuổi hoặc 1 năm 1 lần với người trên 40 tuổi để phát hiện sớm triệu chứng bệnh.
  • Kiểm soát các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, rối loạn lipid máu có thể dẫn đến biến chứng tổn thương thần kinh;
  • Ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường sống, thường xuyên rửa tay giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân nhiễm trùng và ký sinh trùng.
Liệt dây thần kinh số IV: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 7
Khám mắt định kỳ để kịp thời phát hiện liệt dây thần kinh số IV
Nguồn tham khảo
  1. Fourth Nerve Palsy: https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions/f/fourth-nerve-palsy.html
  2. Khanam S, Sood G. Trochlear Nerve Palsy. 2023 Feb 27. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023. PMID: 33351409.
  3. Tago M, Hisata Y, Hirata R, Sakaguchi M, Katsuki NE, Yamashita SI. Traumatic bilateral fourth nerve palsy: Double vision induced by downward gaze after head injury. J Gen Fam Med. 2020;21(4):155-156. doi: 10.1002/jgf2.310.
  4. Dosunmu EO, Hatt SR, Leske DA, Hodge DO, Holmes JM. Incidence and Etiology of Presumed Fourth Cranial Nerve Palsy: A Population-based Study. Am J Ophthalmol. 2018;185:110-114. doi: 10.1016/j.ajo.2017.10.019.
  5. Bagheri A, Fallahi MR, Abrishami M, Salour H, Aletaha M. Clinical features and outcomes of treatment for fourth nerve palsy. J Ophthalmic Vis Res. 2010;5(1):27-31. PMID: 22737323;

Các bệnh liên quan