Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

7 dấu hiệu mẹ mất sữa cần nhận biết ngay và cách xử lý kịp thời

Ngày 04/06/2024
Kích thước chữ

Ngay từ khi sinh con, cơ thể người mẹ đã bắt đầu sản xuất sữa mẹ. Tuy nhiên, không phải người mẹ nào cũng có đủ sữa để cho con bú. Cùng tìm hiểu 7 dấu hiệu mẹ mất sữa ngay sau đây để có biện pháp xử lý kịp thời.

Dựa vào nhu cầu bú của trẻ, cơ thể người mẹ sẽ tự động sản sinh ra lượng sữa phù hợp. Tuy nhiên, nhiều mẹ vẫn gặp phải vấn đề bé bú nhiều mà nguồn sữa của mẹ lại ít, thậm chí là mất sữa. Vậy làm sao để nhận biết dấu hiệu mẹ mất sữa? Nguyên nhân gây mất sữa ở mẹ bỉm là gì? Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp đến mẹ những thông tin bổ ích xoay quanh chủ đề này, cũng như giải pháp giúp để tăng nguồn sữa khi nuôi con nhé!

7 dấu hiệu mẹ mất sữa cần nhận biết sớm

Không được cung cấp đủ sữa mẹ khiến trẻ không có đủ chất dinh dưỡng để phát triển tầm vóc và trí tuệ. Bạn có thể nhận biết tình trạng này qua 7 dấu hiệu mẹ mất sữa sau:

Lượng sữa tiết ra ít

Ngay từ tháng thứ 7 của thai kỳ, các tuyến sữa đã bắt đầu phát triển và có thể tiết sữa chỉ sau 2 - 3 ngày sau sinh. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận biết cơ thể mẹ bắt đầu tiết sữa bằng dấu hiệu nhau thai bong ra. 

Theo cơ chế bình thường của cơ thể, lượng sữa mẹ trong những ngày đầu tiên thường không nhiều nên hầu hết mẹ bỉm mới sinh sẽ bị ít sữa. Tình trạng này sẽ kéo dài khoảng 1 tuần thì lượng sữa sẽ tiết ra nhiều và ổn định hơn. Tuy nhiên, nếu sữa tiết ra vẫn ít như những ngày đầu tiên thì chắc hẳn mẹ bầu đã bị ít sữa, dẫn đến mất sữa.

Dấu hiệu mẹ mất sữa và cách xử lý kịp thời 1
Lượng sữa quá ít là dấu hiệu mẹ mất sữa 

Bầu vú không căng tròn

Dù kích thước của ngực có thể khác nhau, nhưng bầu ngực sẽ luôn có xu hướng phát triển căng tròn. Điều này là do lượng sữa đã bắt đầu được trữ trong các nang sữa trong ngực. Trong trường hợp, kích thước ngực của mẹ nhỏ lại, thậm chí là xẹp xuống, bạn cần hết sức lưu ý. Rất có thể các nang sữa đã giảm dần, khiến lượng sữa được cung cấp không đủ để cho bé bú.

Đau tức đầu ngực

Thông thường, ngực của mẹ chỉ căng và ấm nếu bé cắn khi bú. Tuy nhiên, nếu bé không bú mà đầu ngực của mẹ vẫn cảm thấy vô cùng đau nhức thì khả năng cao là mẹ bị tắc tia sữa. Điều này là do sữa mẹ không được vắt kiệt trong các cữ bú. Lúc này, lượng sữa tồn đọng sẽ gây tắc tuyến vú. Nếu không được xử lý kịp thời, mẹ sẽ có nguy cơ cao phải đối mặt với tình trạng viêm hoặc áp xe ngực.

Bầu vú phát triển bất thường

Các nghiên cứu ở Mỹ đã chỉ ra rằng, một số dấu hiệu chị em sau sinh bị mất sữa bao gồm:

  • Kích thước hai bên vú không đồng đều;
  • Bầu vú kém phát triển trong thời gian mang thai;
  • Khoảng cách hai vú xa nhau,...

Tất cả những đặc điểm này cho biết lượng sữa của mẹ bị giảm đi nhanh chóng, chỉ bằng một nửa so với tuần đầu.

Dấu hiệu mẹ mất sữa và cách xử lý kịp thời 2
Mẹ mất sữa có tuyến vú phát triển không đồng đều

Bé bú quá lâu hoặc nhanh

Trung bình mỗi cữ bú của trẻ sẽ kéo dài 10 - 20 phút. Nếu lượng sữa tiết ra đều đặn, trẻ sẽ bú rất tập trung. Thậm chí, mẹ có thể dễ dàng nghe thấy tiếng bé bú và nuốt sữa. Tuy nhiên, nếu bé bú quá lâu hoặc quá chậm, đây rất có thể là dấu hiệu cho thấy lượng sữa mẹ không đủ. Đặc biệt, khi lượng sữa về ít, trẻ bú không đủ no nên sẽ thường bỏ bú. Tình trạng này lâu ngày có thể khiến mẹ phải đối mặt với nguy cơ bị mất sữa.

Bé chậm tăng cân

Sữa mẹ chứa đựng nguồn dưỡng chất chủ yếu trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dung nạp được. Khi được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ, trẻ sẽ có nền tảng thể chất và trí tuệ tốt hơn, phát triển một cách bình thường.

Tuy nhiên, nếu trẻ vẫn được duy trì bú đều đặn nhưng không tăng cân, chậm phát triển chiều cao thì rất có thể nguyên nhân bắt nguồn từ sữa mẹ quá ít, không đủ để cung cấp cho con.

Bé tiểu ít

Trẻ sơ sinh thường đi tiểu trên 6 lần một ngày. Do đó, một trong những dấu hiệu cho biết mẹ bị mất sữa là số lần đi tiểu của bé sẽ ít hơn.

Dấu hiệu mẹ mất sữa và cách xử lý kịp thời 3
Bé đi tiểu ít do lượng sữa mẹ cung cấp không đủ 

Nguyên nhân khiến mẹ mất sữa

Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ ít sữa. Do đó, bạn cần biết được nguyên nhân sâu xa để có được giải pháp phù hợp nhằm cải thiện hiệu quả tình trạng này. Một số nguyên nhân mất sữa phổ biến là:

  • Do mẹ mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến vú như: Viêm tuyến vú, áp xe vú, tắc tia sữa, thiếu sản tuyến vú,...
  • Mẹ từng can thiệp phẫu thuật phần ngực.
  • Mẹ bị stress gây suy giảm hormone tạo sữa.
  • Chế độ dinh dưỡng sau sinh nghèo nàn, thiếu dưỡng chất quan trọng.
  • Do mẹ cho trẻ bú bình quá sớm hoặc lạm dụng ti giả.
  • Do mẹ sinh mổ, sinh non.
  • Do mẹ bị rối loạn nội tiết sau sinh, thiếu máu.
  • Do nhau sót còn bám trên tử cung.

Cách tăng tiết sữa cho mẹ bỉm

Tình trạng mẹ ít sữa thực chất không quá nguy hiểm nếu mẹ biết cách xử lý kịp thời. Nếu phát hiện có dấu hiệu mẹ mất sữa, bạn hãy tham khảo ngay những phương pháp gọi sữa mẹ về như sau:

  • Cho trẻ sơ sinh tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau khi sinh.
  • Chia thành nhiều cữ bú hàng ngày.
  • Nên cho bé bú đều hai bên sẽ giúp kích thích tuyến vú.
  • Dùng máy hút sữa theo đúng hướng dẫn hút sữa theo cữ 8 - 10 lần/ngày, mỗi cữ không hút quá 30 phút.
  • Luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, có thể tập yoga, thiền định, thể dục thể thao nhẹ nhàng, đọc sách, nghe nhạc,...
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho mẹ bỉm.
Dấu hiệu mẹ mất sữa và cách xử lý kịp thời 4
Cho trẻ sơ sinh tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau khi sinh để tăng tiết sữa

Trên đây là những nguyên nhân, dấu hiệu và cách tăng tiết sữa cho mẹ bỉm bị mất sữa. Do đó, nếu như xuất hiện các dấu hiệu mẹ mất sữa, chị em cần phải sớm có phương pháp để thay đổi chế độ ăn và nghỉ ngơi để đảm bảo chất lượng và quá trình tạo sữa nhé! Nếu tình trạng mất sữa kéo dài, mẹ bỉm nên đến gặp chuyên gia để được tư vấn, hướng dẫn và điều trị. Đồng thời bổ sung thêm sữa công thức để đảm bảo quá trình phát triển toàn diện của trẻ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin