Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chế độ dinh dưỡng cho người phẫu thuật tuỵ

Ngày 12/12/2023
Kích thước chữ

Tuyến tuỵ giữ chức năng vừa nội tiết vừa ngoại tiết. Các trường hợp cần cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến tuỵ có thể dẫn đến suy nội tiết và ngoại tiết tuỳ mức độ khác nhau. Sau phẫu thuật tuỵ, người bệnh cần lưu ý nhiều vấn đề về ăn uống, chăm sóc vết mổ, tái khám định kỳ phòng biến chứng,… Vậy dinh dưỡng cho người phẫu thuật tuỵ như thế nào để đảm bảo sự hồi phục tốt nhất cho người bệnh?

Sau phẫu thuật, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, gặp một số vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, chán ăn, dễ buồn nôn,... Ngoài nghỉ ngơi điều độ, hạn chế vận động mạnh thì dinh dưỡng cho người phẫu thuật tuỵ là vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự hồi phục của người bệnh. Vì vậy, cần có kế hoạch chăm sóc người bệnh cụ thể, thực đơn dinh dưỡng phù dưới sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Vai trò của tuyến tuỵ đối với cơ thể

Tụy là một cơ quan thuộc hệ thống tiêu hoá và nội tiết của cơ thể. Vị trí nằm sau dạ dày và kéo dài theo độ cong của tá tràng đến bụng trên bên trái gần lá lách. Tuyến tuỵ ở người trưởng thành có hình thuỳ, dài khoảng 12 - 15cm, cao 6cm, dày 3cm và nặng khoảng 80g.

Tụy là một cơ quan nội tạng quan trọng của cơ thể, có chức năng nội tiết và ngoại tiết. Đối với chức năng nội tiết, tuyến tuỵ sẽ tiết ra các hormon điều hòa lượng đường trong máu như insulin, glucagon, somatostatin, polypeptid. Đối với chức năng ngoại tiết, tuyến tụy sẽ tiết ra các loại enzym như enzym lipase đổ vào tá tràng thông qua ống tuỵ giúp thuỷ phân lipid đã được nhũ hoá bởi muối mật.

dinh-duong-cho-nguoi-phau-thuat-tuy 1.jpg
Phẫu thuật tuỵ có thể ảnh hưởng đến chức năng nội tiết và ngoại tiết của cơ thể

Điều gì xảy ra sau phẫu thuật tuỵ?

Khi cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến tụy có thể sẽ gây rối loạn chức năng nội tiết và ngoại tiết ở các mức độ khác nhau.

  • Rối loạn chức năng nội tiết: Tuyến tuỵ sẽ giảm tiết insulin, dẫn đến lượng đường trong máu không được điều hoà. Lâu dần theo thời gian sẽ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Có thể dựa vào phần tuỵ còn lại sau phẫu thuật để đánh giá nguy cơ mắc đái tháo đường của người bệnh.
  • Rối loạn chức năng ngoại tiết: Sau phẫu thuật, khả năng tiết lipase của tuỵ sẽ bị giảm đi, do đó cũng sẽ khiến khả năng tiêu hoá lipid của cơ thể bị giảm. Hậu quả thường thấy đó là bệnh nhân bị tiêu chảy do lipid không được hấp thu sẽ bị thải ra ngoài qua phân.

Chế độ dinh dưỡng cho người phẫu thuật tuỵ

Do những nguy cơ có thể gặp phải sau khi phẫu thuật tuỵ, nên cần chú ý chế độ dinh dưỡng của người bệnh để hỗ trợ sự hồi phục của bệnh nhân sau phẫu thuật, đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh thứ phát.

Giai đoạn đầu (1 - 2 ngày sau mổ tụy)

Ở giai đoạn này, đa số bệnh nhân đều chưa ăn được, dinh dưỡng cho bệnh nhân thường được truyền qua đường tĩnh mạch. Chủ yếu bù nước và điện giải, cung cấp glucid, nhằm đảm bảo năng lượng cho cơ thể, tránh tình trạng ly giải protein. Chỉ đến khi bệnh nhân trung tiện trở lại mới có thể cho ăn những loại thức ăn lỏng, mềm như cháo hoặc sữa và chia thành nhiều bữa ăn nhỏ, mỗi bữa ăn một lượng nhỏ. Bệnh nhân nên bổ sung nhiều nước, nếu xuất hiện tượng chướng bụng nhiều thì không cho dùng nữa.

Khuyến cáo rằng, nên cho bệnh nhân ăn thức ăn sớm ngay khi trung tiện trở lại, đồng thời cần giảm việc nuôi dưỡng bệnh bằng đường tĩnh mạch. Việc cho ăn sớm rất tốt, giúp tăng cường sức đề kháng và hệ tiêu hóa sẽ sớm phục hồi. Nếu không cho người bệnh ăn sớm sẽ có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như bị nhiễm khuẩn đường ruột hay hoại tử tế bào ruột.

Giai đoạn tiếp theo (1 - 2 tuần sau phẫu thuật tuỵ)

Ở giai đoạn này, người bệnh đã có thể ăn được những đồ ăn cứng hơn để cung cấp dưỡng chất và năng lượng cho người bệnh. Tuy nhiên không nên cho ăn quá nhiều trong mỗi bữa ăn, chia nhỏ bữa ăn (khoảng 6 đến 8 bữa) một ngày.

Tất cả bệnh nhân phẫu thuật nói chung và bệnh nhân phẫu thuật tuỵ nói riêng nên được bổ sung các loại thức ăn tươi sống, sạch sẽ, được chế biến kỹ lưỡng, tránh sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, kém vệ sinh. Ngoài ra, người nhà cũng có thể bổ sung năng lượng, dưỡng chất cho bệnh nhân thông qua sữa bột thích hợp. Tuy nhiên, nếu không dung nạp được thì nên dừng lại khoảng 1 - 2 tháng sau đó có thể dùng lại.

dinh-duong-cho-nguoi-phau-thuat-tuy 2.jpg
Dinh dưỡng cho người phẫu thuật tuỵ cần được chọn lựa phù hợp, đầy đủ dưỡng chất và hợp vệ sinh

Giai đoạn hồi phục (2 tuần sau phẫu thuật tụy)

Cho bệnh nhân ăn vừa đủ mỗi bữa và chia thành nhiều bữa một ngày, bởi lúc này hệ tiêu hóa của người bệnh vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, chưa thể hoạt động một cách bình thường. Đặc biệt, cần hạn chế những loại đồ ăn chứa mỡ có nguồn gốc từ động vật, thay vào đó dầu thực vật sẽ là lựa chọn tốt nhất cho bệnh nhân lúc này.

Bệnh nhân nên ăn chậm nhai kỹ, ăn những loại thức ăn dạng lỏng, mềm hoặc có thể xay nhuyễn cho bệnh nhân để để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa và quá trình tiêu hoá thức ăn diễn ra dễ dàng hơn. Không ăn những đồ ăn quá ngọt như bánh kẹo, nước ngọt, nước ép hoa quả,...

Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ hòa tan cao như táo, chuối, dâu tây, đậu bắp, súp lơ, cà rốt, khoai lang, yến mạch,... Ngoài ra cũng có thể bổ sung chất xơ hòa tan dưới dạng gói. Hãy hạn chế ăn những loại thực phẩm chứa chất xơ dạng không hòa tan như rau xanh nhiều xơ, cam, quýt, bưởi,...

Để tăng cường quá trình hồi phục vết mổ, bệnh nhân nên được bổ sung các loại thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật như thịt mềm, thịt gà, cá, trứng hoặc các sản phẩm từ sữa, đậu.

Những thực phẩm nên tránh sau phẫu thuật tuỵ

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho người sau phẫu thuật tuỵ là rất cần thiết. Các thực phẩm dành cho bệnh nhân đều cần được chọn lọc kỹ lưỡng, sạch sẽ, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân khi sử dụng.

Dưới đây là một số thực phẩm bệnh nhân sau phẫu thuật tuỵ không nên ăn:

  • Đường và carbohydrate tinh chế: Việc sử dụng thực phẩm có đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở bệnh nhân phẫu thuật tuỵ.
  • Thịt đỏ, thịt chế biến sẵn: Thực phẩm được chế biến sẵn hoặc đồ chiên rán nhiều dầu có thể sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư nói chung và ung thư tụy nói riêng. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thực phẩm này còn có thể gây nên cảm giác khó chịu đầy hơi, tiêu chảy cho người bệnh.
  • Rượu, đồ uống có cồn: Đây là những đồ uống không tốt cho sức khỏe kể cả người bình thường hay người phẫu thuật tuỵ. Uống nhiều rượu sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư tụy nói riêng và ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung. Ngoài ra, rượu hay các sản phẩm có chứa cồn còn làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh của bạn.
dinh-duong-cho-nguoi-phau-thuat-tuy 3.jpg
Không nên ăn đường hoặc thực phẩm có chứa đường để hạn chế biến chứng đái tháo đường ở người phẫu thuật tuỵ

Sau mỗi cuộc phẫu thuật lớn, người bệnh cần đặc biệt chú ý nghỉ ngơi và bổ sung đầy đủ dưỡng chất để quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Dinh dưỡng cho người phẫu thuật tuỵ rất quan trọng giúp hồi phục sức khỏe sau mổ, người bệnh còn cần chú ý để hạn chế các biến chứng nguy hiểm và không ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin