Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Mỡ máu cao bao nhiêu thì phải uống thuốc?

Ngày 04/08/2023
Kích thước chữ

Do lối sống và thói quen ăn uống trong xã hội hiện đại có nhiều thay đổi, số lượng người bị mỡ máu cao ngày càng có xu hướng gia tăng. Vấn đề mà nhiều người bị mỡ máu cao quan tâm là mỡ máu cao bao nhiêu thì phải uống thuốc?

Thông qua việc xét nghiệm mỡ máu, các bác sĩ sẽ đọc chỉ số xét nghiệm và cho bạn biết mình có bị mỡ máu cao hay không. Không có thuốc đặc trị chữa khỏi mỡ máu cao. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi và kiểm soát chỉ số mỡ máu thông qua chế độ ăn uống và một số loại thuốc điều trị rối loạn lipid máu. Vậy mỡ máu cao bao nhiêu thì phải uống thuốc?

Mỡ máu là gì?

Mỡ máu hay lipid máu là một thành phần của máu, bao gồm nhiều loại khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cholesterol và triglycerid. Bệnh mỡ máu cao hay rối loạn chuyển hóa lipid máu, máu nhiễm mỡ, làm tăng nguy cơ bệnh lý.

Nhiều người hiểu lầm rằng cholesterol không tốt cho cơ thể. Nhưng thực tế, nó rất quan trọng và có mặt trong cấu trúc màng tế bào, một số loại hormon, là tiền chất để tạo ra vitamin D. Cholesterol cũng là một chất giúp cơ thể chúng ta khỏe mạnh. Cholesterol chỉ gây hại cho sức khỏe khi xảy ra tình trạng rối loạn tỷ lệ các loại cholesterol.

Cholesterol có 2 loại quan trọng đó gồm cholesterol xấu (viết tắt LDL) và cholesterol tốt (viết tắt HDL). Chúng ta cần phân biệt cholesterol xấu và cholesterol tốt bởi mỡ máu tăng cao khi loại cholesterol xấu tăng còn loại cholesterol giảm. Ngoài ra, mỡ máu còn có một thành phần quan trọng là chất béo trung tính triglyceride. Tình trạng tăng triglycerid thường sẽ kéo theo tăng cholesterol toàn phần, tăng cholesterol xấu và giảm cholesterol tốt.

mơ-mau-cao-bao-nhieu-thi-phai-uong-thuoc-1.jpg
Hình ảnh mô phòng máu nhiễm mỡ

Mỡ máu bao nhiêu là cao?

Trước khi tìm hiểu mỡ máu cao bao nhiêu thì phải uống thuốc, chúng ta cần biết chỉ số mỡ máu bao nhiêu là cao? Tình trạng mỡ máu ở mức cao hơn bình thường sẽ được đánh giá qua 4 chỉ số gồm: Cholesterol toàn phần, cholesterol xấu LDL, cholesterol tốt HDL và chất béo trung tính triglyceride. Theo đó, chỉ số mỡ máu cao là khi:

  • Chỉ số cholesterol toàn phần từ 240 mg/dL trở lên cảnh báo cholesterol trong máu tăng và bạn có nguy cơ bị bệnh động mạch vành cao gấp đôi bình thường.
  • Chỉ số cholesterol tốt HDL ở nam giới dưới 40mg và ở nữ giới dưới 50 mg là một mức cholesterol tốt thấp. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh lý tim mạch.
  • Chỉ số cholesterol xấu LDL trong khoảng 160 - 189 mg/dL là mức cao, bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và biến chứng cao.
  • Chỉ số cholesterol xấu LDL từ 190 mg/dL trở lên cảnh báo mỡ máu rất cao, tương ứng với nguy cơ mắc bệnh lý về tim mạch và biến chứng rất cao.
  • Chỉ số triglycerides trong máu từ 200 - 499 mg/dL là tăng cao hơn bình thường. Chỉ số này ở mức trên 500 mg/dL là một mức tăng rất cao.
mơ-mau-cao-bao-nhieu-thi-phai-uong-thuoc-2.jpg
Bạn có biết mỡ máu cao bao nhiêu thì phải uống thuốc?

Mỡ máu cao bao nhiêu thì phải uống thuốc?

Tình trạng mỡ máu tăng ban đầu có thể chưa nguy hiểm và chưa có triệu chứng rõ ràng. Nhưng nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời, mỡ máu cao có thể dẫn đến các biến chứng như: Xơ vữa động mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch ngoại biên,... 

Ngoài ra, mỡ máu cao cũng gây ra gan nhiễm mỡ, làm ảnh hưởng đến chức năng gan. Nó cũng làm tăng nguy cơ xơ gan, viêm gan, ảnh hưởng đến tụy và thận,... Đây là lý do nhiều người rất muốn biết mỡ máu cao bao nhiêu thì phải uống thuốc.

Theo các bác sĩ, uống thuốc điều chỉnh mỡ máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau từ độ tuổi, bệnh nền, cơ địa,... Theo đó:

  • Những người trẻ tuổi bị mỡ máu cao, không bị bệnh tăng huyết áp hay đái tháo đường không cần dùng thuốc. Người bệnh có thể cải thiện chỉ số mỡ máu bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.
  • Những người mỡ máu cao kèm theo cao tuổi, mắc bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường,... cần dùng thuốc để giảm chỉ số mỡ máu về mắc an toàn. Với những bệnh nhân này, chỉ cần mỡ máu tăng nhẹ cũng có thể tăng đáng kể nguy cơ xơ vữa động mạch hay các biến chứng nguy hiểm khác.
  • Ngoài ra, theo các bác sĩ, trong hầu hết trường hợp, chỉ số cholesterol toàn phần từ 6.0 mmol/L trở lên, người bị mỡ máu cao đều cần dùng thuốc.
mơ-mau-cao-bao-nhieu-thi-phai-uong-thuoc-3.jpg
Việc dùng thuốc hạ mỡ máu phụ thuộc nhiều yếu tố nên cần có sự tư vấn của bác sĩ

Các nhóm thuốc điều trị mỡ máu

Mỡ máu cao bao nhiêu thì phải uống thuốc và dùng thuốc thế nào nhất định cần sự tư vấn của bác sĩ. Lý do là từng nhóm thuốc đều tiềm ẩn những tác dụng phụ nhất định. Hầu hết các thuốc dùng trong điều trị mỡ máu cao đều có tác dụng ức chế gan sản sinh mỡ, giúp hạ mỡ máu. Nhưng chính điều này cũng khiến giảm mỡ tại các mô và tế bào. Một số nhóm thuốc hạ mỡ máu thường dùng và tác dụng phụ của nó như sau:

Statin – Nhóm thuốc thường được chỉ định

Nhóm Statin - thuốc ức chế men HMG-CoA Reductase có tác dụng giảm sinh tổng hợp cholesterol ở gan, từ đó giúp giảm cholesterol toàn phần và cholesterol xấu. Bên cạnh đó, nhóm thuốc statin còn có tác dụng phải kể đến như:

  • Cải thiện chức năng của lớp niêm mạc mạch máu.
  • Giảm viêm và tổn thương.
  • Giảm nguy cơ hình thành cục máu đông bằng cách ngăn chặn không cho các tiểu cầu kết dính với nhau.
  • Ngăn ngừa các bệnh mạch vành và làm giảm khả năng gặp phải biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim.

Tuy nhiên, khi dùng nhóm thuốc Statin bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: Các vấn đề về tiêu hóa, viêm cơ, tương tác với thuốc khác và hiếm gặp tổn thương gan, ảnh hưởng đến trí nhớ,...

Nhóm thuốc này cũng có thể gây tương tác với một số loại thuốc khác. Vì vậy, bạn chỉ dùng khi được bác sĩ chỉ định và dùng thuốc đúng theo hướng dẫn, đồng thời thông báo ngay với bác sĩ nếu gặp phải tác dụng phụ. 

Các nhóm thuốc khác

Nếu như bạn không có đáp ứng như mong muốn khi sử dụng nhóm thuốc statin hay gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng cùng với việc thay đổi lối sống, các bác sĩ sẽ xem xét chỉ định các nhóm thuốc hạ mỡ máu khác cho bạn. 

  • Niacin (acid nicotinic): Được sử dụng để làm giảm cholesterol xấu, làm tăng cholesterol tốt. Tuy nhiên, nhóm thuốc này sẽ không phù hợp với người bệnh gút hay bị bệnh gan nặng. Tác dụng phụ người dùng có thể gặp phải là ngứa ra, da đỏ bừng kèm triệu chứng đau đầu.
  • Nhóm thuốc cô lập axit mật: Có tác dụng bám vào mật từ gan, ngăn chặn mật hấp thụ ngược vào máu. Mật chủ yếu được tạo ra từ cholesterol nên nhóm thuốc này cũng giúp giảm cholesterol. Tác dụng phụ của thuốc là táo bón, đau dạ dày, đầy hơi.
  • Thuốc ức chế PCSK9: Thường được sử dụng trong trường hợp người trưởng thành mỡ máu cao do di truyền. Tác dụng phụ của nó là gây ngứa, cảm lạnh, cúm, sưng đau hoặc bầm tím khi tiêm.

Trên đây là những thông tin giúp bạn có câu trả lời cho câu hỏi mỡ máu cao bao nhiêu thì phải uống thuốc. Điều quan trọng nhất, khi dùng thuốc bạn nhất định cần có sự tư vấn của bác sĩ. Nếu nghi ngờ gặp tác dụng phụ, bạn có thể báo với bác sĩ để đổi loại thuốc phù hợp. Tốt nhất, bạn không nên tự ý bỏ thuốc, dừng uống thuốc hay đổi loại thuốc.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin