Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nước bọt có máu là triệu chứng của bệnh gì?

Ngày 18/09/2023
Kích thước chữ

Nước bọt có máu chắc chắn sẽ khiến bất cứ ai trong chúng ta cảm thấy lo lắng. Đó có thể là dấu hiệu của tổn thương nhỏ, cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nghiêm trọng. Vì vậy, đừng bỏ qua thông tin mà Nhà thuốc Long Châu cung cấp dưới đây bạn nhé!

Nước bọt do tuyến nước bọt của cơ thể tiết ra. Nước bọt có nhiệm vụ hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, làm lành vết thương, tại rào chắn ngăn cản vi khuẩn, virus xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Nước bọt bình thường trong, không màu. Còn nước bọt có máu có thể là dấu hiệu cảnh báo bất thường của cơ thể. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu máu lẫn trong nước bọt có thể là triệu chứng của bệnh gì.

Lý do trong nước bọt có máu

Nước bọt có lẫn máu đôi khi là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng đôi khi cũng chỉ là một triệu chứng bình thường. Máu lẫn trong nước bọt có thể là máu từ cổ họng, miệng, mũi hoặc đường hô hấp. Mức độ nghiêm trọng có thể tùy thuộc vào từng nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng máu lẫn trong nước bọt như:

Vấn đề về nha khoa

Một số vấn đề nha khoa khiến nước bọt có máu như:

  • Nhiễm trùng khoang miệng do khoang miệng không được vệ sinh sạch sẽ. Vi khuẩn sẽ xâm nhập gây tổn thương niêm mạc miệng, mô nướu và làm chảy máu.
  • Viêm nướu là một bệnh răng miệng khá phổ biến cũng có thể gây chảy máu nướu. Khi nướu bị sưng, việc chúng ta ăn uống hay đánh răng chạm vào nướu cũng khiến nướu chảy máu. Việc này dẫn đến có máu trong nước bọt.
  • Nhổ răng hoặc làm răng khiến chân răng nhạy cảm hơn và dễ gây chảy máu. Máu bạn nhìn thấy trong nước bọt đôi khi là máu chảy từ chân răng.
nuoc-bot-co-mau-1.jpg
Các vấn đề về răng dễ gây chảy máu chân răng và làm máu có trong nước bọt

Thiếu vitamin C

Theo các bác sĩ, nước bọt có máu cũng là dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu Vitamin C. Vitamin C là loại vitamin quan trong đối với hệ miễn dịch và cần thiết cho collagen trong mạch máu và mô liên kết xương. Cơ thể không thể tự tổng hợp vitamin C mà chúng ta buộc phải nạp vào qua chế độ ăn uống. Nếu không được cung cấp đủ vitamin C, các mạch máu niêm mạc miệng hoặc mạch máu ở hàm dễ bị yếu và dễ chảy máu. Người thiếu vitamin C dễ thấy máu lẫn trong nước bọt.

Vấn đề ở hệ tiêu hóa

Có nhiều vấn đề ở hệ tiêu hóa khiến hệ tiêu hóa bị chảy máu. Điển hình như:

  • Loét miệng với biểu hiện là những vết loét trong má, môi, nướu có thể bị chảy máu. Các vết loét trong miệng có thể hình thành do vô tình cắn vào má, đồ ăn cứng nhọn đâm vào hoặc đồ ăn có tính acid cao. Ngoài ra, cơ thể bị thiếu vitamin B12 cũng khiến chúng ta thường xuyên bị loét miệng.
  • Viêm thực quản là tình trạng niêm mạc của thực quản bị tổn thương gây viêm. Khi đó thực quản sẽ sưng, đau, dễ bị tổn thương và chảy máu. Chất nhầy thực quản có máu khiến nước bọt cũng có máu.
  • Viêm dạ dày hay viêm loét dạ dày tá tràng có thể gây xuất huyết trong dạ dày. Máu từ dạ dày theo dịch tiết đường tiêu hóa đi lên thực quản và lẫn vào nước bọt.
nuoc-bot-co-mau-2.jpg
Các tổn thương ở hệ tiêu hóa cũng dễ gây xuất huyết

Vấn đề về hệ hô hấp

Nước bọt có máu hoàn toàn có thể là vấn đề của hệ hô hấp như:

  • Tổn thương ở cổ họng do ăn đồ cứng, mắc xương hay vì lý do khác sẽ gây chảy máu ở họng. Máu từ họng sẽ lẫn vào trong nước bọt.
  • Những chấn thương nặng ở vùng ngực có thể gây triệu chứng ho ra máu làm nước bọt lẫn máu.
  • Ho kéo dài do các lý do khác nhau có thể làm tổn thương niêm mạc cổ họng. Cổ họng bị tổn thương dễ xuất huyết ngay cả khi ho làm máu lẫn trong nước bọt.
  • Viêm amidan gây ho nhiều thậm chí ho ra máu.
  • Người bị bệnh viêm xoang cũng dễ bị viêm họng do dịch viêm chảy xuống họng. Viêm xoang thường có cả triệu chứng là những cơn ho dữ dội và ho có máu.
  • Các bệnh lý phổ biến liên quan đến phế quản như giãn phế quản, viêm phế quản, nhiễm trùng phế quản cũng khiến xuất hiện dịch nhầy kèm máu. Người bệnh ho nhiều khiến máu cũng lẫn trong nước bọt.
  • Nước bọt lẫn máu cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các tổn thương ở phổi hoặc bệnh về phổi như viêm phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, phù phổi. Các bệnh về phổi thường đi kèm triệu chứng khó thở, thở xanh, đờm có màu xanh hoặc vàng lẫn máu,…
nuoc-bot-co-mau-3.jpg
Bệnh lý về hệ hô hấp gây chảy máu bất cứ ai cũng có thể gặp phải

Các bệnh lý nghiêm trọng

Ngoài những nguyên nhân trên, các bệnh lý nghiêm trọng là nguyên nhân ít gặp của tình trạng nước bọt có máu. Có thể kể đến những căn bệnh như:

  • Bệnh lao với các triệu chứng ho dữ dội kéo dài, ho ra máu, chán ăn, người suy nhược.
  • U hạt, viêm đa tuyến cũng gây ho ra máu kèm các triệu chứng chảy máu cam, nhiễm trùng xoang, người mệt mỏi và đau các khớp.
  • Một số trường hợp suy tim sung huyết khiến máu rò rỉ qua phổi và có trong nước bọt.
  • Một số bệnh ung thư như ung thư miệng, ung thư vòm họng, ung thư phổi, ung thư máu cũng có thể có triệu chứng máu lẫn trong nước bọt.

Nước bọt có máu có nguy hiểm không?

Lẫn máu trong nước bọt có nguy hiểm hay không tùy thuộc từng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nếu nguyên nhân đến từ việc thiếu vitamin C, bệnh lý về nha khoa, bệnh lý thông thường về hệ hô hấp hay tiêu hóa, việc chữa trị sẽ rất đơn giản. Nhưng ngược lại, nếu nguyên nhân đến từ những bệnh lý phức tạp hay bệnh nghiêm trọng, nước bọt có máu có thể tiến triển thành khạc ra máu, nôn ra máu. Nếu lượng máu xuất huyết nhiều, người bệnh có thể bị thiếu máu, sốc tuần hoàn, nhiễm trùng lan rộng,...

Theo các bác sĩ, nước bọt có lẫn máu có thể chỉ là tình trạng bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần theo dõi một vài ngày xem tình trạng có sớm chấm dứt hay không. Nếu nhận biết rõ nguyên nhân do vấn đề răng miệng hoặc vấn đề trong khoang miệng mà bạn quan sát được, bạn không cần quá lo lắng.

Nhưng nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian hơn 1 tuần không thuyên giảm, tái đi tái lại nhiều lần, đi kèm là những triệu chứng nghiêm trọng khác và không thể tự tìm ra nguyên nhân, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám sớm.

nuoc-bot-co-mau-4.jpg
Cần thăm khám khi tình trạng có máu trong nước bọt không thuyên giảm

Cần làm gì khi nước bọt có máu?

Khi thấy nước bọt có máu, bạn có thể xử lý tại chỗ bằng cách:

  • Súc miệng và họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn.
  • Nếu quan sát thấy vị trí chảy máu trong khoang miệng hay ở chân răng, lợi, hãy dùng bông để cầm máu.
  • Các bệnh như viêm nướu, loét miệng, viêm nha chu có thể tự khỏi hoặc khỏi sau khi súc miệng, dùng thuốc trong vài ngày.

Nếu nghi ngờ nguyên nhân nước bọt có máu do bệnh đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp, bạn nên đi khám để được bác sĩ tư vấn dùng thuốc. Các bệnh do virus như lao, viêm phổi có thể dần dùng thuốc kháng virus. Nếu nguyên nhân do mắc ung thư, người bệnh có thể cần phẫu thuật, hóa trị, xạ trị,… theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, để phòng ngừa có máu trong nước bọt, bạn cần:

  • Chải răng đúng cách bằng bàn chải mềm, chải răng mỗi ngày 2 lần để phòng ngừa các bệnh về răng miệng. Bạn có thể kết hợp dùng chỉ nha khoa để làm sạch kỳ càng kẽ răng và nướu.
  • Súc miệng bằng nước muối hay dung dịch nước súc miệng hàng ngày sẽ giúp phòng ngừa bệnh răng miệng và bệnh về đường hô hấp.
  • Ăn uống khoa học, đủ chất giúp tăng đề kháng, củng cố độ bền mạch máu và giảm nguy cơ chảy máu trong khoang miệng.

Trên đây là những thông tin quan trọng liên quan đến tình trạng nước bọt có máu. Nếu bạn gặp tình trạng này, hãy theo dõi trong 1 tuần và đi khám ngay nếu tình trạng chảy máu không giảm nhé!

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin