Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Triệu chứng của bệnh mất ngủ kéo dài

Ngày 21/10/2024
Kích thước chữ

Những người mắc bệnh mất ngủ kéo dài thường phải chịu đựng cảm giác mệt mỏi, lo âu, và thậm chí là suy giảm trí nhớ. Vậy những triệu chứng cụ thể của bệnh mất ngủ kéo dài là gì? Bài viết này sẽ giúp bạn nhận diện và hiểu rõ hơn về các dấu hiệu của tình trạng này, từ đó tìm ra cách chăm sóc bản thân và cải thiện giấc ngủ một cách hiệu quả.

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi năng lượng và duy trì sức khỏe toàn diện. Tuy nhiên, khi mất ngủ kéo dài thường xuyên, nó có thể gây ra hàng loạt triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hiệu suất làm việc như cảm giác mệt mỏi kéo dài, mất khả năng tập trung, hay cáu gắt.

Thế nào là mất ngủ kéo dài?

Mất ngủ kéo dài là tình trạng rối loạn giấc ngủ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về thần kinh và tim mạch. Theo Học viện Y học Giấc ngủ Mỹ, khoảng 10% người trưởng thành bị mất ngủ kéo dài, và từ 15 - 35% người trưởng thành trải qua tình trạng mất ngủ cấp tính, diễn ra trong vài ngày đến vài tuần, thậm chí có thể kéo dài đến 3 tháng.

Mất ngủ có thể xuất hiện ở bất kỳ ai và ở bất kỳ độ tuổi nào, không phân biệt giới tính hay lối sống. Các triệu chứng của mất ngủ bao gồm khó vào giấc, ngủ không sâu, dễ tỉnh dậy vào giữa đêm và cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy. Mất ngủ kéo dài không chỉ làm giảm hiệu suất làm việc, suy giảm trí nhớ, mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng và gây ra căng thẳng, lo âu. Với những người mất ngủ thường xuyên, nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe như huyết áp cao, trầm cảm và các bệnh tim mạch.

Triệu chứng của bệnh mất ngủ kéo dài 1
Mất ngủ kéo dài diễn ra trong vài ngày đến vài tuần, thậm chí có thể kéo dài đến 3 tháng

Nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài phổ biến

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây tình trạng mất ngủ kéo dài:

  • Căng thẳng từ công việc và cuộc sống: Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất ngủ kéo dài. Nhịp sống hiện đại cùng khối lượng công việc lớn và áp lực cuộc sống khiến nhiều người thường xuyên lo âu, suy nghĩ về các vấn đề tài chính và trách nhiệm với gia đình và xã hội. Những căng thẳng này có thể làm hệ thần kinh luôn trong trạng thái căng thẳng, khiến giấc ngủ bị gián đoạn. Điều này đặc biệt phổ biến ở người trẻ, những người dễ bị cuốn vào guồng quay công việc và cuộc sống.
  • Sử dụng rượu bia và chất kích thích: Rượu bia, cà phê, và các chất kích thích khác có thể gây kích thích thần kinh quá mức. Dù rượu có thể giúp bạn buồn ngủ nhanh, nhưng thường làm giấc ngủ kém sâu và dễ gián đoạn. Tương tự, caffeine trong cà phê hoặc trà khiến người dùng tỉnh táo quá lâu, dẫn đến khó ngủ và mất ngủ nếu lạm dụng thường xuyên.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc tăng huyết áp, corticoid, và thuốc chống trầm cảm, có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ khi dùng lâu dài hoặc không đúng chỉ dẫn. Việc lạm dụng các loại thuốc này có thể gây ra các triệu chứng mất ngủ dai dẳng.
  • Môi trường sống và thói quen sinh hoạt: Lệch múi giờ, làm việc ca đêm, hoặc thói quen sinh hoạt không điều độ có thể ảnh hưởng lớn đến đồng hồ sinh học của cơ thể, gây ra tình trạng mất ngủ. Ngoài ra, môi trường sống ồn ào hay ô nhiễm cũng khiến giấc ngủ không trọn vẹn. Tiếng ồn từ xe cộ, công trình xây dựng, hoặc ánh sáng mạnh có thể phá vỡ chu kỳ giấc ngủ của bạn.
  • Các bệnh lý mạn tính: Những bệnh lý mãn tính như viêm dạ dày, trào ngược dạ dày - thực quản, tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận mãn, và phì đại tuyến tiền liệt có thể gây ra các triệu chứng khó chịu, đặc biệt vào ban đêm. Điều này làm người bệnh khó ngủ hoặc ngủ không sau giấc, gây ra tình trạng mất ngủ kéo dài, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Triệu chứng của bệnh mất ngủ kéo dài 2
Một số bệnh lý ở người cao tuổi gây mất ngủ kéo dài

Triệu chứng của bệnh mất ngủ kéo dài

Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến mà bạn có thể nhận biết để xác định tình trạng mất ngủ kéo dài:

  • Đau đầu: Mất ngủ thường dẫn đến đau đầu do thiếu máu cung cấp cho các tế bào thần kinh và căng thẳng thần kinh. Cơn đau đầu có thể xuất hiện vào ban đêm, làm giấc ngủ thêm khó khăn, hoặc vào buổi sáng sau một đêm trằn trọc, khiến người bệnh cảm thấy uể oải, không tỉnh táo.
  • Mệt mỏi và chán ăn: Khi không được nghỉ ngơi đầy đủ, cơ thể không kịp phục hồi năng lượng, gây ra tình trạng mệt mỏi và mất cảm giác thèm ăn. Cảm giác uể oải kéo dài khiến người bệnh mất dần sự năng lượng trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Khó vào giấc ngủ: Người mắc chứng mất ngủ thường khó vào giấc, dễ tỉnh giấc giữa đêm và gặp khó khăn trong việc ngủ lại, hoặc thức dậy quá sớm vào buổi sáng. Cảm giác mệt mỏi, đau đầu, và căng thẳng không chỉ là nguyên nhân gây mất ngủ mà còn là hệ quả của việc mất ngủ kéo dài.
  • Khó ngủ vào buổi trưa: Một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa thường giúp tái tạo năng lượng. Tuy nhiên, người bị mất ngủ kéo dài lại gặp khó khăn ngay cả với giấc ngủ ngắn này, dẫn đến cảm giác khó chịu và cơ thể thêm phần uể oải vào buổi chiều.
  • Suy giảm trí nhớ và khó tập trung: Đây là dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy tình trạng mất ngủ đã ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, học tập, và cuộc sống thường ngày. Việc thiếu ngủ kéo dài gây rối loạn trí nhớ, giảm khả năng tập trung, và giảm hiệu suất trong các hoạt động.
  • Rối loạn tâm lý: Mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến các rối loạn tâm lý, đặc biệt là trầm cảm. Khi tình trạng mất ngủ không được cải thiện, nguy cơ mắc các rối loạn thần kinh tăng cao, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần.
  • Chất lượng giấc ngủ suy giảm: Người bị mất ngủ kéo dài thường khó đi vào giấc, khó duy trì giấc ngủ, thức dậy sớm và tỉnh giấc nhiều lần trong đêm (mỗi lần kéo dài khoảng 30 phút). Ngay cả sau khi ngủ, người bệnh vẫn cảm thấy mệt mỏi, không được tái tạo năng lượng, và ngày càng dễ cáu gắt.
Triệu chứng của bệnh mất ngủ kéo dài 3
Mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến các rối loạn tâm lý

Mất ngủ kéo dài gây hậu quả gì?

Dưới đây là những hậu quả thường gặp khi tình trạng mất ngủ kéo dài:

  • Ảnh hưởng đến tâm lý: Khi thiếu ngủ, người bệnh dễ trở nên cáu kỉnh, bực bội và nhạy cảm hơn trong các tình huống hàng ngày. Điều này làm giảm khả năng thích ứng trong cuộc sống và tạo cảm giác mệt mỏi, căng thẳng, ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội và công việc. Mất ngủ kéo dài còn làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý như lo âu và trầm cảm, khiến người bệnh rơi vào vòng xoáy tiêu cực.
  • Giảm khả năng tập trung và ghi nhớ: Việc thiếu ngủ liên tục gây suy giảm khả năng tập trung và trí nhớ. Điều này ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng công việc và học tập, khi người bệnh khó có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ, dễ phạm sai lầm và mất đi động lực làm việc. Đây là lý do tại sao những người mất ngủ kéo dài thường cảm thấy mệt mỏi, không còn hào hứng với những việc trước đây từng yêu thích.
  • Thời gian phản ứng chậm hơn: Một trong những hậu quả nghiêm trọng của thiếu ngủ là giảm khả năng phản ứng. Đặc biệt, khi lái xe trong tình trạng buồn ngủ, người điều khiển có thể vô tình chợp mắt trong vài giây mà không nhận ra, dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông cao. Thiếu ngủ làm chậm khả năng xử lý thông tin, phản xạ, và phối hợp động tác.
  • Mất thăng bằng: Mất ngủ kéo dài còn ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng của cơ thể, khiến người bệnh dễ té ngã, mất thăng bằng. Đây là một vấn đề quan trọng, đặc biệt với người cao tuổi, vì nó có thể gây ra những tai nạn không đáng có trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và chuyển hóa: Khi giấc ngủ không đủ, cơ thể không có thời gian để phục hồi và điều hòa các chức năng quan trọng. Mất ngủ kéo dài có thể gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, và làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, người mất ngủ thường xuyên cũng dễ gặp nguy cơ béo phì và tiểu đường do rối loạn hormone và chuyển hóa năng lượng.
  • Làn da và mái tóc bị ảnh hưởng: Giấc ngủ là thời gian để cơ thể tái tạo tế bào và phục hồi làn da. Mất ngủ làm cho da xỉn màu, dễ nổi mụn và lão hóa sớm. Mái tóc cũng trở nên khô xơ, dễ gãy rụng khi cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ.

Những ảnh hưởng trên cho thấy tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe và cuộc sống. Vì vậy, nếu bạn đang gặp phải tình trạng mất ngủ, hãy sớm tìm kiếm các biện pháp cải thiện để nâng cao chất lượng giấc ngủ và giữ gìn sức khỏe.

Triệu chứng của bệnh mất ngủ kéo dài 4
Tình trạng mất ngủ kéo dài gây suy giảm khả năng tập trung và trí nhớ

Cách điều trị chứng mất ngủ kéo dài

Mất ngủ kéo dài ở người trẻ tuổi không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm giảm năng suất làm việc và chất lượng cuộc sống.

Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)

Bên cạnh việc dùng thuốc, liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) cũng là một giải pháp hiệu quả cho những người gặp khó khăn trong giấc ngủ. CBT tập trung vào việc thay đổi thói quen và hành vi ngủ của bạn. Phần nhận thức trong liệu pháp này giúp bạn kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực, giảm bớt lo âu, trong khi phần hành vi giúp bạn phát triển những thói quen ngủ tích cực.

CBT bao gồm một số kỹ thuật đặc biệt, chẳng hạn như:

  • Kỹ thuật nhận thức: Ghi chép lại những lo lắng của bạn trước khi đi ngủ để không bị phân tâm trong giấc ngủ.
  • Kiểm soát kích thích: Loại bỏ các yếu tố gây cản trở giấc ngủ.
  • Hạn chế ngủ: Giảm thời gian nằm trên giường, bao gồm cả việc tránh ngủ trưa, nhằm tạo cảm giác mệt mỏi và dễ ngủ vào buổi tối.
  • Kỹ thuật thư giãn: Các bài tập yoga và thiền giúp cơ thể thư giãn, giảm căng thẳng.
  • Ý định nghịch lý: Thay vì cố gắng ngủ, bạn hãy cố gắng tỉnh táo trên giường, giúp giảm lo lắng và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý

Việc điều chỉnh thời gian nghỉ ngơi và sắp xếp công việc khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục tình trạng mất ngủ kéo dài. Để giảm tải áp lực, bạn nên cân nhắc phân chia công việc hợp lý, giảm bớt khối lượng công việc khi cần thiết. Khi căng thẳng, đầu óc sẽ khó thư giãn, khiến bạn rơi vào tình trạng khó ngủ hoặc mất ngủ triền miên. Thay vì dồn quá nhiều vào công việc, hãy tạo cho mình những khoảng thời gian nghỉ ngơi phù hợp để giúp tâm trí thư thái và dễ dàng đi vào giấc ngủ.

Thư giãn tinh thần

Giữ cho tinh thần thoải mái là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp cải thiện giấc ngủ, đặc biệt là ở người trẻ tuổi. Có nhiều cách để giúp tâm lý thư giãn như tập thể dục nhẹ nhàng, nghe nhạc, đi dạo, du lịch hoặc thử các hoạt động thư giãn như đọc sách hoặc thiền. Đối với trường hợp mất ngủ nhẹ, những phương pháp này có thể giúp bạn thả lỏng tâm trí, giúp giấc ngủ đến dễ dàng hơn.

Tránh sử dụng các chất kích thích

Rượu bia, caffeine, và các chất kích thích khác tuy có thể mang lại cảm giác thư giãn tạm thời nhưng lại cản trở giấc ngủ tự nhiên khi sử dụng lâu dài. Những chất này kích thích thần kinh, làm cho giấc ngủ khó đến hoặc không sâu. Để cải thiện tình trạng mất ngủ, hãy hạn chế hoặc tránh xa các chất kích thích, giúp thần kinh thư giãn và giấc ngủ đến một cách tự nhiên.

Vận động nhẹ nhàng

Yoga và thiền định là hai phương pháp tuyệt vời để cải thiện giấc ngủ. Chỉ cần dành khoảng 30 – 60 phút mỗi ngày để tập thiền hoặc yoga trước giờ ngủ, bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt. Những bài tập này không chỉ giúp giải phóng căng thẳng mà còn cải thiện lưu thông máu, giúp cơ thể và não bộ được thư giãn, từ đó dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

Dùng thuốc điều trị mất ngủ kéo dài

Để cải thiện tình trạng mất ngủ kéo dài, việc sử dụng thuốc cần phải cẩn trọng, vì một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn như buồn ngủ ban ngày, trí nhớ kém, hay thậm chí là mộng du. Dưới đây là một số loại thuốc phổ biến thường được sử dụng để điều trị mất ngủ:

  • Zolpidem: Một trong những thuốc ngủ phổ biến, giúp người dùng dễ dàng vào giấc ngủ hơn.
  • Eszopiclone: Thuốc này không chỉ giúp ngủ mà còn duy trì giấc ngủ lâu dài hơn.
  • Zaleplon: Thích hợp cho những người gặp khó khăn trong việc bắt đầu giấc ngủ.
  • Doxepin: Ban đầu được sử dụng để điều trị trầm cảm, nhưng cũng rất hiệu quả trong việc cải thiện giấc ngủ.
  • Diphenhydramine: Đây là thuốc kháng histamine, giúp gây buồn ngủ nhưng có thể gây ra cảm giác mệt mỏi vào sáng hôm sau.
  • Melatonin: Hormone tự nhiên điều chỉnh giấc ngủ, giúp cải thiện giấc ngủ cho những người có rối loạn nhịp sinh học.

Ngoài việc sử dụng thuốc, nếu tình trạng mất ngủ kéo dài là do các bệnh lý như tăng huyết áp hay trào ngược dạ dày thực quản, việc điều trị nguyên nhân chính cũng rất quan trọng.

Triệu chứng của bệnh mất ngủ kéo dài 5
Sử dụng thuốc để cải thiện tình trạng mất ngủ kéo dài

Cách phòng ngừa mất ngủ liên tục

Để phòng ngừa chứng mất ngủ, việc duy trì nhịp sinh học ổn định và xây dựng thói quen ngủ lành mạnh là rất quan trọng.

  • Đi ngủ vào cùng một giờ cố định: Hãy cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Điều này giúp cơ thể duy trì nhịp sinh học ổn định, dễ dàng đi vào giấc ngủ và tỉnh dậy một cách tự nhiên.
  • Hạn chế giấc ngủ trưa dài: Nếu cần ngủ trưa, hãy giữ giấc ngủ ngắn dưới 60 phút. Ngủ quá lâu vào ban ngày có thể làm giảm nhu cầu ngủ vào ban đêm, khiến bạn khó ngủ hơn.
  • Tránh thiết bị điện tử trước giờ ngủ: Ánh sáng xanh từ điện thoại, máy tính bảng, và tivi có thể làm ức chế hormone melatonin – hormone giúp cơ thể sẵn sàng cho giấc ngủ. Hãy tránh xa các thiết bị này ít nhất 30 phút trước khi lên giường.
  • Hạn chế caffeine, nicotine, và rượu vào cuối ngày: Caffeine và nicotine là các chất kích thích có thể giữ bạn tỉnh táo, trong khi rượu có thể khiến bạn tỉnh giấc giữa đêm. Do đó, nên tránh dùng các chất này vào buổi chiều tối để không ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Duy trì tập thể dục đều đặn: Tập luyện thể thao thường xuyên giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, nhưng hãy tránh tập luyện ngay trước giờ ngủ để cơ thể có thời gian thư giãn.
  • Ăn uống nhẹ nhàng vào buổi tối: Hạn chế ăn tối quá nhiều hoặc quá gần giờ đi ngủ. Bữa ăn nhẹ nhàng sẽ giúp dạ dày không phải làm việc quá sức khi bạn đang ngủ.
  • Tạo không gian ngủ lý tưởng: Giữ phòng ngủ tối, yên tĩnh, thoáng mát và thoải mái. Một môi trường ngủ tốt sẽ giúp bạn dễ dàng thả lỏng và chìm vào giấc ngủ.
  • Thực hiện thói quen thư giãn trước khi ngủ: Lên lịch trình thư giãn như đọc sách, nghe nhạc nhẹ, hoặc thiền ngắn trước khi đi ngủ. Những hoạt động này giúp cơ thể và tâm trí sẵn sàng cho giấc ngủ.
  • Sử dụng giường chỉ để ngủ: Hãy dùng giường chỉ cho việc ngủ và nghỉ ngơi, tránh làm việc hoặc các hoạt động khác trên giường để cơ thể nhận biết rằng giường là nơi để thư giãn và ngủ.
  • Tĩnh tâm: Nếu bạn trằn trọc, hãy đứng dậy và làm một hoạt động nhẹ nhàng như đọc sách cho đến khi cơn buồn ngủ quay lại.
  • Ghi lại những lo lắng trước khi ngủ: Nếu bạn thường xuyên lo nghĩ khi nằm trên giường, hãy ghi ra những công việc cần làm hoặc những suy nghĩ lo lắng vào giấy. Việc này giúp bạn “giải phóng” tâm trí, gạt mối bận tâm của mình sang một bên và thoải mái hơn trước khi ngủ.
Triệu chứng của bệnh mất ngủ kéo dài 6
Yoga và thiền giúp duy trì nhịp sinh học ổn định giúp bạn phòng ngừa mất ngủ liên tục

Các câu hỏi thường gặp

Mất ngủ kéo dài bao lâu là bất thường?

Mất ngủ kéo dài hơn 3 tháng được coi là bất thường và có thể cần sự can thiệp y tế.

Mất ngủ bao lâu thì nên đi khám?

Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài hơn 2 tuần và ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc chất lượng cuộc sống, người bệnh nên đi khám.

Mất ngủ kéo dài nên đi khám và điều trị ở đâu?

Người bệnh nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa tại cơ sở y tế hoặc các chuyên gia tâm lý để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mất ngủ kéo dài có gây trầm cảm không?

Có, mất ngủ kéo dài có thể là một yếu tố nguy cơ cao dẫn đến trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác.

Mất ngủ kéo dài là một tình trạng phổ biến nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Triệu chứng của bệnh có thể bao gồm khó khăn khi bắt đầu giấc ngủ, thức dậy giữa đêm, và cảm giác mệt mỏi vào buổi sáng. Nếu không được điều trị kịp thời, mất ngủ có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.