Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm da thần kinh là bệnh lý như thế nào?

Ngày 12/07/2024
Kích thước chữ

Viêm da thần kinh là bệnh lý gây ra rất nhiều cảm giác khó chịu cho người bệnh. Nếu không điều trị đúng cách, những mảng ngứa do bệnh gây ra sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Vậy, viêm da thần kinh là bệnh lý như thế nào? Nguyên nhân gây bệnh là gì và triệu chứng của bệnh ra sao? Nắm được một số thông tin cơ bản sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong việc phòng ngừa bệnh, bảo vệ sức khỏe. Nếu còn chưa rõ các thông tin về bệnh lý viêm da thần kinh, mời bạn đọc hãy theo dõi bài viết dưới đây.

Viêm da thần kinh là bệnh gì?

Viêm da thần kinh là bệnh lý có liên quan đến các tổn thương trên da. Bệnh bắt đầu với những mảng ngứa, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu và muốn gãi. Thế nhưng việc gãi sẽ làm bệnh trở nên tồi tệ hơn, da dễ bị kích ứng và viêm. Cơn ngứa kéo dài sẽ khiến cho việc gãi ngứa trở nên vô thức, vùng da ngứa lúc này bị dày lên, dẫn tới chu kỳ lặp đi lặp lại gọi là chu kỳ ngứa - gãi.

Những cơn ngứa do bệnh gây ra rất dữ dội, phổ biến ở những vùng da như da đầu, da cổ, cánh tay, bàn chân, bàn tay và ở cả bộ phận sinh dục. Chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng vì thế mà bị suy giảm dần. Đối tượng dễ mắc bệnh thường là những phụ nữ tuổi trung niên từ 30 - 50 tuổi.

Viêm da thần kinh là bệnh lý như thế nào?1
Viêm da thần kinh là bệnh lý không quá nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống

Nguyên nhân gây bệnh viêm da thần kinh

Mặc dù nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm da thần kinh cho đến nay vẫn chưa được tìm ra, thế nhưng các yếu tố khác nhau như yếu tố môi trường và yếu tố cảm xúc đều là những tác nhân có thể gây ra những cơn ngứa. Cụ thể hơn, những yếu tố có thể gây ra bệnh viêm da thần kinh sẽ bao gồm:

  • Tâm lý: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, những vấn đề về tâm lý như rối loạn lo âu hay mắc bệnh trầm cảm đều có thể biểu hiện ra ngoài bằng những cơn ngứa ngáy. Ngoài ra, do việc gãi của người bệnh làm xao nhãng đi những suy nghĩ, lo âu mà từ đó chu kỳ ngứa - gãi có thể bị kéo dài.
  • Môi trường: Môi trường xung quanh với nhiệt độ quá cao, độ ẩm trong không khí thấp hay mồ hôi cũng có thể làm hình thành nên các mảng ngứa da.
  • Các chất tẩy rửa: Làn da có thể bị kích ứng sau khi sử dụng một số loại chất tẩy rửa hay các sản phẩm có mùi thơm, đặc biệt là những người có làn da nhạy cảm.
  • Côn trùng đốt: Bị côn trùng đốt hay dính phải dịch tiết của một số loại côn trùng có thể gây kích ứng da, làm cho da bị sưng đỏ và ngứa ngáy.
  • Da khô: Tình trạng da khô có thể gây ngứa da đồng thời khiến cho những cơn ngứa cũ trở nên tồi tệ hơn. Người bệnh luôn có cảm giác bị khó chịu và muốn gãi.
  • Mặc quần áo không thoải mái: Quần áo quá chật sẽ khiến cho da bị bí bách, không thoáng khí. Nhất là khi chất liệu của quần áo là các loại sợi tổng hợp, thấm hút mồ hôi kém dễ khiến cho da hình thành các mảng ngứa, làm tăng nguy cơ viêm da.

Một số bệnh lý ngoài da khác như bệnh vảy nến, bệnh chàm hay bệnh viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc cũng được xem là một trong những tác nhân có thể gây ra bệnh viêm da thần kinh.

Triệu chứng bệnh viêm da thần kinh

Khi mắc bệnh viêm da thần kinh, người bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng như sau:

  • Có cảm giác ngứa, đau do gãi ở vị trí da bị viêm. Cơn ngứa ngáy có thể rất dữ dội với tần suất liên tục, khiến cho bạn gãi nhiều theo thói quen, kể cả lúc ngủ.
  • Vùng da bị viêm da thần kinh bị dày lên, sẫm màu và sần sùi.
  • Xuất hiện các vết thương hở, bị chảy máu do bệnh nhân gãi nhiều.
  • Người bệnh có thể bị rụng tóc nếu như các vùng da bị viêm ở trên đầu.
  • Các mảng ngứa có kích thước khác nhau từ 3cm x 6cm đến 6cm x 10cm.
  • Những mảng ngứa cũ có thể có màu trắng hoặc màu nhạt ở trung tâm, bao quanh là các màu đậm hơn. Có thể để lại sẹo gây mất thẩm mỹ theo thời gian.

Các mảng ngứa không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh thế nhưng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, làm gián đoạn giấc ngủ và cả chức năng tình dục nếu không được can thiệp điều trị.

Viêm da thần kinh là bệnh lý như thế nào?2
Viêm da thần kinh gây ngứa ngáy, khó chịu cho người bệnh

Biến chứng của bệnh viêm da thần kinh

Trước tiên, việc người bệnh gãi liên tục trên da có thể dẫn đến các vết thương, bội nhiễm do vi khuẩn. Nghiêm trọng hơn là làm thay đổi màu da và để lại sẹo vĩnh viễn. Ngoài ra, bệnh cũng gây ra một số biến chứng khác trầm trọng hơn có thể kể tới như:

Nhiễm trùng da

Viêm da thần kinh luôn khiến người bệnh cảm thấy ngứa và khó chịu. Dẫn đến việc gãi liên tục và gây tổn thương cho da. Đặc biệt hơn với những người đã mắc bệnh viêm da thần kinh lâu năm, dễ nhận thấy trên vùng da viêm của họ có rất nhiều vết xước do gãi. Các vết xước này có thể gây nhiễm trùng nếu như không được vệ sinh cẩn thận. Nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn có thể dẫn đến viêm mô tế bào lan rộng, nặng hơn là nhiễm trùng máu nguy hiểm đến tính mạng.

Viêm da thần kinh là bệnh lý như thế nào?3
Nhiễm trùng da là một trong những biến chứng của viêm da thần kinh

Ung thư da

Bệnh viêm da thần kinh cũng khiến cho người bệnh có nguy cơ phải đối mặt với bệnh ung thư da. Việc gãi lên vùng da bị viêm về lâu dài sẽ kích hoạt các chất gây viêm, làm biến đổi tế bào da thành tế bào ung thư, các tế bào này sẽ phát triển thành ung thư da hoặc mụn cóc.

Khi nào cần thăm khám bệnh viêm da thần kinh?

Một khi nhận thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường, bạn nên tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Không nên để thời gian kéo dài, khiến cho tình trạng bệnh ngày một nặng, khó điều trị hơn. Đi khám ngay nếu cảm thấy:

  • Liên tục ngứa và gãi ở một mảng da.
  • Ngứa ngáy nhiều, dữ dội làm cho bạn không thể tập trung vào các hoạt động khác trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Cảm thấy vùng da ngứa bị đau, nhiễm trùng.

Các bác sĩ sẽ kiểm tra vùng da bị ảnh hưởng, đồng thời xác định xem bạn có ngứa, gãi và cào hay không. Ngoài ra, để ngoại trừ các nguyên nhân do bệnh lý khác, bác sĩ sẽ tiến hành lấy một mẫu nhỏ của vùng da bị ngứa để xét nghiệm.

Viêm da thần kinh là bệnh lý như thế nào?4
Thăm khám ngay với bác sĩ một khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường

Các phương pháp điều trị viêm da thần kinh

Điều trị không dùng thuốc

  • Ngừng gãi: Hạn chế hoặc ngừng hoàn toàn việc gãi vùng da bị viêm sẽ làm cho cơn ngứa dịu đi, đồng thời hạn chế nguy cơ bị nhiễm trùng. Do đó, việc đầu tiên người bệnh cần làm đó chính là ngừng gãi các vùng bị ngứa.
  • Thay đổi quần áo: Thay đổi kích thước và chất liệu quần áo là việc cần thiết đối với những người có làn da nhạy cảm hoặc bị viêm da thần kinh. Hãy ưu tiên mặc quần áo có chất liệu mềm và thoáng khí, rộng rãi thoải mái.
  • Chườm lạnh: Nếu quá ngứa và đau, người bệnh có thể chườm lạnh giúp vùng da bị viêm dịu lại.
  • Trị liệu tâm lý: Trị liệu các vấn đề về tâm lý, kiểm soát lo lắng và căng thẳng, stress sẽ giúp cải thiện tình trạng ngứa ngáy, đau rát da.
  • Quang trị liệu: Quang trị liệu là phương pháp điều trị da bằng cách để vùng da bị viêm dưới ánh sáng có bước sóng, cường độ khác nhau. Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phương pháp này nếu người bệnh không đáp ứng với những phương pháp trị liệu khác.
  • Phẫu thuật lạnh: Sử dụng nhiệt độ cực lạnh để phá hủy các mô da bị tổn thương, hình thành nên vùng da mới.

Điều trị dùng thuốc

  • Thuốc kháng viêm: Các loại thuốc kháng viêm như kem bôi corticoid, tacrolimus, thuốc mỡ,... sẽ được chỉ định để làm giảm các triệu chứng viêm da, ngứa ngáy.
  • Thuốc giảm ngứa: Thuốc giảm ngứa như capsaicin 8% hay histamin H1 sẽ được kê để giúp giảm đau, giảm ngứa. Khi sử dụng người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như buồn ngủ, nóng, rát tại vùng da bôi thuốc.
  • Thuốc chống lo âu: Thích hợp với những người bệnh gặp vấn đề về tâm lý, rối loạn lo âu.
  • Kháng sinh: Các bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh cho bệnh nhân nếu da có dấu hiệu bị nhiễm trùng.
  • Thuốc tiêm: Thuốc tiêm OnabotulinumtoxinA (Botox) sẽ được sử dụng nếu các phương pháp điều trị bằng thuốc khác không thành công.

Quan trọng là người bệnh luôn cần làm mát, giữ ẩm và che chắn, bảo vệ vùng da bị ngứa. Đồng thời, hãy luôn duy trì một tinh thần thoải mái, không căng thẳng để có thể kiểm soát các cơn ngứa một cách hiệu quả.

Viêm da thần kinh là bệnh lý như thế nào?5
Hạn chế gãi và bảo vệ vùng da bị ngứa thật cẩn thận

Bài viết đã cung cấp đến bạn đọc những thông tin chi tiết về bệnh lý viêm da thần kinh. Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu nghi là bệnh viêm da thần kinh, người bệnh tuyệt đối không tự mua thuốc về để điều trị. Việc này không những không làm khỏi bệnh mà có thể khiến cho các mảng ngứa trở nặng hơn. Hãy đến thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa Da liễu càng sớm càng tốt để được hướng dẫn, thực hiện các biện pháp điều trị bệnh phù hợp, đúng cách và an toàn cho sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin