Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm là gì? Nguyên nhân gây viêm và tác động của viêm đối với cơ thể

Ngày 23/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm là gì? Viêm là một tình trạng thường gặp của cơ thể. Nó là quá trình mà cơ thể chiến đấu để chống lại các tác nhân gây hại. Về cơ bản, viêm chính là một phản ứng có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu quá trình viêm kéo dài hoặc tái đi tái lại cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể.

Để hiểu rõ hơn viêm là gì, quá trình viêm bảo vệ cơ thể như thế nào. Và vì sao trong một số trường hợp viêm được xem là phản ứng bất lợi cho cơ thể. Chúng ta hãy cùng tham khảo bài viết sau đây nhé.

Viêm là gì?

Có thể mọi người đã nghe nhiều về tình trạng cơ thể bị viêm, nhưng không phải ai cũng biết định nghĩa của viêm. Vậy viêm là gì? Viêm là phản ứng toàn thân của cơ thể trước một tổn thương cục bộ và phản ứng này có tính chất bảo vệ cơ thể trước những tác nhân gây tổn thương. 

Đây là một quá trình hóa sinh và tế bào xảy ra ở tại mô bị tổn thương, quá trình này sản sinh ra những chất trung gian gọi chung là chất rỉ viêm. Chúng có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm trùng đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi mô và làm lành vết thương. 

Một số tình trạng bệnh lý phản ánh quá trình viêm: Áp xe da, viêm mô tế bào, áp xe gan, viêm gan, viêm ruột thừa…

Các nguyên nhân gây tình trạng viêm

Tất cả các tác nhân gây tổn thương và hủy hoại tế bào tại chỗ đều có khả năng gây viêm tại vị trí mà chúng tác động đến. Tuy nhiên, để có cái nhìn tổng quát, ta có thể chia các tác nhân gây viêm này thành 2 nhóm nguyên nhân chính là nguyên nhân bên ngoài và nguyên nhân bên trong.

Viêm là gì? Nguyên nhân gây viêm và tác động của viêm đối với cơ thể 1
Các nguyên nhân gây ra tình trạng viêm là gì?

Nguyên nhân bên ngoài gây viêm:

  • Nhiễm khuẩn: Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm;
  • Yếu tố vật lý: Dị vật, tia xạ, nhiệt độ, tia UV…;
  • Yếu tố hóa học: Acid, kiềm, một số chất hóa học khác;
  • Yếu tố cơ học: Chấn thương.

Nguyên nhân bên trong gây viêm:

Miễn dịch: Tình trạng dị ứng hay phản ứng quá mẫn của cơ thể với các kháng nguyên lạ như phấn hoa, lông thú, thời tiết, các chất trong thức ăn, thuốc… sẽ sinh ra các sản phẩm có khả năng gây viêm. Bệnh tự miễn cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng viêm do cơ thể tự sinh ra kháng thể kháng lại các tế bào lành ở một số cơ quan trên cơ thể. Một số bệnh tự miễn như: Viêm khớp dạng thấp, viêm tuyến giáp Hashimoto…

Phân loại quá trình viêm

Dựa vào thời gian và tính chất viêm. Quá trình viêm được phân thành 2 loại là quá trình viêm cấp và quá trình viêm mạn.

Quá trình viêm cấp: Là một đáp ứng bảo vệ nhanh và không đặc hiệu đối với tổn thương tế bào do bất kì nguyên nhân nào. Trong viêm cấp, tại ổ viêm có những biến đổi chủ yếu như sau: Có sự xuất hiện của dịch rỉ viêm, rối loạn quá trình chuyển hóa glucid, lipid, protid của tế bào. Xuất hiện những tổn thương tại mô, cơ quan bị tác động. Tuy nhiên, các tế bào nhu mô của cơ quan hoặc mô bị viêm có thể được tái sinh đầy đủ khiến cho cấu trúc và chức năng của cơ quan hoặc mô vẫn được phục hồi.

Quá trình viêm mạn: Khác với viêm cấp, viêm mạn kéo dài 2 tuần hoặc hơn. Thỉnh thoảng viêm mạn theo sau một đáp ứng viêm cấp không thành công. Sự mưng mủ, sự tạo mủ và sự lành vết thương không hoàn toàn có thể là đặc điểm của viêm mạn. Viêm mạn cũng có thể xảy ra ngay từ đầu như một quá trình riêng lẻ không liên quan gì tới viêm cấp. 

Ngoài ra, viêm kéo dài có thể là hậu quả của sự kích thích vật lý kéo dài như bụi, nguyên liệu khâu vết thương. Một số trường hợp viêm mạn được biểu hiện với sự hình thành u hạt. Đây là phản ứng khi cơ thể không thể tiêu diệt vi sinh vật trong suốt đáp ứng viêm cấp, nó sẽ cố gắng ngăn và cô lập ổ nhiễm trùng bằng một bức tường, từ đó hình thành u hạt. U hạt được thành lập trong một số nhiễm trùng với vài vi khuẩn như Listeriosis, Brucellosis… hay phức hợp kháng nguyên kháng thể lớn (viêm khớp dạng thấp).

Những biểu hiện tại chỗ và toàn thân trong quá trình viêm cấp

Biểu hiện tại chỗ

Toàn bộ biểu hiện tại chỗ của viêm cấp được gây ra bởi sự rối loạn vận mạch và sự xuất tiết dịch rỉ viêm. Bao gồm các triệu chứng sau:

  • Sưng: Xuất hiện khi có sự tích tụ nhiều dịch xuất huyết.
  • Nóng và đỏ: Là hậu quả của việc tăng một cách ồ ạt lưu lượng máu đến ổ viêm.
  • Đau: Do sự tích tụ dịch rỉ viêm chèn ép vào các đầu mút thần kinh.
Viêm là gì? Nguyên nhân gây viêm và tác động của viêm đối với cơ thể 2
Sưng, nóng, đỏ, đau là biểu hiện rõ của tình trạng viêm cấp

Biểu hiện toàn thân

Bên cạnh những biểu hiện tại chỗ nêu trên, tình trạng viêm còn có những biểu hiện trên toàn cơ thể. Đây là những dấu hiệu biểu hiện tình trạng nhiễm trùng, bao gồm:

  • Sốt;
  • Môi khô;
  • Lưỡi bẩn.

Ảnh hưởng của phản ứng viêm tới cơ thể như thế nào?

Khi có phản ứng viêm cơ thể cũng sẽ có cảm giác thay đổi ở nhiều cơ quan bộ phận, cụ thể như sau:

  • Thần kinh: Trạng thái thần kinh có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình phát sinh và phát triển của viêm. Trên cơ địa có trạng thái thần kinh ức chế thì phản ứng viêm sẽ yếu hơn cơ địa có trạng thái thần kinh hưng phấn. Ví dụ: Phản ứng viêm ở người già yếu hơn ở người trẻ.
  • Nội tiết: Nội tiết tố cũng ảnh hưởng đến phản ứng viêm nhất là nội tiết tố của tuyến yên và tuyến thượng thận. Aldosteron - nội tiết tố vỏ thượng thận có tác dụng làm tăng tính thấm thành mạch và làm tăng phản ứng viêm. Trong khi đó, cortisol và hydrocortisone có tác dụng ức chế dịch rỉ viêm, kìm hãm sự phóng thích protase và các enzyme gây phân hủy khác, cuối cùng làm chậm quá trình hình thành sẹo.

Phản ứng viêm gây rất nhiều ảnh hưởng cho cơ thể. Viêm nặng và cấp gây đau đớn, chán ăn, mất ngủ, giảm chức năng các cơ quan. Ngoài ra, quá trình viêm còn gây thiếu oxy trong các trường hợp viêm phổi, giảm khả năng chống độc khi xảy ra quá trình viêm các tế bào gan, gây ứ đọng các chất đào thải trong viêm nhu mô thận...

Thêm vào đó, các sản phẩm của ổ viêm giải phóng vào máu gây ra những biến đổi toàn thân như sốt, tăng bạch cầu, nhiễm toan…

Viêm là gì? Nguyên nhân gây viêm và tác động của viêm đối với cơ thể 4
Phản ứng viêm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe

Nguyên tắc xử trí ổ viêm đúng cách

Khi biết được viêm là gì, chúng ta cần biết những cách xử trí ổ viêm sao cho đúng cách và hiệu quả. Viêm là một quá trình diễn tiến có sự bắt đầu và kết thúc. Đặc biệt, đây là một phản ứng mang tính bảo vệ cơ thể. Vì vậy, trong điều trị cần phải xác định rõ lúc nào cần bảo vệ ổ viêm, lúc nào cần xử lý ổ viêm và giải quyết như thế nào là hợp lý, để tiêu diệt nguyên nhân gây viêm và hạn chế tối đa những biến chứng có hại cho cơ thể.

Trong viêm, ưu tiên điều trị nguyên nhân hơn là điều trị triệu chứng. Đa số nguyên nhân gây viêm là do nhiễm vi khuẩn nên kháng sinh sẽ là lựa chọn đầu tay của các bác sĩ trong điều trị các tình trạng viêm. Đồng thời, để giúp cơ thể dễ chịu hơn với các triệu chứng toàn thân của viêm điển hình là sốt. Thì thuốc hạ sốt cũng được sử dụng. Thuốc kháng viêm sẽ làm ức chế diễn tiến tự nhiên của quá trình viêm gây khó khăn trong việc theo dõi bệnh. Vì vậy, thuốc kháng viêm chỉ được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp viêm gây rối loạn chức năng cơ quan.

Một số trường hợp, có những ổ viêm không thể điều trị bằng thuốc đơn thuần mà phải tiến hành những thủ thuật hay phẫu thuật để can thiệp. Ví dụ: Áp xe, viêm ruột thừa...

Nâng đỡ tổng trạng bằng vitamin, chất đạm cũng rất cần thiết. Góp phần nhanh chóng đưa quá trình viêm đến đoạn kết và đặc biệt là hỗ trợ sự lành vết thương diễn ra tốt hơn.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn trả lời được câu hỏi viêm là gì. Đồng thời mang đến cho bạn một số kiến thức bổ ích liên quan đến quá trình viêm của cơ thể. Cảm ơn bạn đã dành thời gian tham khảo bài viết và hẹn gặp lại ở những bài viết khác nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm