Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng AHDH (Rối loạn tăng động giảm chú ý) là gì ? Các triệu chứng và nguyên tắc điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần liên quan đến hành vi của con người thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện chính của ADHD bao gồm: Giảm chú ý, tăng động - bốc đồng. Các triệu chứng có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng. Đôi khi còn tiếp tục đến tuổi trưởng thành. Điều trị chính ADHD ở trẻ em bao gồm thuốc, liệu pháp hành vi, tư vấn và giáo dục. Những phương pháp điều trị này có thể làm giảm nhiều triệu chứng của ADHD nhưng không chữa khỏi bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn tăng động giảm chú ý là gì? 

Rối loạn tăng động giảm chú ý (Hội chứng ADHD) là một tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần liên quan đến hành vi của con người thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện chính của ADHD bao gồm giảm chú ý, tăng động - bốc đồng. Các triệu chứng có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng. Đôi khi còn tiếp tục đến tuổi trưởng thành. Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán khi trẻ từ 3 đến 7 tuổi.

Trong một số trường hợp, ADHD không được nhận biết hoặc chẩn đoán cho đến khi người đó trưởng thành. Các triệu chứng ADHD ở người lớn có thể không rõ ràng như các triệu chứng ADHD ở trẻ em.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý

Các triệu chứng của ADHD thường xuất hiện trước 12 tuổi. 

Các đặc điểm chính của ADHD bao gồm: 

  • Không chú ý.

  • Hiếu động - bốc đồng.

Từ đây, ADHD được chia thành 3 nhóm:

  • Giảm chú ý: Phần lớn triệu chứng rơi vào tình trạng giảm mức độ chú ý;

  • Tăng động/ bốc đồng: Phần lớn triệu chứng rơi vào tình trạng tăng động/bốc đồng;

  • Kết hợp: Kết hợp giữa 2 triệu chứng của giảm chú ý và tăng động/bốc đồng. 

Giảm chú ý có thể biểu hiện qua: 

  • Dễ phân tâm;

  • Dễ phạm lỗi bất cẩn như quên làm bài tập, mất đồ;

  • Không thể tập trung làm 1 công việc tẻ nhạt hoặc tốn thời gian;

  • Không thể nghe hoặc thực hiện theo lời hướng dẫn;

  • Liên tục thay đổi các hành động, công việc;

  • Khó khăn trong thực hiện những công việc có tổ chức.

Tăng động có thể biểu hiện qua: 

  • Không thể ngồi yên, đặc biệt như ở những nơi yên tĩnh;

  • Liên tục bồn chồn;

  • Vận động thể chất quá mức;

  • Không thể đợi đến lượt của mình;

  • Thường xuyên ngắt lời, làm gián đoạn cuộc nói chuyện;

  • Hành động mà không suy nghĩ;

  • Thường không có hoặc ít có cảm giác với những hành động nguy hiểm.

Tác động của rối loạn tăng động giảm chú ý đối với sức khỏe

ADHD có thể gây ảnh hưởng cho cuộc sống của trẻ em như: 

  • Thường gặp khó khăn trong lớp học, điều này có thể dẫn đến thất bại trong học tập và bị các trẻ khác hoặc người lớn khác đánh giá kém;

  • Có xu hướng gặp nhiều tai nạn và thương tích hơn các trẻ không bị ADHD;

  • Có xu hướng thiếu tự trọng;

  • Có khả năng gặp khó khăn khi giao tiếp, ít hoà đồng với bạn cùng trang lứa và người lớn;

  • Có nhiều nguy cơ lạm dụng rượu, ma túy và các hành vi phạm pháp khác.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tăng động, giảm chú ý 

Hiện tại nguyên nhân chính xác của ADHD chưa rõ ràng và còn đang được nghiên cứu thêm. Các yếu tố có thể liên quan đến sự phát triển của ADHD bao gồm di truyền, môi trường hoặc các vấn đề với hệ thần kinh trung ương tại những thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn tăng động, giảm chú ý?

ADHD xảy ra ở nam thường xuyên hơn ở nữ và các hành vi có thể khác nhau ở trẻ trai và trẻ gái. Ví dụ, các bé trai có thể hiếu động hơn trong khi các bé gái thường có triệu chứng giảm chú ý, ít có biểu hiện các hành vi gây rối/tăng động khiến cho các triệu chứng ADHD không rõ ràng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn tăng động,giảm chú ý

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, bao gồm:

  • Có quan hệ huyết thống với người mắc chứng ADHD hoặc rối loạn sức khỏe tâm thần khác;

  • Tiếp xúc với các chất độc từ môi trường; 

  • Mẹ sử dụng ma túy, sử dụng rượu hoặc hút thuốc trong khi mang thai;

  • Sinh non.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý

Chẩn đoán ADHD không có xét nghiệm cụ thể, nhưng sẽ có thể bao gồm:

  • Khám lâm sàng có thể giúp loại trừ các nguyên nhân khác; 

  • Khai thác bệnh sử, tiền căn bản thân, gia đình và quá trình học tập;

  • Phỏng vấn hoặc sử dụng bảng câu hỏi cho các thành viên trong gia đình, giáo viên của trẻ hoặc những người khác hiểu rõ về trẻ, chẳng hạn như người chăm sóc, người trông trẻ và huấn luyện viên;

  • Sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán ADHD từ DSM-5, được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ;

  • Thang đánh giá ADHD để giúp thu thập và đánh giá thông tin của trẻ.

Lưu ý: Mặc dù ADHD đôi khi có thể xuất hiện ở trẻ mẫu giáo hoặc thậm chí trẻ nhỏ hơn nhưng việc chẩn đoán rối loạn ở trẻ rất nhỏ là khó. Do các vấn đề về phát triển như chậm phát triển ngôn ngữ có thể bị nhầm với ADHD nên trẻ cần được đánh giá bởi một chuyên gia.

Phương pháp điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý hiệu quả

Phương pháp điều trị ADHD ở trẻ em bao gồm thuốc, liệu pháp hành vi, tư vấn và giáo dục. Những phương pháp điều trị này có thể làm giảm nhiều triệu chứng của ADHD nhưng chúng không chữa khỏi bệnh. Có thể mất một khoảng thời gian để xác định điều trị nào là phù hợp nhất với trẻ.

Thuốc

Nhóm thuốc kích thích có tác dụng tăng và cân bằng các chất dẫn truyền trong não. Tiêu biểu là methylphenidate, một loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất cho ADHD. Nó giúp tăng cường hoạt động trong não, đặc biệt là ở những khu vực đóng vai trò kiểm soát sự chú ý và hành vi.

Lisdexamfetamine, Dexamfetamine: Giúp cải thiện khả năng tập trung, giúp tập trung chú ý và giảm hành vi bốc đồng.

Nhóm thuốc khác như: Atomoxetine,thuốc chống trầm cảm như bupropion, guanfacine.

Mỗi đứa trẻ có đáp ứng khác nhau với thuốc và có thể có các tác dụng phụ như giảm cảm giác thèm ăn hoặc khó ngủ. Chính vì vậy, cần cá nhân hoá điều trị và điều chỉnh liều để phù hợp với trẻ. Những loại thuốc này không phải là cách chữa vĩnh viễn cho ADHD nhưng có thể giúp những trẻ mắc chứng bệnh này tập trung tốt hơn, ít bốc đồng hơn, cảm thấy bình tĩnh hơn, giúp trẻ có thể học hỏi và thực hành các kỹ năng mới.

Lưu ý luôn báo cho bác sĩ điều trị bất kỳ tác dụng phụ nào và thảo luận với bác sĩ nếu cảm thấy cần ngừng hoặc thay đổi phương pháp điều trị. 

Liệu pháp hành vi

Liệu pháp này hỗ trợ cho người chăm sóc trẻ ADHD và có thể liên quan đến giáo viên cũng như cha mẹ. Liệu pháp hành vi thường bao gồm việc quản lý hành vi như sử dụng phần thưởng để khuyến khích trẻ cố gắng kiểm soát hành vi của mình. 

Nếu trẻ bị ADHD, bạn cần xác định các loại hành vi mà bạn muốn khuyến khích, chẳng hạn như ngồi vào bàn ăn. Sau đó, trẻ sẽ được trao một số phần thưởng nhỏ cho hành vi tốt.

Đối với giáo viên, quản lý hành vi liên quan đến việc học cách lập kế hoạch và cấu trúc các hoạt động, đồng thời khen ngợi và khuyến khích trẻ tiến bộ dù chỉ là rất nhỏ. 

Ngoài ra việc bổ sung các kỹ năng xã hội như cho trẻ tham gia vào các tình huống đóng vai để nhằm dạy chúng cách cư xử thông qua việc phân tích hành vi của trẻ ảnh hưởng người khác như thế nào.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn tăng động, giảm chú ý

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hiệu quả

Mặc dù không có cách nào để ngăn ngừa ADHD nhưng có nhiều cách để giúp tất cả trẻ em cảm thấy và nỗ lực hết mình ở nhà và ở trường: 

  • Tạo một thói quen: Cố gắng làm theo cùng một lịch trình mỗi ngày, từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ.

  • Làm việc có tổ chức: Khuyến khích trẻ cất cặp sách, quần áo và đồ chơi vào cùng một chỗ mỗi ngày để chúng ít bị mất.

  • Quản lý các yếu tố gây sao lãng: Tắt TV, hạn chế tiếng ồn và tạo không gian làm việc sạch sẽ khi trẻ đang làm bài. Một số trẻ ADHD học tốt nếu chúng đang di chuyển hoặc nghe nhạc nền. Quan sát trẻ và để tìm cách hiệu quả.

  • Hãy nói chuyện với trẻ một cách rõ ràng và cụ thể: Sử dụng chỉ dẫn rõ ràng, ngắn gọn khi muốn trẻ làm điều gì đó.

  • Giúp trẻ lập kế hoạch: Chia nhỏ các công việc phức tạp thành các bước đơn giản hơn, ngắn hơn. Đối với các nhiệm vụ dài, bắt đầu sớm và nghỉ giải lao có thể giúp hạn chế căng thẳng.

  • Sử dụng mục tiêu và lời khen ngợi hoặc phần thưởng khác.

  • Kỷ luật một cách hiệu quả. 

  • Có lối sống lành mạnh: Sử dụng thực phẩm giàu dinh dưỡng, tập thể dục thể thao và ngủ đủ giấc.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.cdc.gov/ncbddd/adhd/treatment.html
  2. https://www.nhs.uk/conditions/attention-deficit-hyperactivity-disorder-adhd/symptoms/
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/adhd/diagnosis-treatment/drc-20350895

Các bệnh liên quan

  1. Rối loạn nhân cách né tránh

  2. Down

  3. Rối loạn phân ly

  4. Rối loạn trầm cảm dai dẳng

  5. Rối loạn lo âu lan tỏa

  6. Ái kỷ

  7. Rối loạn dạng cơ thể

  8. Hội chứng Synesthesia

  9. Nói lắp

  10. Thị dâm