Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những dấu hiệu thiếu sắt nào có thể nhận biết sớm?

Ngày 26/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sắt là một loại khoáng chất đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình tạo máu. Do đó, thiếu sắt có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu, từ đó có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Theo các bác sĩ, một số dấu hiệu thiếu sắt có thể được nhận biết bằng mắt thường và việc nắm bắt được những dấu hiệu này sẽ giúp bạn bổ sung thêm sắt một cách chủ động.

Như đã đề cập, sắt là một khoáng chất rất quan trọng trong quá trình tạo máu. Thiếu sắt gây bệnh gì? Đây là một tình trạng bệnh lý khá phổ biến và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Do đó, bạn cần nắm được các dấu hiệu thiếu sắt cơ bản để có phương pháp bổ sung sắt đúng và đủ.

Tại sao cần chú ý tình trạng thiếu sắt?

Trước khi chính thức tìm hiểu về những dấu hiệu thiếu sắt, Nhà thuốc Long Châu sẽ lý giải nguyên nhân tại sao sắt lại là khoáng chất có vai trò cực kỳ quan trọng với cơ thể con người.

Về cơ bản, sắt là một trong những yếu tố cấu tạo nên hemoglobin hay còn được gọi là “huyết sắc tố”. Sắt đóng vai trò giúp cho oxy được lưu thông đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Những dấu hiệu thiếu sắt nào có thể nhận biết tình trạng sớm? 1
Sắt là yếu tố cấu tạo nên huyết sắc tố

Hơn nữa, thiếu sắt thì lượng hồng cầu trong máu và các mô, cơ sẽ không thể hoạt động hiệu quả được bởi lượng oxy nhận được lúc bấy giờ không đủ. Một số đối tượng thường dễ gặp phải tình trạng thiếu sắt có thể kể đến như:

  • Phụ nữ đang mang thai, trẻ em và người lớn tuổi;
  • Người bị mất máu tình trạng nặng hoặc bị xuất huyết bên trong;
  • Người mắc bệnh viêm ruột;
  • Người đang thực hiện chế độ ăn kiêng quá mức hay chế độ dinh dưỡng bất hợp lý.

Những dấu hiệu thiếu sắt không nên bỏ qua

Ở mỗi độ tuổi, mỗi tình trạng sức khỏe khác nhau, dấu hiệu thiếu sắt cũng sẽ có những khác biểu hiện khác biệt. Tuy nhiên, nhìn chung, dấu hiệu thiếu sắt có thể được nhận biết thông qua:

Xuất hiện những dấu hiệu bất thường ở móng tay, móng chân, tóc

Khi cơ thể thiếu sắt, móng tay, móng chân có xu hướng giòn và dễ gãy hơn, đồng thời móng cũng dễ bị nứt hay tách lớp. Còn đối với tóc, tóc sẽ khô, rụng nhiều hơn, dễ gãy rụng và xơ xác hơn nếu bạn thiếu sắt.

Những dấu hiệu thiếu sắt nào có thể nhận biết tình trạng sớm? 2
Móng tay giòn, dễ gãy là một trong những dấu hiệu thiếu sắt dễ nhận biết nhất

Màu da

Người thiếu sắt thường sẽ có làn da xanh xao, nhợt nhạt hay tái đi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khi thiếu sắt, cơ thể sẽ không thể tạo ra đủ lượng huyết sắc tố - huyết sắc tố có màu đỏ - nên da khó có thể hồng hào, khỏe mạnh như bình thường.

Những bộ phận có thể dễ dàng nhận thấy dấu hiệu này có thể kể đến như: Gương mặt, môi, nướu và móng tay.

Nhịp tim, nhịp thở

Như đã đề cập, khi cơ thể thiếu sắt, nhiều bộ phận khác nhau cũng không thể nhận được đủ lượng oxy cần thiết để phục vụ cho các hoạt động. Do đó, thậm chí khi thực hiện những hoạt động bình thường, đơn giản nhất như đi bộ hay leo cầu thang, bạn cũng có thể dễ dàng cảm thấy khó thở.

Điều này xảy ra do cơ bắp không thể nhận đủ lượng oxy nên bắt buộc cơ thể phải điều chỉnh, thúc đẩy nhịp thở trở nên dồn dập hơn để đẩy oxy đến các bộ phận và cơ quan khác nhau. Nếu để hiện tượng này kéo dài có thể dẫn đến suy tim, suy phổi hay to tim…

Xuất hiện nhiều những cơn đau đầu, mệt mỏi

Những dấu hiệu điển hình, thường gặp của tình trạng thiếu sắt có thể kể đến như: Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt và mệt mỏi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được lý giải là do não bộ không nhận đủ được lượng oxy nên đã làm tăng áp lực lên mạch máu, gây nên tình trạng đau đầu. Cùng với đó, vì thiếu oxy, các bộ phận khác trên cơ thể cũng trở nên mệt mỏi.

Những dấu hiệu thiếu sắt nào có thể nhận biết tình trạng sớm? 3
Thiếu sắt có thể dẫn đến tình trạng đau đầu, mệt mỏi thường xuyên

Xảy ra bất thường ở miệng, chân

Khi nhìn vào khoang miệng, nếu lưỡi bị nhạt màu hay bị sưng, viêm thì đây có thể là dấu hiệu thiếu sắt. Đồng thời, miệng cũng sẽ thường bị khô, môi khô và nứt nẻ hơn, đặc biệt ở vùng khóe miệng.

Thiếu sắt cũng sẽ khiến cho cơ thể dễ lâm vào trạng thái bồn chồn, đứng ngồi không yên - khoa học còn gọi là hội chứng chân bồn chồn. Hội chứng này sẽ được nhận biết rõ ràng hơn vào ban đêm, khi cơ thể nghỉ ngơi. Lúc này, chân có xu hướng ngứa ngáy, khó chịu và khiến cho người bệnh khó đi vào giấc ngủ.

Tỷ lệ người thiếu sắt gặp phải hiện tượng bất thường ở chân và miệng lên đến 25% và các triệu chứng này cũng sẽ trở nặng dần theo mức độ thiếu sắt.

Một số dấu hiệu khác

Bên cạnh những dấu hiệu thường gặp kể trên, cơ thể bạn cũng có thể gặp phải những dấu hiệu thiếu sắt khác như:

  • Tay chân lạnh: Do thiếu oxy đến các chi.
  • Dễ bị nhiễm trùng: Sắt đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của hệ miễn dịch. Do đó, khi thiếu sắt, khả năng miễn dịch cũng sẽ kém hơn, khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn.
  • Thèm các món ăn lạ: Thiếu sắt có thể khiến cơ thể thèm ăn đá hoặc một số món lạ khác.

Cách phòng ngừa thiếu sắt

Cơ thể thiếu sắt trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe. Do đó, việc phòng ngừa thiếu sắt là điều vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, để xác định một cách chính xác là cơ thể có thực sự đang thiếu sắt hay không, bạn cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để có thể được đánh giá mức độ, cũng như chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Nếu thiếu sắt ở mức độ nhẹ, bạn có thể chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn hàng ngày, đồng thời kết hợp uống viên sắt bổ sung. Một số loại thực phẩm giàu sắt mà bạn nên ưu tiên có thể kể đến như:

  • Các loại thịt đỏ: Thịt bò, thịt lợn, thịt cừu và gan;
  • Động vật có vỏ: Cua đồng, ốc, trai, sò…;
  • Các loại rau có màu xanh đậm: Rau bina, rau bí…
Những dấu hiệu thiếu sắt nào có thể nhận biết tình trạng sớm? 4
Các loại thịt đỏ chứa hàm lượng sắt lớn

Thông thường, các mẹ bầu thường có nguy cơ thiếu sắt cao, mẹ có thể bổ sung viên sắt, axit folic để vừa đảm bảo đủ sắt cho mẹ cũng như tạo điều kiện thuận lợi để con phát triển khỏe mạnh.

Trường hợp thiếu sắt nặng dẫn đến thiếu máu, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định truyền máu để nhanh chóng khắc phục và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.

Thời điểm tối ưu để bổ sung sắt cho cơ thể là trước bữa ăn sáng. Lúc này, sắt sẽ được hấp thụ tốt nhất khi uống cùng các loại thức uống giàu vitamin C như nước cam. Ngược lại, nếu uống sắt cùng canxi hay các loại đồ uống khác như cà phê, trà, có thể khiến sắt bị giảm tác dụng hoặc khó hấp thụ.

Có thể thấy, sắt là khoáng chất vô cùng cần thiết với cơ thể cho mọi hoạt động hàng ngày. Chính vì vậy, khi xuất hiện các dấu hiệu thiếu sắt, bạn cần nhanh chóng đi kiểm tra để được bác sĩ chỉ định bổ sung sắt kịp thời, phù hợp.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm