Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

25 chỉ số xét nghiệm sinh hóa phổ biến dùng trong xét nghiệm chẩn đoán

Ngày 15/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Các chỉ số xét nghiệm sinh hóa đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chữa trị cho các bệnh nhân. Các xét nghiệm sinh hóa thường được chỉ định khi bệnh nhân thăm khám nhằm hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán, điều trị cũng như theo dõi kết quả của quá trình điều trị. 

Xét nghiệm sinh hóa là một quá trình phân tích và đánh giá các thành phần hóa học của cơ thể để hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của người bệnh. Mẫu bệnh phẩm có thể được thu thập mẫu từ nhiều nguồn khác nhau, có thể là máu, nước tiểu hoặc là dịch cơ thể, tùy thuộc vào mục đích cụ thể của xét nghiệm.

Xét nghiệm sinh hóa thông thường được sử dụng để chẩn đoán các bệnh lý, theo dõi sự tiến triển của bệnh và đánh giá hiệu quả của liệu pháp điều trị. Bác sĩ sử dụng kết quả để đưa ra dự đoán về sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và điều chỉnh phác đồ điều trị nếu cần thiết, phù hợp với tình trạng bệnh nhân lúc đó.

Dưới đây là 25 chỉ số xét nghiệm sinh hóa thường được chỉ định khi thăm khám cho bệnh nhân.

Xét nghiệm creatinin máu - 1 trong 25 chỉ số xét nghiệm sinh hóa

Thường sử dụng trong chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến thận, bệnh lý liên quan đến cơ, kiểm tra và đánh giá chức năng thận, mức độ suy thận, theo dõi chức năng thận được ghép, theo dõi nồng độ thuốc, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ngưỡng giá trị bình thường của creatinin máu có thể thay đổi theo giới tính, với khoảng giá trị từ 53 đến 100 mmol/l cho phụ nữ và từ 62 đến 120 mmol/dl cho nam giới. 

Tăng creatinin máu thường là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm suy thận cấp tính, suy thận mạn tính, bí tiểu, và các bệnh lý như cường giáp. Ngược lại, creatinin máu có thể giảm ở phụ nữ mang thai, người sử dụng các loại thuốc nhất định, hoặc những người mắc các bệnh lý liên quan đến cơ như teo cơ cấp hoặc mãn tính.

25 chỉ số xét nghiệm sinh hóa phổ biến dùng trong xét nghiệm chẩn đoán 2
Xét nghiệm creatinin máu là 1 trong 25 chỉ số xét nghiệm sinh hóa

Xét nghiệm ure máu

Ure máu thường được chỉ định khi bác sĩ muốn kiểm tra các vấn đề bệnh lý tại thận, kiểm tra chức năng thận trước khi phẫu thuật hoặc kiểm tra sức khỏe định kỳ,... Giá trị ure bình thường khoảng 2,5 đến 7,5 mmol/l. Ure thường tăng khi bệnh nhân bị suy thận, vô niệu, thiểu niệu hay tắc nghẽn đường niệu,... và giảm khi bệnh nhân bị suy gan, chế độ ăn nghèo nàn ít protein, khi bệnh nhân truyền quá nhiều dịch,...

Xét nghiệm đường huyết

Khi nghi ngờ bệnh nhân bị tiểu đường trước phẫu thuật, đánh giá hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường hoặc kiểm tra sức khỏe định kỳ thì bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm đường huyết. Giá trị đường huyết bình thường nằm trong khoảng 3,9 đến 6,4 mmol/l. Bệnh nhân tiểu đường, cường giáp, cường tuyến yên, bị bệnh gan, có tình trạng giảm kali máu hay đang điều trị với corticosteroid thường có đường máu tăng cao. 

Đường huyết giảm khi hạ đường do chế độ ăn, quá liều thuốc hạ đường huyết, bệnh nhân bị suy thượng thận, suy giáp, suy nhược chức năng tuyến yên, bệnh nhân nghiện rượu,... Mẫu máu xét nghiệm sinh hóa thường lấy vào buổi sáng, lúc đói.

Xét nghiệm HbA1c

Bên cạnh xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm HbA1c là một xét nghiệm thường được chỉ định ở bệnh nhân tiểu đường. Chỉ số HbA1c thường dùng để theo dõi điều trị tiểu đường, do chỉ số này phản ánh tình trạng đường trong máu trong vòng 3 tháng trước khi xét nghiệm. Giá trị HbA1c bình thường là từ 4 đến 6%. 

Bệnh nhân tiểu đường khó hay chưa kiểm soát có chỉ số này trên ngưỡng. Ngoài ra, trong một vài trường hợp HbA1c có thể tăng giả tạo như khi ure máu cao hay mắc thalassemia. HbA1c giảm giả tạo khi thiếu máu, huyết tán, mất máu.

Xét nghiệm Acid uric máu

Acid uric máu là 1 trong 25 chỉ số xét nghiệm sinh hóa phổ biến và thường dùng trong chẩn đoán bệnh thận, bệnh về khớp, chẩn đoán và theo dõi việc điều trị bệnh Gout. Chỉ số này khác nhau ở mỗi giới, 180 đến 420 mmol/l ở nam và 150 đến 360 mmol/l ở nữ. Bệnh lý gây tăng acid uric máu được mọi người biết nhiều là bệnh Gout. Ngoài ra, acid uric còn tăng khi mắc leucemie, đa hồng cầu, ung thư, vảy nến, bạch cầu đơn nhân tăng,... và giảm ở phụ nữ mang thai, mắc bệnh wilson (một rối loạn dinh dưỡng liên quan đến đồng) hay mắc hội chứng Fanconi.

Xét nghiệm ALT

Xét nghiệm ALT hay xét nghiệm SGOT - men xúc tác phản ứng thường liên quan đến gan. Chỉ số này cho biết tình trạng của tế bào gan, tế bào cơ tim. Xét nghiệm được chỉ định khi bệnh nhân có các triệu chứng liên quan đến gan như viêm gan. Bệnh nhân nhồi máu cơ tim, viêm cơ, tai biến mạch máu não cũng có thể được thực hiện xét nghiệm ALT. ALT bình thường bé hơn 40 U/l. Nó tăng cao khi bệnh nhân có tình trạng viêm gan cấp do virus, viêm gan cấp do thuốc, viêm gan do rượu, nhồi máu cơ tim, tan máu và đặc biệt khi có quá nhiều tế bào hồng cầu bị vỡ, ALT tăng rất cao.

Xét nghiệm AST

Bên cạnh ALT, AST cũng là chỉ số xét nghiệm đánh giá tình trạng của gan. Xét nghiệm AST còn gọi là SGPT. AST thường được chỉ định xét nghiệm chung với ALT. Ngưỡng bình thường của AST là dưới 40 U/l. Khi chỉ số AST tăng cao hơn nhiều so với ALT thì tức là gan đang bị tổn thương nông, ở vùng tế bào chất thường là khi tổn thương cấp tính. Khi ALT tăng cao hơn AST thì tức là tế bào gan đã bị tổn thương sâu vào bên trong.

Xét nghiệm GGT

GGT là Gama glutamyl Transferase, thường được chỉ định trong chẩn đoán bệnh lý liên quan đến gan mật. Ở nam, giá trị bình thường là ≤ 45 U/l còn ở nữ là ≤ 30 U/l. GGT tăng ở người nghiện rượu hay viêm gan do rượu, bệnh nhân ung thư lan tỏa, bệnh nhân xơ gan, tắc mật, viêm tụy,...

Xét nghiệm phosphatase kiềm

Xét nghiệm phosphatase kiềm hay gọi đơn giản là xét nghiệm ALP được chỉ định trong bệnh lý gan mật, bệnh về xương. ALP bình thường giao động trong khoảng 90 đến 280 U/l. ALP tăng rất cao khi bị tắc mật hay ung thư lan tỏa. Trong bệnh lý về xương như viêm xương, viêm xương biến dạng, ung thư xương, nhuyễn xương, còi xương hay bệnh lý gan vàng da tắc mật, viêm gan ALP cũng sẽ tăng. ALP giảm khi bị thiếu máu ác tính, suy cận giáp, uống thuốc điều trị mỡ máu, cơ thể thiếu vitamin C,...

25 chỉ số xét nghiệm sinh hóa phổ biến dùng trong xét nghiệm chẩn đoán 3
Các chỉ số xét nghiệm chức năng gan

Xét nghiệm bilirubin

Bilirubin được chỉ định ở các bệnh lý vàng da do bệnh gan mật, bệnh tụy, bệnh tan máu,... Ở người bình thường, Bilirubin toàn phần ≤ 17 mmol/l, bilirubin trực tiếp ≤ 4,3 mmol/l và bilirubin gián tiếp ≤ 12,7 mmol/l. Bilirubin toàn phần tăng khi bị vàng da do nguyên nhân xảy ra trước, trong và sau gan như tan máu, viêm gan, sỏi ống mật,... Giá trị trực tiếp tưng khi bị tắc mật, viêm gan cấp tính,... Giá trị gián tiếp tăng khi bị tan máu bẩm sinh, vàng da sinh lý - thường gặp ở trẻ sơ sinh,...

Xét nghiệm protein toàn phần

Khi nghi ngờ bệnh nhân đa u tủy xương, bệnh lý tại gan, bệnh thận (thận hư, viêm cầu thận,..), suy kiệt hoặc khi cần kiểm tra sức khỏe định kỳ thì sẽ xét nghiệm protein toàn phần. Ngưỡng bình thường của protein toàn phần là 65 đến 82 g/l. Người bị u đa tủy, thiểu năng vỏ thương thận, sốt kéo dài, tiêu chảy nặng, nôn mửa nhiều sẽ có giá trị protein toàn phần cao. Ngược lại, protein toàn phần giảm khi bị thận hư, xơ gan, suy dinh dưỡng,...

Xét nghiệm albumin máu

Albumin máu bình thường từ 33 đến 55 g/l. Thường được chỉ định khi cần chẩn đoán đa u tủy xương, xơ gan, bệnh lý thận, suy kiệt,... Albumin thường tăng khi bị shock, mất nước và giảm khi xơ gan, suy dinh dưỡng, thận hư, đa u tủy.

Xét nghiệm Cholesterol

Cholesterol toàn phần dùng trong chẩn đoán bệnh mỡ máu, xơ vữa động mạch, bệnh tăng huyết áp, thận hư và kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những đối tượng trên 40 tuổi hoặc bị béo phì. Cholesterol toàn phần ở người bình thường là 3,9 đến 5,2 mmol/l. Tăng khi bị mỡ máu, hội chứng thận hư, xơ vữa mạch máu, vàng da tắc mật,... và giảm khi người đó có khả năng hấp thu kém, suy kiệt, biếng ăn hay ở bệnh nhân ung thư.

Xét nghiệm triglyceride

Triglyceride là một chỉ số trong dùng trong xét nghiệm rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, thận hư, viêm tụy, kiểm tra sức khỏe ở những đối tượng có nguy cơ. Ngưỡng bình thường của triglyceride là 0,5 đến 2,29 mmol/l. Người bị mỡ máu, xơ vữa động mạch, béo phì, ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ, đái tháo đường sẽ có chỉ số này tăng. Người xơ gan, biếng ăn, suy kiệt, khả năng hấp thu chất dinh dưỡng kém có triglycerid giảm.

Xét nghiệm HDL-C

HDL-C còn được gọi là cholesterol tốt. Khi HDL-C trong có thể tăng tức là người đó ít có nguy cơ bị mỡ máu và xơ vữa động mạch. Khi HDL-C giảm, nguy cơ này tăng lên, đặc biệt cần chú ý ở những đối tượng rối loạn lipid máu, có bệnh tăng huyết áp, có tiền sử xơ vữa động mạch,... Giá trị bình thường của HDL-C là từ 0,9 mmol/l. Tỉ số giữa cholesterol toàn phần và HDL-C < 4 thì được xem là tốt, nếu tỉ số này càng cao thì nguy cơ xơ vữa càng lớn.

Xét nghiệm LDL-C

LDL-C là tác nhân gây mỡ má và xơ vữa mạch máu. Khi chỉ số này cao, nguy cơ xơ vữa càng lớn. Người bị mỡ máu, xơ vữa động mạch, béo phì sẽ có LDL-C tăng. LDL-C giảm khi xơ gan, hấp thu kém, cường giáp, người bị suy kiệt. LDL-C bình thường khi ≤ 3,4 mmol/l.

25 chỉ số xét nghiệm sinh hóa phổ biến dùng trong xét nghiệm chẩn đoán 4
LDL là nguyên nhân gây xơ vữa mạch máu

Xét nghiệm sắt

Xét nghiệm sắt thường chỉ định trong trường hợp nghi ngờ bệnh nhân thiếu máu, mất máu do các vấn đề như trĩ, giun móc, có thai, nhiễm độc. Giá trị sắt bình thường là 11 đến 27 mmol/l ở nam và 7 đến 26 mmol/l ở nữ. Khi sắt vượt qua ngưỡng trên, có thể sự tan máu, xơ tủy, rối loạn sinh tủy, xơ gan, nhiễm độc sắt đã xảy ra. 

Ngoài ra, sắt có thể tăng ở người truyền máu nhiều lần. Sắt giảm khi bị thiếu máu do nguyên nhân thiếu sắt, bị chảy máu kéo dài, sự hấp thu sắt giảm do cắt dạ dày hay một đoạn của ruột, ăn kiêng,...

Xét nghiệm Ferritin

Xét nghiệm Ferritin giúp đánh giá tình trạng dự trữ sắt của cơ thể. Khi Ferritin giảm tức là đã có xảy ra một trong các vấn đề như thiếu máu thiếu sắt, bệnh lý mãn tính, viêm đa khớp, rong kinh, trị, loét dạ dày - đường tiêu hóa, chảy máu dạ dày, rối loạn sự hấp thụ sắt do cắt dạ dày, viêm ruột non,...

Ferritin tăng cao khi bị suy tủy, rối loạn sinh tủy, nhiễm trùng, truyền khối hồng cầu nhiều lần, tan máu. Ferritin khác nhau ở mỗi giới và ở phụ nữ thuộc các giai đoạn độ tuổi. Với nam và phụ nữ đã mãn kinh, Ferritin bình thường từ 16,4 đến 323 ng/ml, phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ là 6,9 đến 282 ng/l.

Xét nghiệm Transferrin

Cùng với sắt, transferrin cho biết nhu cầu sắt của cơ thể. Giá trị tham chiếu transferrin là 2.0 đến 3,6 g/l. Khi có phản ứng viêm do một bệnh lý ác tính, cả nồng độ sắt và transferrin đều giảm. Nếu sắt giảm và transferrin tăng thì là do thiếu sắt.

Xét nghiệm Creatinin - Kinase

Xét nghiệm Creatinin Kinase - CK dùng trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, bệnh lý tại cơ. CK bình thường là ≤ 2000U/l. Cao khi bị viêm cơ tim, chấn thương cơ, nhồi máu cơ tim và giảm ở người teo cơ.

Xét nghiệm CK - MB

Xét nghiệm CK - MB là xét nghiệm CK tuýp tim - Muscle Brain, thường dùng trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim, tổn thương cơ tim với giá trị bình thường của Ck - MB ≤ 2 U/l

Xét nghiệm LDH

Chỉ định LDH trong các bệnh lý ung thư máu, đa u tủy, ung thư dạ dày, ung thư gan, tan máu, nhồi máu cơ tim. Giá trị tham chiếu 230 đến 460 U/l.

Xét nghiệm CRP

Xét nghiệm CRP có ý nghĩa trong việc chẩn đoán bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, tổn thương tế bào,... Ngoài ra, CRP còn giúp tiên lượng bệnh và đánh giá hiệu quả điều trị, đặc biệt là với kháng sinh. Giá trị CRP bình thường < 7 mg/l.

25 chỉ số xét nghiệm sinh hóa phổ biến dùng trong xét nghiệm chẩn đoán 5
CRP giúp hỗ trợ chẩn đoán trong nhiễm trùng

Xét nghiệm amylase

Amylase dùng trong chẩn đoán bệnh viêm tụy cấp, ung thư tụy, bệnh quai bị, viêm tuyến nước bọt,... Amylase trên ngưỡng tham chiếu có giá trị trong việc chẩn đoán các bệnh lý vừa nêu. Amylase giảm ít gặp hơn, thường do ung thư tụy hoặc sỏi tụy. Giá trị tham chiếu ≤ 220 U/l.

Xét nghiệm Canxi toàn phần

Dùng trong chẩn đoán còi xương, loãng xương, đa u tủy, cường giáp,... với ngưỡng tham chiếu 2,2 đến 2,7 mmol/l. Canxi toàn phần giảm khi thiếu vitamin D, còi xương, suy giáp, suy thận và răng khi đa u tủy, cường giáp, bệnh Paget,...

Trên đây là thông tin về 25 chỉ số xét nghiệm sinh hóa được chỉ định thường xuyên nhất bởi các bác sĩ trên lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh. Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin mà bạn cần. 

Xem thêm: Quy trình xét nghiệm nhiễm sắc thể như thế nào?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm