Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Bé bị ho sổ mũi thở khò khè: Cách nhận biết, nguyên nhân và hướng xử trí

Ngày 16/06/2023
Kích thước chữ

Bé bị ho sổ mũi thở khò khè là những dấu hiệu bất thường về đường hô hấp. Những triệu chứng này sẽ khiến cho các bậc phụ huynh không tránh khỏi tâm lý hoang mang và lo lắng cho con vì không biết nguyên nhân do đâu, nên xử trí như thế nào mới đúng. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng cha mẹ tìm hiểu rõ về vấn đề này để xua đi nỗi lo vào những thời điểm con bị như vậy.

Trẻ có kích thước mũi nhỏ và chủ yếu thở bằng mũi nên thường dễ bị nghẹt mũi khi gặp điều kiện bất lợi. Các bé bị ho sổ mũi thở khò khè cần được theo dõi sát sao, đặc biệt là những bé xuất triệu chứng khó thở, bởi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nào đó trên hệ hô hấp. Vậy nguyên nhân và cách xử trí khi bé bị ho sổ mũi thở khò khè như thế nào?

Cách nhận biết chính xác bé bị ho sổ mũi thở khò khè

Các bậc cha mẹ có thể nhận biết chính xác hiện tượng bé bị sổ mũi khi thấy nước mũi của con chảy ra nhiều và liên tục. Tiếng trẻ thở khò khè nghĩa là âm sắc của tiếng thở trở nên trầm gần giống như tiếng ngáy.

Âm thanh bất thường khi thở kèm theo ho thường xuyên phản ánh trạng thái không bình thường ở đường hô hấp dưới, làm cho phế quản bị phù nề, viêm nhiễm, tắc nghẽn hoặc bị co thắt. Từ đó, dẫn đến đường lưu thông khí bị cản trở, khiến cho trẻ gặp khó khăn trong việc hô hấp và phát ra những âm thanh khò khè khi thở. 

Bố mẹ có thể kiểm tra hơi thở của bé bằng cách áp sát tai vào gần miệng của trẻ khi con nằm yên hoặc ngủ để nghe cho chính xác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phải sử dụng ống nghe phổi của bác sĩ mới phát hiện được. Vậy nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là gì?

Cách nhận biết, nguyên nhân và cách xử trí khi bé bị ho sổ mũi thở khò khè 1
Bé bị ho sổ mũi thở khò khè có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe trẻ đang gặp vấn đề

Nguyên nhân khiến bé bị ho sổ mũi thở khò khè

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bé bị ho sổ mũi thở khò khè, có thể kể đến như:

  • Hen suyễn: Nếu trẻ bị hen suyễn thì có thể gặp phải các triệu chứng ho và thở khò khè. Đây là một bệnh lý viêm đường hô hấp mãn tính. Nguyên nhân gây ra bệnh lý này chủ yếu là do tiền sử gia đình hoặc chính hệ hô hấp của trẻ rất nhạy cảm với các loại chất gây kích thích như khói bụi, phấn hoa, khói thuốc lá, mùi hương đậm… Ngoài ra, hen suyễn có thể là hệ quả của một đợt viêm đường hô hấp cấp.
  • Viêm phổi: Bé bị ho sổ mũi thở khò khè có thể là các dấu hiệu cảnh báo về bệnh lý viêm phổi. Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng khiến cho các nhu mô phổi bị tổn thương, các phế nang xuất hiện nhiều mủ và dịch nhầy nên sẽ gây ra những triệu chứng kể trên. Ngoài ra, trẻ có thể gặp phải tình trạng thở nhanh và liên tục, cánh mũi phập phồng, ho từ mức độ vừa đến nặng và đôi khi có hiện tượng co rút lõm tại lồng ngực.
  • Viêm phế quản - tiểu phế quản: Bệnh lý này xảy ra khi xuất hiện tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở các tiểu phế quản hoặc các cuống phổi bị hẹp lại. Thông thường, tiểu phế quản trong phổi không có sụn và có kích thước rất nhỏ nên khi bị viêm nhiễm rất dễ bị phù nề. Từ đó, làm cho đường thở bị thu hẹp lại, khiến cho quá trình lưu thông khí bị tắc nghẽn. Hậu quả của tình trạng này là làm cho trẻ bị khó thở, thở khò khè, thậm chí là suy hô hấp.
  • Viêm VA: Triệu chứng khởi phát của viêm VA là trẻ thường sẽ bị sốt cao trên 39 độ C kèm theo tình trạng ngạt mũi ngày càng nghiêm trọng, lúc đầu chỉ bị ngạt 1 bên mũi và sau đó sẽ lan sang cả 2 bên mũi. Khi đó, trẻ sẽ phải thở bằng miệng, thở khò khè và kèm theo ho. Bên cạnh đó, trẻ bị ngạt mũi khiến cho dịch viêm sẽ chảy từ vòm mũi xuống họng nên dễ bị viêm họng.
Cách nhận biết, nguyên nhân và cách xử trí khi bé bị ho sổ mũi thở khò khè 2
Trẻ bị viêm phổi sẽ gặp phải các triệu chứng như ho, sổ mũi và thở khò khè

Cách xử trí khi bé bị ho sổ mũi thở khò khè

Khi bé bị ho sổ mũi thở khò khè thì cha mẹ nên làm gì? Dưới đây là cách xử trí mà cha mẹ nên biết để khắc phục tình trạng trẻ bị ho, sổ mũi và thở khò khè, cụ thể như sau:

Khắc phục tại nhà

Như đã nói ở trên, bé bị ho, sổ mũi và thở khò khè xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, cách xử trí khi trẻ có các triệu chứng đó cũng khác nhau cho mỗi trường hợp. Nếu những biểu hiện này chỉ ở mức độ nhẹ, các bậc phụ huynh có thể áp dụng một số biện pháp như sau:

Làm thông thoáng đường thở cho bé bằng nước muối sinh lý: Khi bé bị sổ mũi, cha mẹ hãy nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mũi của con khoảng 2 - 3 lần/ngày. Điều này sẽ làm cho dịch mũi không bám vào thành mũi và ngăn ngừa tình trạng nghẹt mũi. Tuy nhiên, nếu nhỏ nước muối nhưng vẫn không đủ để làm sạch lớp dịch nhầy trong mũi và họng của trẻ, hãy sử dụng nước muối sinh lý để rửa sạch mũi cho bé từ 2 - 3 lần/ngày.

Cho trẻ kê gối cao khi ngủ: Nếu trẻ bị khó thở, thở khò khè thì việc kê cao gối khi ngủ sẽ giúp cho bé cảm thấy dễ thở và dễ chịu hơn. Bên cạnh đó, hãy giữ ấm cho bé, đảm bảo phòng ngủ sạch sẽ và thoáng mát, hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người…

Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc điều trị cho trẻ: Thói quen của rất nhiều bố mẹ là tự ý mua siro ho, thuốc trị ho và cảm cho con dùng khi thấy con bị ho, sổ mũi và thở khò khè. Đây là thói quen rất nguy hiểm và có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con trẻ. Nếu sử dụng thuốc không đúng với nguyên nhân gây bệnh thì rất dễ làm cho các triệu chứng này trở nên nghiêm trọng hơn và khiến cho việc điều trị về sau khó đạt hiệu quả tốt vì nhờn thuốc.

Nếu muốn dùng thuốc cho trẻ, ba mẹ nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn để được tư vấn kỹ càng về loại thuốc, liều lượng và cách dùng.

Cách nhận biết, nguyên nhân và cách xử trí khi bé bị ho sổ mũi thở khò khè 3
Không tự ý cho trẻ dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ, dược sĩ

Chế độ dinh dưỡng: Đối với những bé vẫn đang bú mẹ thì nên cho trẻ bú nhiều hơn nhằm bổ sung đủ nước và chất dinh dưỡng. Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ cần cho con ăn các loại thức ăn dạng lỏng để dễ nuốt, bổ sung các loại nước ép trái cây để ngăn ngừa tình trạng thiếu nước và cung cấp đầy đủ vitamin (đặc biệt là vitamin C), khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng cho bé.

Can thiệp y tế

Bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa hô hấp càng sớm càng tốt khi:

  • Bé bị ho sổ mũi thở khò khè kéo dài trên 3 ngày.
  • Trẻ có dấu hiệu ngủ li bì, rút lõm lồng ngực khi ngủ, rối loạn ý thức.
  • Trẻ sốt cao trên 39 độ C, tím tái người, co giật
  • Trẻ lười ăn, bỏ ăn, nôn trớ.
  • Trẻ quấy khóc liên tục.

Đây là những triệu chứng cảnh báo sức khỏe của trẻ đang trong tình trạng nguy hiểm, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Cách nhận biết, nguyên nhân và cách xử trí khi bé bị ho sổ mũi thở khò khè 4
Cần đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa khi trẻ sốt cao trên 39 độ C

Tóm lại, bé bị ho sổ mũi thở khò khè có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của trẻ đang gặp vấn đề. Do đó, cha mẹ cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của con và có thể chăm sóc trẻ tại nhà nếu các biểu hiện này ở mức độ nhẹ. 

Tuy nhiên, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở ý tế khi tình trạng này trở nên trầm trọng hơn và không nên tự ý cho trẻ uống thuốc điều trị khi chưa rõ về nguyên nhân gây bệnh nhằm hạn chế những biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.

Xem thêm: Trẻ bị hắt hơi, sổ mũi uống thuốc gì?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin