Đau hông trái là bị bệnh gì? Cách khắc phục như thế nào?
Ngày 16/07/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Đau hông trái là tình trạng xảy ra ở rất nhiều người, tưởng chừng như không gây hại nhưng đau hông trái có thể là lời cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vậy, đau hông trái là bệnh gì? Làm sao để khắc phục tình trạng đau hông?
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra tình trạng đau hông trái và dù là nguyên nhân nào thì chúng ta cũng không nên chủ quan bỏ qua. Để biết thêm một vài thông tin có liên quan tới đau hông trái cũng như tìm lời giải đáp cho các câu hỏi trên, mời bạn đọc hãy theo dõi bài viết dưới đây.
Đau hông trái là bị bệnh gì?
Hông trái chính là vùng mông sau, vùng mạn sườn trái và vùng háng. Riêng đau hông trái sẽ được phân biệt thành nhiều những vùng khác nhau, nguyên nhân gây đau cũng không giống nhau. Thông thường, ngoài những triệu chứng là đau nhức âm ỉ đến đau nhói một cách dữ dội thì bệnh cũng có thể đi kèm theo nhiều triệu chứng khác như khiến cho người bệnh đi lại khó khăn, gặp bất tiện khi làm việc.
Với các trường hợp đau cấp tính, cảm giác đau còn có thể lan xuống đến phần “môi bé” của nữ giới và cả phần bìu dưới của nam giới, nếu gặp phải tình trạng này, việc làm giảm đau sẽ cực kỳ khó. Còn nếu như bạn đang có cảm giác này lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm cả về tần suất lẫn cường độ thì nguyên nhân có thể là do:
Đau hông trái do bệnh lý
Cảm giác đau hông trái có thể do nhiều bệnh lý khác nhau gây ra, đau hông tái đi tái lại sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cả tinh thần của người bệnh. Một vài bệnh lý gây ra cảm giác đau hông trái điển hình như:
Đau dây thần kinh tọa: Bệnh lý đau dây thần kinh tọa được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau hông trái. Dây thần kinh tọa chính là dây thần kinh to và dài nhất bên trong cơ thể, có vị trí bắt đầu từ thắt lưng, đi qua đùi và kéo dài đến tận ngón chân. Người bệnh đau dây thần kinh tọa phần lớn sẽ có biểu hiện đau lan từ hông đến sau đùi, qua bắp chân và đến ngón chân.
Đau dây thần kinh liên sườn: Dây thần kinh liên sườn chạy từ xương sườn đến vùng mông. Khi dây gặp tổn thương vì những yếu tố bên ngoài tác động sẽ gây ra cảm giác đau dữ dội tại những nơi mà chúng đi qua. Do đó mà hình thành nên chứng đau hông bên trái.
Viêm khớp háng: Viêm khớp háng cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đau hông trái, người bị đau khớp háng sẽ có dấu hiệu đau ở vùng háng. Sau đó sẽ lan dần đến những khu vực xung quanh, kèm theo cảm giác đau ở mông trái. Bên cạnh đó, người bệnh cũng gặp khó khăn khi cử động, cảm giác đau nghiêm trọng hơn khi dạng chân, xoay chân hoặc lên xuống cầu thang.
Hội chứng thắt lưng hông: Bệnh gây cảm giác đau xuất phát từ cột sống sau đó sẽ lan sang phần mông, đùi khiến cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, thậm chí ngồi xổm cũng gây cảm giác đau.
Viêm đại tràng: Bệnh viêm đại tràng gây ra những cơn đau tức bụng, đại tiện ra máu bất thường kèm theo cảm giác đau nhức hông trái khó chịu.
Sỏi thận: Bệnh sỏi thận sẽ gây đau tập trung ở vùng mạn sườn và vùng bụng bên trái. Cơn đau có thể xuất hiện thường xuyên, qua cả vùng lưng kèm theo biểu hiện cứng quặn thắt khiến cho người bệnh gặp khó khăn trong vận động, đi lại không được như bình thường. Bên cạnh đó, các triệu chứng đi kèm còn bao gồm đi tiểu ra máu, đau rát, tiểu buốt,...
Đau do bị tắc ruột: Thức ăn trong ruột non không kịp tiêu hóa hết sẽ gây ra tình trạng đau, tắc ruột, đồng thời hình thành nên những cơn đau quặn thắt ở vùng hông bên trái.
Bệnh Zona thần kinh: Bệnh Zona thần kinh có thể làm ảnh hưởng đến dây thần kinh, do đó, cảm giác đau có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể, nếu đau hình thành tại bờ sườn trái thì nguy cơ người bệnh bị đau hông trái sẽ rất cao.
Rối loạn tử cung: Hội chứng rối loạn tử cung ở nữ giới sẽ góp phần hình thành nên rất nhiều những vấn đề xấu liên quan đến vùng hông, dĩ nhiên không khỏi bất ngờ khi hội chứng này gây ra cảm giác đau hông trái.
Ngoài ra, còn một số bệnh lý khác cũng có thể gây đau hông trái như sỏi niệu quản, viêm tụy, viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích,... Nhìn chung, nếu muốn biết được nguy cơ chính xác, người bệnh sẽ cần thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa.
Đau hông trái do yếu tố cơ học
Gặp các chấn thương, tai nạn: Các tai nạn có thể gặp thường ngày như tai nạn lao động, chấn thương khi luyện tập thể thao hay tai nạn giao thông,... cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đau hông bên trái.
Luyện tập thể thao sai cách: Luyện tập thể thao sẽ đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, tuy nhiên nếu luyện tập sai cách, luyện tập quá mức sẽ gây căng giãn cơ, hình thành nên các cơn đau ở nhiều vị trí khác nhau, trong đó có đau hông trái.
Vận động, ngồi làm việc sai tư thế: Những đối tượng có đặc điểm là phải ngồi làm việc lâu như nhân viên văn phòng, lái xe đường dài,... kết hợp với việc ngồi không đúng tư thế, không luyện tập thể dục thường xuyên,... sẽ dễ bị cong vẹo cột sống, gù lưng, đau hông trái và nhiều các vấn đề khác về xương khớp.
Thừa cân béo phì: Thừa cân béo phì là bệnh lý có thể làm ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp do trọng lượng cơ thể tăng mất kiểm soát. Cơ xương khớp lúc này sẽ cần làm việc, hoạt động quá mức để thực hiện các hoạt động hàng ngày, từ đó hình thành nên các cơn đau khớp, đau hông trái và nhiều vấn đề khác như gai cột sống, thoát vị đĩa đệm.
Dù là đau hông trái do bệnh lý hay đau hông trái do yếu tố cơ học thì tình trạng này cũng sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh, cần được can thiệp càng sớm càng tốt, tránh kéo dài gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Đau hông trái có nguy hiểm không?
Như bạn có thể thấy, cảm giác đau hông trái có thể xuất phát từ nhiều các nguyên nhân đa dạng khác nhau. Nếu là do nguyên nhân cơ học như chấn thương, gặp tai nạn thì bạn không cần phải quá lo lắng, bệnh có thể khắc phục dần theo thời gian.
Thế nhưng ngược lại, nếu đau hông trái là do các bệnh lý có liên quan đến hệ xương khớp gây ra hay hệ tiêu hóa, tiết niệu,...thì người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan. Cảm giác đau hông trái có thể không gây nguy hiểm nhưng những biến chứng của bệnh lý gây đau hông trái có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được can thiệp, điều trị kịp thời và đúng cách. Nếu cảm thấy hông trái bị đau, hãy chủ động đi khám tại các bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng và đưa ra phác đồ điều trị kịp thời nếu cần thiết.
Làm thế nào để cải thiện tình trạng đau hông trái?
Sau khi thực hiện thăm khám tình trạng đau hông trái, tùy thuộc vào nguồn gốc phát sinh bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân các phương pháp điều trị như sau:
Tập các bài tập vật lý trị liệu để tăng cường khả năng vận động các cơ xung quanh, cải thiện cảm giác đau ở những khu vực bị tổn thương.
Thực hiện phẫu thuật dẫn lưu áp xe hoặc u nang.
Thực hiện phẫu thuật chữa thoát vị đĩa đệm hoặc thay khớp nhân tạo cho bệnh nhân.
Ngoài ra, để kết quả điều trị đạt hiệu quả tối ưu, người bệnh cũng cần lưu ý một số điều quan trọng bao gồm:
Sắp xếp lại lịch làm việc và nghỉ ngơi sao cho hợp lý, nên nghỉ ngơi nhiều hơn để mau chóng hồi phục bệnh. Nếu muốn mang vác vật nặng, hãy lên cơ đùi gấp gối chân lại ở mức vừa phải, đảm bảo lưng thẳng và không cần phải giữ thẳng hai chân và cúi cong người khi nhấc.
Luyện tập thể thao với cường độ nhẹ nhàng giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện khả năng lưu thông máu và tăng sự dẻo dai cho xương khớp.
Xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ dưỡng chất thiết yếu để tăng cường sức đề kháng, làm dịu nhanh các cơn đau. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,... để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuyệt đối không thể chủ quan với tình trạng bị đau hông trái. Mong rằng những thông tin được đề cập trong bài viết này sẽ giúp bạn đọc chủ động hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Nếu còn bất cứ điều gì thắc mắc, hãy liên hệ với các bác sĩ để được giải đáp chi tiết.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.