Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thuốc ngủ dạng nước là gì? Cách sử dụng an toàn cho sức khỏe

Ngày 12/01/2024
Kích thước chữ

Tình trạng mất ngủ có xu hướng ngày một tăng lên ở giới trẻ. Có nhiều loại thuốc ngủ giúp giải quyết tình trạng này, một trong số đó là thuốc ngủ dạng nước. Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về loại thuốc ngủ này cũng như lưu ý để sử dụng an toàn.

Thuốc ngủ dạng nước thường được bào chế ở dạng không màu, không mùi và không vị. Mỗi trường hợp cụ thể sẽ có loại thuốc sử dụng khác nhau. Bài viết này sẽ giúp bạn trang bị thông tin về thuốc ngủ dưới dạng nước gồm đối tượng dùng, tác dụng phụ có thể gặp phải và cách dùng an toàn.

Khái niệm về thuốc ngủ dạng nước

Trên thị trường hiện nay, thuốc ngủ hoạt động với cơ chế tác động lên các thụ thể trong não khiến hoạt động dẫn truyền của hệ thần kinh chậm lại. Một số loại thuốc ngủ sẽ gây buồn ngủ trong khi một số khác có tác dụng duy trì giấc ngủ sâu và ngon hơn. Tuy vậy, một vài trường hợp dùng thuốc ngủ có thể gặp tác dụng phụ nếu không được dùng đúng chỉ định.

Thuốc ngủ dạng nước là loại thuốc dùng để uống tương tự các loại thuốc dạng viên khác. Nó được dùng để giảm triệu chứng lo lắng như bứt rứt, bồn chồn, đánh trống ngực, hỗ trợ người uống có giấc ngủ chất lượng.

Thuốc ngủ dạng nước là gì? Cách sử dụng an toàn cho sức khỏe 1
Thuốc ngủ dạng nước có thể còn xa lạ đối với một số người

Mặc dù vậy, loại thuốc này không dùng để điều trị rối loạn gây mất ngủ hay rối loạn lo âu. Tuy nhiên, nó có thể giúp bạn giảm lo lắng, bình tĩnh và thoải mái hơn. Dù cho dùng loại thuốc ngủ nào thì bạn cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Người nên và không nên dùng thuốc ngủ dạng nước

Không phải ai cũng có thể sử dụng thuốc ngủ dạng nước nói riêng và thuốc ngủ nói chung. Một số đối tượng được bác sĩ chỉ định dùng loại thuốc này bao gồm:

  • Người bị mất ngủ kinh niên nhưng không biết nguyên nhân.
  • Người bị căng thẳng, lo âu, khó ngủ, dễ giật mình.
  • Người bị bệnh thần kinh như trầm cảm, ngủ không sâu, khó đi vào giấc ngủ, chất lượng giấc ngủ giảm.
  • Người bị lệch múi giờ hoặc khó ngủ do thời gian sinh học thay đổi.
  • Người có nhịp sinh học rối loạn.
Thuốc ngủ dạng nước là gì? Cách sử dụng an toàn cho sức khỏe 2
Người sinh sống bị lệch múi giờ có thể được chỉ định dùng thuốc ngủ dưới dạng nước

Bên cạnh đó, thuốc ngủ bào chế dưới dạng nước chống chỉ định cho các đối tượng:

  • Trẻ em, người có sức khỏe yếu.
  • Bệnh nhân có tiền sử co giật hoặc bị động kinh nghiêm trọng.
  • Người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Người cao tuổi.
  • Bệnh nhân mắc bệnh hô hấp, bệnh tim, giảm lưu lượng tuần hoàn, bệnh hạ huyết áp… vì chúng có thể gây nên nhiều phản ứng phụ nguy hiểm.

Tác dụng phụ khi dùng thuốc ngủ dạng nước và hướng xử trí

Các nghiên cứu thống kê được rằng, có khoảng 8 - 10% người gặp các triệu chứng khó chịu, nôn nao khi dùng thuốc ngủ. 

Tác dụng phụ có thể gặp phải

Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi bạn dùng thuốc ngủ dưới dạng nước là:

  • Tiêu chảy, táo bón;
  • Nhức đầu;
  • Khô miệng;
  • Yếu cơ;
  • Choáng váng;
  • Những vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa như khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn, ợ nóng…

Nếu dùng thuốc ngủ kéo dài, bạn sẽ dễ bị nghiện, phụ thuộc vào thuốc. Điều này xảy ra khi bạn uống thuốc ngủ liên tục trong thời gian trên 6 tháng mà không có sự chỉ định từ bác sĩ. Việc bạn dừng uống thuốc khi đó sẽ gây tái phát chứng mất ngủ với mức độ nặng hơn.

Tình trạng này chỉ xảy ra nếu bạn dùng thuốc không đúng với chỉ định của bác sĩ. Nếu mất ngủ do nguyên nhân tâm lý, bệnh thần kinh hoặc những bệnh có thể xác định thì việc điều trị căn nguyên gây bệnh sẽ giúp chấm dứt sự mất ngủ.

Thuốc ngủ dạng nước là gì? Cách sử dụng an toàn cho sức khỏe 3
Dùng thuốc ngủ quá liều có thể khiến bệnh nhân bị choáng váng

Hướng xử trí

Trong quá trình sử dụng thuốc ngủ bào chế dưới dạng nước và gặp bất kỳ biểu hiện nào dưới đây, bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời:

  • Buồn nôn, chóng mặt, choáng váng, té ngã.
  • Buồn ngủ kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sinh hoạt ban ngày như lái xe, học tập, đi lại, làm việc…
  • Bị dị ứng như nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, mắt sưng phù, khó thở, đánh trống ngực, hồi hộp, tiêu chảy, buồn nôn, nôn…
  • Có sự thay đổi về hành vi và suy nghĩ như kích động, gặp ảo giác, bứt rứt, bồn chồn, đứng ngồi không yên, có ý nghĩ tự tử, không nhớ việc đã xảy ra…
  • Trí nhớ lộn xộn, kém tập trung, dễ bị xao nhãng, gặp vấn đề về hiệu suất công việc.

Lưu ý để dùng thuốc ngủ dạng nước an toàn

Để việc uống thuốc ngủ dạng nước đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sử dụng, bạn hãy lưu ý:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ: Bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, kiểm tra, xét nghiệm để họ tìm ra nguyên nhân cụ thể gây mất ngủ, từ đó có phác đồ điều trị bệnh.
  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng: Hướng dẫn đi kèm theo thuốc sẽ chỉ rõ cách thức và liều lượng thuốc phù hợp cùng tác dụng phụ tiềm ẩn. Trong trường hợp bạn có bất kỳ thắc mắc gì, đừng ngần ngại hỏi dược sĩ hoặc bác sĩ khám bệnh để được giải đáp cẩn thận.
  • Không uống thuốc ngủ nếu thời gian đi ngủ chưa đến: Việc uống thuốc ngủ sẽ làm bạn không ý thức được mình đang làm gì, tăng nguy cơ đối mặt với tình huống nguy hiểm. Bạn chỉ nên uống thuốc khi mọi hoạt động buổi tối đã kết thúc.
  • Xem xét các tác dụng phụ: Nếu thấy chóng mặt hoặc buồn ngủ vào ban ngày cũng như bất kỳ dấu hiệu bất thường, nghi ngờ bị dị ứng thì bạn nên nhanh chóng thông báo cho nhân viên y tế để được chỉ định dùng thuốc thích hợp, điều chỉnh liều lượng hoặc ngừng thuốc.
  • Không uống thuốc cùng với chất kích thích, rượu, thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau như paracetamol hoặc rượu sẽ làm tăng tác dụng an thần, dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu như lơ mơ, không phản ứng, thở chậm, nghiêm trọng hơn là ngừng thở.
  • Dừng uống thuốc cẩn thận: Nếu bạn đã sẵn sàng ngừng uống thuốc thì hãy tuân thủ hướng dẫn từ bác sĩ hoặc đọc hướng dẫn sử dụng đi kèm. Một số thuốc yêu cầu bệnh nhân phải giảm dần liều lượng rồi mới dừng hẳn. Việc dừng thuốc đột ngột sẽ khiến bạn mệt mỏi, khó chịu, bứt rứt, bồn chồn hoặc có suy nghĩ tự sát. Người bệnh cũng có nguy cơ bị mất ngủ ngắn hạn vài ngày sau khi ngừng thuốc. Lúc đó, bạn hãy đến gặp bác sĩ chuyên môn để được hỗ trợ xử trí.
Thuốc ngủ dạng nước là gì? Cách sử dụng an toàn cho sức khỏe 4
Bệnh nhân cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống thuốc ngủ

Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp bạn có được lời giải đáp cụ thể về các vấn đề xoay quanh thuốc ngủ dạng nước. Vì loại thuốc này sẽ mang đến nhiều tác dụng phụ không mong muốn nên cách tốt nhất là bạn hãy dùng các biện pháp thay thế khác an toàn hơn khi tình trạng mất ngủ chưa quá nghiêm trọng nhé! Nếu đã có ý định dùng thuốc ngủ, bạn cần thăm khám bác sĩ để được chỉ định liều lượng phù hợp.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin