Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Top 5 nhóm thuốc gây táo bón phổ biến hiện nay

Ngày 10/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Táo bón không phải là tình trạng bệnh lý hiếm gặp song không phải ai cũng hiểu rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này. Bên cạnh những nguyên nhân liên quan đến lối sống không lành mạnh, bệnh lý mắc phải và sinh lý thì việc sử dụng một số loại thuốc cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ bật mí cho bạn đọc top 5 loại thuốc gây táo bón.

Đâu là các loại thuốc gây táo bón? Sử dụng thuốc bị táo bón phải làm sao? Đây vẫn luôn là chủ đề quan tâm của không ít độc giả. Để có thể hiểu rõ hơn về chủ đề này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu theo dõi hết bài viết sức khỏe dưới đây nhé.

Tổng quan về tình trạng táo bón

Táo bón là tình trạng đi đại tiện không hết, đi không thường xuyên hoặc khó khăn khi đi đại tiện kéo dài thường không kèm theo bất kỳ bất thường nào về sinh hóa hoặc giải phẫu học. Số lần đi tiêu thường nhỏ hơn hoặc bằng 3 lần/tuần.

Táo bón thường xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn và có thể dễ dàng khắc phục được. Tuy nhiên, táo bón có thể tiến triển thành mãn tính, thậm chí kéo theo một loạt các biến chứng như đại tiện phân có máu, bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn và hiện tượng tắc ruột nếu như không được can thiệp xử trí kịp thời.

Khi mắc táo bón, bạn thường gặp phải một số triệu chứng như:

  • Muốn đi đại tiện nhưng đi khó hoặc đi không hết phân.
  • Số lần đi đại tiện so với bình thường giảm đột ngột, cụ thể là dưới 3 lần/tuần.
  • Chướng bụng, đầy hơn, thậm chí có các cơn đau quặn bụng.
  • Hậu môn luôn ở trong trạng thái căng tức.
  • Khi đi vệ sinh, người bệnh thường thấy đau và phân có lẫn máu.

Táo bón có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó không thể không kể đến một số nguyên nhân chính như tác dụng phụ của một số loại thuốc, lối sống thiếu khoa học và lành mạnh, một số bệnh lý về đường tiêu hóa như nứt hậu môn, tắc nghẽn ống tiêu hóa do u và to trực tràng vô căn…

Cùng chuyên gia y tế tìm hiểu về top 5 loại thuốc gây táo bón phổ biến hiện nay 1
Táo bón có thể xuất phát từ rất nhiều các nguyên nhân khác nhau

Top 5 loại thuốc gây táo bón

Thực tế cho thấy, có không ít các loại thuốc gây táo bón khi sử dụng, trong đó không thể không kể đến một số loại thuốc sau:

Thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid

Opioid là tên của một nhóm thuốc giảm đau trung ương, có tác dụng giảm đau mạnh do vậy mà thường được chỉ định khi người bệnh có các cơn đau nghiêm trọng. Một số loại thuốc giảm đau nằm trong nhóm opioid có thể kể đến như hydrocodone, tramadol, codein, oxycodone và morphin

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, các thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid mang lại hiệu quả rất tốt trong việc kiểm soát cơn đau, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, nhất là các bệnh nhân mắc căn bệnh ung thư quái ác.

Tuy nhiên, chức năng của ruột có thể bị rối loạn và táo bón có thể xảy ra nếu điều trị bằng loại thuốc này kéo dài.

Nguyên nhân gây táo bón khi sử dụng thuốc giảm đau nhóm opioid là do khi đi vào cơ thể, thuốc có thể làm giảm bài tiết ở ống tiêu hóa, giảm nhu động ruột, tăng tái hấp thu dịch từ niêm mạc ruột dẫn đến rối loạn chức năng đường ruột. Quá trình này cũng khiến cho phân bị khô, cứng, khiến người bệnh gặp khó khăn khi đi đại tiện.

Bên cạnh táo bón, khi sử dụng thuốc nhóm opioid, người bệnh còn có thể phải đối mặt với một số tình trạng như trào ngược dạ dày thực quản, chướng bụng, đau bụng, buồn nôn, nôn…

Thuốc sắt và các loại thuốc giúp bổ sung sắt

Một trong những tác dụng phụ thường gặp khi uống sắt cũng như các chế phẩm bổ sung sắt đó là táo bón. Điều này dễ nhận thấy nhất ở đối tượng là phụ nữ mang thai.

Nguyên nhân dẫn đến táo bón khi sử dụng các loại thuốc này là do cơ thể không thể hấp thụ hết hoàn toàn lượng thuốc dẫn đến tình trạng dư thừa các ion sắt và hậu quả của sự dư thừa này sẽ gây ra tình trạng táo bón.

Hiện nay, các loại thuốc bổ sung sắt được chia thành 2 dạng chính đó là sắt vô cơ và sắt hữu cơ, trong đó sắt vô cơ là dạng sắt gây táo bón ở đa số người dùng. Cụ thể:

  • Đối với sắt vô cơ, khi sử dụng các ion sắt sẽ được giải phóng vào niêm mạc ruột một cách nhanh chóng dẫn đến làm tăng nồng độ ion sắt trong máu. Khi cơ thể không hấp thu hết được các ion này sẽ gây ra tình trạng kích ứng niêm mạc, ợ chua, ợ nóng và táo bón.
  • Đối với sắt hữu cơ, khi đi vào cơ thể sẽ được hấp thu một cách chủ động ở niêm mạc ruột có kiểm soát theo nhu cầu của cơ thể trong máu. Lượng muối sắt hữu cơ mà cơ thể không hấp thu sẽ được đào thải dễ dàng qua đường tiêu hóa, không gây kích ứng niêm mạc hay táo bón.
Cùng chuyên gia y tế tìm hiểu về top 5 loại thuốc gây táo bón phổ biến hiện nay 2
Thuốc sắt là một trong các loại thuốc gây táo bón

Thuốc chẹn kênh canxi

Một số loại thuốc thuộc nhóm chẹn kênh canxi có thể kể đến như nifedipine, verapamil và diltiazem… Với nguyên lý tác động dựa trên cơ chế giãn cơ trơn của mạch máu từ đó làm giảm trương lực cơ trơn của thành ruột, giảm nhu động ruột, việc sử dụng thuốc chẹn kênh canxi có thể khiến người bệnh gặp phải tình trạng táo bón.

Trong y khoa, nhóm thuốc này thường được các bác sĩ chỉ định trong điều trị một số bệnh lý như rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực, tăng huyết áp…

Thuốc kháng axit

Thuốc kháng axit là thuốc có tác dụng trung hòa axit dịch vị dạ dày, nâng pH của dạ dày lên mức xấp xỉ bằng 4 do vậy mà thường được chỉ định trong điều trị bệnh lý về dạ dày như viêm loét dạ dày - tá tràng, hội chứng Zollinger - Ellison.

Các thuốc nằm trong nhóm thuốc kháng axit thường chủ yếu chứa các hợp chất như magie, canxi, các hydroxyd của nhôm… nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ kết hợp với protein trong niêm mạc ruột và hình thành muối canxi và muối nhôm rất khó hòa tan và hấp thu. Đây là nguyên nhân khiến cho phân bị khô và người bệnh gặp khó khăn hơn trong việc đi đại tiện.

Cùng chuyên gia y tế tìm hiểu về top 5 loại thuốc gây táo bón phổ biến hiện nay 3
Táo bón cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc kháng axit

Thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm bao gồm thuốc chống trầm cảm ba vòng (viết tắt là TCA), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (viết tắt là SSRI), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin - norepinephrine (viết tắt là SNRIs) cùng các thuốc chống trầm cảm khác. Các thuốc này được chứng minh là có các cơ chế phản ứng bất lợi đối với táo bón ở các mức độ khác nhau.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, các thuốc nhóm chống trầm cảm tác dụng theo cơ chế giảm co thắt đường tiêu hóa, giảm nhu động ruột và từ đó gây táo bón. Bên cạnh táo bón, khi sử dụng thuốc chống trầm cảm, người bệnh có thể gặp phải các tác dụng phụ khác như bí tiểu, khô miệng, nhìn mờ, khô da…

Phải làm sao khi bị táo bón do thuốc?

Như đã trình bày phía trên, táo bón được xem là một trong những tác dụng phụ của một số loại thuốc. Các tác dụng phụ của thuốc thường không thể xác định rõ ràng từ trước và không phải ai sử dụng cũng sẽ gặp phải tình trạng táo bón. Một câu hỏi đặt ra: Nếu không may bị táo bón khi sử dụng thuốc thì phải làm sao?

Thực tế cho thấy, khi gặp phải tình trạng táo bón, có không ít độc giả tự ý sử dụng thuốc nhuận tràng với mong muốn cải thiện tình trạng khó chịu đang gặp phải song ít ai hiểu rằng, việc sử dụng thuốc nhuận tràng khi chưa có sự chỉ định từ phía bác sĩ có thể làm tăng nguy cơ tương tác với các thuốc đang sử dụng.

Về bản chất, thuốc gây táo bón thường do các tác động của thuốc lên đường tiêu hóa gây giảm nhu động ruột và mất cân bằng điện giải trong cơ thể. Chính vì thế, trong quá trình điều trị bằng thuốc, nếu không may gặp phải tình trạng táo bón thì việc bạn nên làm đó là thông báo với bác sĩ điều trị để có phương pháp điều chỉnh sao cho phù hợp.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bên cạnh việc sử dụng tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, bạn cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp như thay đổi lối sống và sinh hoạt theo hướng tích cực hơn, chẳng hạn như uống đủ nước, ăn đủ chất xơ, tăng cường tập luyện thể dục thể thao… để có thể nâng cao hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng táo bón.

Cùng chuyên gia y tế tìm hiểu về top 5 loại thuốc gây táo bón phổ biến hiện nay 4
Đến gặp bác sĩ để thăm khám nếu có các dấu hiệu cảnh báo táo bón do thuốc

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh việc sử dụng thuốc gây táo bón mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để gửi đến quý độc giả. Hy vọng, qua bài viết hôm nay, bạn đọc có thể nắm được 5 loại thuốc gây táo bón phổ biến hiện nay đồng thời nắm được hướng xử trí nếu không may gặp phải tình trạng táo bón khi dùng thuốc.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Phạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin