Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Vai trò của dinh dưỡng với phụ nữ có thai là gì? Tìm hiểu tháp dinh dưỡng cho bà bầu

Ngày 01/02/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viện Dinh dưỡng của Bộ Y tế đã đưa ra tháp dinh dưỡng cho bà bầu và bà mẹ đang cho con bú (giai đoạn từ 2016 - 2020). Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về tháp dinh dưỡng này cũng như vai trò của dinh dưỡng đối với phụ nữ có thai.

Phụ nữ có thai là một đối tượng vô cùng nhạy cảm và rất cần được quan tâm về chế độ dinh dưỡng. Vậy cụ thể tháp dinh dưỡng cho bà bầu như thế nào? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu về dinh dưỡng cho phụ nữ có thai trong bài viết dưới đây nhé!

Vai trò của dinh dưỡng với phụ nữ có thai là gì?

Trong thời kỳ mang thai và đặc biệt là khi thai nghén, cơ thể của người phụ nữ xảy ra rất nhiều sự thay đổi: Tăng cân nhanh chóng, cơ thể tích mỡ, tử cung tăng trọng lượng… Chính vì vậy, chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu trong thời gian này là vô cùng quan trọng.

Vai trò của dinh dưỡng với phụ nữ có thai là gì? Tìm hiểu tháp dinh dưỡng cho bà bầu 1 Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng với phụ nữ mang thai

Vai trò của dinh dưỡng thai kỳ đối với thai nhi

Chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ của mẹ bầu có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của thai nhi, cụ thể:

  • Ảnh hưởng đến cân nặng khi sinh của bé: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi mẹ bầu được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thì thai nhi sẽ tăng cân tốt. Ngược lại, mẹ bầu thiếu ăn sẽ làm tăng nguy cơ con bị nhẹ cân, thiếu tháng.
  • Liên quan đến một số dị tật bẩm sinh: Nguồn dinh dưỡng cho mẹ bầu được đảm bảo sẽ giúp tăng sức đề kháng, làm giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm có khả năng để lại một số khuyết tật cho trẻ (tim bẩm sinh, sứt môi hở hàm ếch…). Bên cạnh đó, việc bổ sung acid folic cho mẹ bầu cũng giúp làm giảm khoảng 50% khả năng mắc dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh.
  • Liên quan đến sự phát triển trí tuệ của bé: Chế độ ăn của mẹ bầu cần đảm bảo đầy đủ DHA và các loại acid béo không no cần thiết để giúp trẻ thông minh, phát triển trí não, thị giác và hệ tim mạch khỏe mạnh.
  • Ảnh hưởng đến khả năng mắc một số bệnh mạn tính không lây của bé: Mẹ thiếu dinh dưỡng đầu thai kỳ, nguy cơ cao trẻ bị béo phì và bệnh tim mạch khi trưởng thành. Mẹ thiếu dinh dưỡng vào cuối thai kỳ, trẻ có nguy cơ bị rối loạn dung nạp glucose cao.
Vai trò của dinh dưỡng với phụ nữ có thai là gì? Tìm hiểu tháp dinh dưỡng cho bà bầu 2 Dinh dưỡng thai kỳ đầy đủ DHA và acid béo không no giúp trẻ phát triển trí tuệ tốt

Vai trò dinh dưỡng thai kỳ đối với sức khỏe mẹ bầu

Không chỉ ảnh hưởng đến thai nhi, chế độ dinh dưỡng khi mang thai còn có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe mẹ bầu. Cụ thể, khi dinh dưỡng thai kỳ tốt:

  • Giúp mẹ bầu tăng cân phù hợp: Chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp mẹ bầu hạn chế nguy cơ sinh con bị nhẹ cân, thiếu chất do mẹ tăng cân ít hoặc giảm nguy cơ sinh khó, bị tiểu đường thai kỳ nếu mẹ tăng cân quá nhiều.
  • Giúp mẹ hạn chế tai biến sản khoa: Thiếu dinh dưỡng ở mẹ bầu có khả năng gây nhiễm độc thai nghén, tăng nguy cơ mẹ sảy thai, thai lưu, sinh khó, con sinh non, nhẹ cân…
  • Giúp tăng tạo sữa sau sinh cho mẹ bầu: Dinh dưỡng hợp lí sẽ giúp mẹ đảm bảo được về số lượng và chất lượng sữa mẹ sau sinh.
  • Làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ở mẹ: Dinh dưỡng đầy đủ giúp mẹ giảm khả năng mắc thiếu máu hồng cầu khổng lồ, giảm nguy cơ sảy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân.
  • Đảm bảo sức đề kháng cho cả mẹ và bé: Chế độ ăn thiếu vi chất dinh dưỡng, nhất là kẽm có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng của hầu hết hệ thống miễn dịch.
  • Giúp mẹ bầu hạn chế các bệnh lý và vấn đề thường gặp trong thai kỳ như: Thiếu máu thiếu sắt, thiếu kẽm, tăng huyết áp thai kỳ, tiểu đường thai kỳ, chán ăn, nôn, ợ nóng, táo bón, tiêu chảy…
Vai trò của dinh dưỡng với phụ nữ có thai là gì? Tìm hiểu tháp dinh dưỡng cho bà bầu 3 Dinh dưỡng tốt giúp mẹ bầu hạn chế táo bón khi mang thai

Tháp dinh dưỡng cho bà bầu là gì?

Tương tự các loại tháp dinh dưỡng khác, tháp dinh dưỡng cho bà bầu gồm có 7 tầng. Tuy nhiên, lượng thực phẩm cũng như cách dùng cho mỗi giai đoạn trong thai kỳ của mẹ bầu là rất khác nhau.

7 tầng của tháp dinh dưỡng bao gồm:

  • Nước.
  • Các loại ngũ cốc.
  • Rau củ quả.
  • Thực phẩm có chứa đạm (thịt, thủy sản, trứng, đậu, đỗ).
  • Sữa.
  • Dầu mỡ.
  • Muối và đường.

Trong các nhóm này, bà bầu cần bổ sung đầy đủ các nhóm khoáng chất, tinh bột, chất béo, vitamin. Bên cạnh đó, dùng thêm dầu mỡ, muối và đường nhưng chỉ dùng với lượng nhỏ để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.

Vai trò của dinh dưỡng với phụ nữ có thai là gì? Tìm hiểu tháp dinh dưỡng cho bà bầu 4 Tháp dinh dưỡng cho bà bầu do Bộ Y tế ban hành

Ngoài chế độ dinh dưỡng, mẹ bầu cần kết hợp với luyện tập thể dục thể thao để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Bên cạnh đó, tháp dinh dưỡng cho bà bầu còn khuyến cáo các mẹ nên bổ sung thêm viên sắt và acid folic trong khoảng thời gian mang thai và 1 tháng sau sinh, bổ sung 1 viên vitamin A 200.000 IU trong 1 tháng sau sinh.

Tháp dinh dưỡng cho bà bầu theo từng giai đoạn

Theo tháp dinh dưỡng cho bà bầu, mẹ bầu trong vòng 3 tháng đầu có thể ăn uống bình thường như khi chưa mang thai. Nhu cầu về dinh dưỡng của mẹ sẽ thay đổi rõ rệt từ tháng thứ 4.

Trong 3 tháng giữa thai kỳ, chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu có sự thay đổi về khẩu phần ăn của từng nhóm thực phẩm. Ngoại trừ dầu mỡ, đường và muối, mẹ bầu cần bổ sung thêm các nhóm thực phẩm khác có trong tháp dinh dưỡng. Cụ thể:

  • Tăng thêm 1 đơn vị trong khẩu phần ăn đối với các nhóm ngũ cốc, rau củ quả, thực phẩm chứa đảm.
  • Tăng thêm 2 đơn vị trong khẩu phần ăn đối với nhóm sữa.

Trong 3 tháng cuối thai kì, khẩu phần ăn của bà bầu so với người bình thường:

  • Lượng dầu mỡ tăng thêm 1 đơn vị.
  • Sữa và các thực phẩm có chứa đạm tăng thêm 3 đơn vị.
  • Rau củ quả tăng thêm 1 đơn vị.
  • Ngũ cốc tăng 1,5 đơn vị.
  • Nước tăng thêm 2 đơn vị.

Đối với phụ nữ cho con bú:

  • Nước tăng 3 đơn vị.
  • Ngũ cốc tăng 2,5 đơn vị.
  • Rau và quả mỗi loại tăng 1 đơn vị.
  • Thực phẩm chứa đạm tăng 2 đơn vị.
  • Sữa tăng 3 đơn vị.
  • Dầu mỡ tăng 2 đơn vị.

Một số nguyên tắc dinh dưỡng cho bà bầu

Bên cạnh việc tuân thủ tháp dinh dưỡng theo từng giai đoạn, mẹ bầu còn cần chú ý một số nguyên tắc dinh dưỡng sau:

  • Tránh xa các loại thực phẩm có thể gây hại như thực phẩm tươi sống (gỏi, hàu sống, sữa tươi không tiệt trùng…), các loại cá biển chứa nhiều thủy ngân (nhất là loại cá lớn sống lâu năm), rượu bia, thuốc lá, chất kích thích…
  • Bổ sung đúng, đủ lượng vitamin và khoáng chất cần thiết theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Không ăn kiêng trong thai kỳ vì có thể gây thiếu chất. Thay vào đó, hãy kết hợp chế độ dinh dưỡng với luyện tập thường xuyên để có một thai kỳ khỏe mạnh và một vóc dáng cân đối.
  • Ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn từ tốn, không ăn quá nhiều thức ăn một lúc.
Vai trò của dinh dưỡng với phụ nữ có thai là gì? Tìm hiểu tháp dinh dưỡng cho bà bầu 5 Mẹ bầu cần tránh xa bia rượu và các chất kích thích trong thai kỳ

Trên đây là một số thông tin mẹ bầu cần biết về dinh dưỡng trong thai kỳ cũng như tháp dinh dưỡng cho bà bầu. Hy vọng qua bài viết trên, mẹ bầu có thể xây dựng được cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Chúc mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Medlatec, Sức khỏe đời sống

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm