Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Biến chứng của bệnh thương hàn. Nguyên nhân và điều trị ra sao?

Ngày 29/06/2021
Kích thước chữ

Thương hàn là bệnh về đường tiêu hóa, có khả năng lây lan trong cộng đồng. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu ngay dưới đây!

Thương hàn là một bệnh khởi phát rất đột ngột. Trong trường hợp nhẹ, bệnh thương hàn thường không có triệu chứng. Trong trường hợp nặng, bệnh gây sốt cao kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, nôn khan, táo bón hoặc tiêu chảy,… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tử vong, loét thanh mạc và thủng ruột dẫn đến chảy máu. Vậy biến chứng của bệnh thương hàn nguy hiểm như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Biến chứng của bệnh thương hàn

1. Biến chứng tiêu hóa

Một trong những cơ quan chịu dễ bị biến chứng của bệnh thương hàn đó là hệ tiêu hóa: 

  • Xuất huyết tiêu hoá: Thường gặp khoảng 15% các trường hợp nhưng có tới 25% các bệnh nhân có vi xuất huyết không cần phải truyền máu. Thường ruột không thủng nhưng đôi khi chảy nhiều máu gây ra tình trạng sốc. Quá trình xuất huyết thường tự giới hạn, không cần phải phẫu thuật.
  • Viêm miệng lợi: niêm mạc miệng lợi khô và có những chỗ phỏng rồi loét nhỏ. Ngoài ra có thể gặp loét thực quản và dạ dày.
  • Thương hàn đại tràng: tiêu chảy nhiều, phân nặng mùi. Thông thường người bệnh đau nhiều thượng vị và hố chậu trái, bụng chướng và có thể thấy quai đại tràng nổi lên.

Ngoài ra có thể gặp tình trạng liệt ruột, xuất huyết khoang phúc mạc với triệu chứng viêm phúc mạcviêm tụy xuất huyết.

bien-chung-cua-benh-thuong-han-nguyen-nhan-va-dieu-tri-ra-sao-1

Biến chứng của bệnh thương hàn có thể gây xuất huyết tiêu hóa

2. Biến chứng gan mật

Một biến chứng của bệnh thương hàn đó là gây ra bệnh gan mật. Thường gặp tăng nhẹ transaminase nhưng không có triệu chứng. Viêm túi mật cấp hoặc mạn tính có thể xuất hiện sau sốt thương hàn nhiều tháng đến nhiều năm.

3. Biến chứng hệ thần kinh:

  • Phổ các biến chứng với hệ thần kinh rất rộng. Hay gặp nhất là rối loạn ý thức từ mất định hướng cho đến mê sảng, sững sờ, ngủ gà và hôn mê. Mê sảng thường dai dẳng ngay cả sau khi thân nhiệt đã trở về bình thường.
  • Các biến chứng không thường gặp khác là co giật, viêm màng não, viêm não tuỷ, viêm tuỷ cắt ngang, viêm thần kinh sọ và ngoại biên và hội chứng Guillain-Barré.
  • Các biểu hiện loạn thần như bệnh cảnh giống tâm thần phân liệt, hưng cảm, trầm cảm và căng trương lực.
  • Viêm não: Có thể xuất hiện sớm ngay từ đầu hoặc xuất hiện muộn vào thời kỳ cuối của bệnh. Bệnh nhân xuất hiện rối loạn ý thức, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn thân nhiệt, rối loạn thần kinh dinh dưỡng. Có thể có tổn thương bó tháp hay hệ ngoại tháp, tiểu não. Tiên lượng nặng, bệnh nhân dễ dẫn đến tử vong.
  •  Viêm màng não thương hàn: hay gặp ở trẻ em hơn người lớn. Bệnh nhân nhức đầu, cứng gáy, có dấu Kernig, giảm phản xạ, sợ ánh sáng.
  • Dịch não tuỷ tế bào nói chung bình thường, tăng nhẹ albumin. Ngoài ra, có thể có biểu hiện như một viêm màng não mủ, tìm được vi khuẩn thương hàn trong dịch não tuỷ. Có thể có xuất huyết màng não như một biểu hiện của thương hàn thể xuất huyết.

4. Biến chứng tim mạch:

Một trong những biến chứng của bệnh thương hàn khá nghiêm trọng đó là gây ảnh hưởng đến tim mạch như:

  • Truỵ tim mạch: là tình trạng đột ngột tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, tim đập nhanh, tím tái, chi lạnh, vã mồ hôi và lả đi. Trước đây vẫn cho là biến chứng của việc dùng chloramphenicol diệt vi khuẩn làm sinh ra quá nhiều nội độc tố, nhưng hiện nay biến chứng này ngày càng được mô tả nhiều hơn.
  • Viêm cơ tim: gặp ở 1-5% trường hợp biến chứng của thương hàn, có thể không có triệu chứng gì nhưng cũng có thể đau ngực, suy tim ứ máu, loạn nhịp tim hay sốc tim.
  • Viêm động mạch: thường ở giai đoạn lui bệnh. Bệnh nhân đột nhiên sốt trở lại, đau dọc theo động mạch, có cảm giác kiến bò hay chuột rút. Khám thấy chi lạnh đi, màu da nhợt, có thể mất hẳn mạch và hoại thư. Để chẩn đoán, phải thăm dò siêu âm Doppler mạch.
  • Viêm tĩnh mạch sâu: có thể xuất hiện sớm hoặc muộn. Dùng các thuốc chống đông phải rất thận trọng vì có nguy cơ xuất huyết.
  • Viêm màng ngoài timviêm nội tâm mạc: hiếm gặp.

5. Các biến chứng khác:

  • Các biến chứng phổi, màng phổi: Áp xe phổi, viêm màng phổi thanh tơ huyết.
  • Các biến chứng huyết học: rối loạn đông máu do tiêu thụ (DIVC).
  • Các biến chứng hiếm gặp: Viêm xương: xương chi, cột sống, xương sườn, viêm cầu thận, viêm ống thận, hội chứng tan máu urê huyết cao.

Nguyên nhân gây ra bệnh thương hàn

1 Nguồn truyền nhiễm:

Nguồn truyền nhiễm bệnh quan trọng của bệnh thương hàn đến từ người bệnh, khi người bệnh vẫn có thể lây nhiễm cho người khác trong thời gian ủ bệnh. Bên cạnh đó sau khi chấm dứt các triệu chứng lâm sàng, đa số người đã khỏi bệnh vẫn mang vi khuẩn Salmonella typhi trong người và vẫn tiếp tục đào thải vi khuẩn ra môi trường bên ngoài trong khoảng thời gian từ 2 – 3 tuần. Trong một số trường hợp, người bệnh vẫn tiếp tục đào thải vi khuẩn ra ngoài môi trường trong 2 – 3 tháng.

2 Phương thức lây nhiễm:

Người mắc bệnh thương hàn do uống nước hoặc ăn những loại thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhất là trứng, thịt bò, thịt gia cầm, sữa… Vi khuẩn thương hàn có khả năng sinh sôi trong sữa và các chế phẩm, mà không làm thay đổi tính chất hay mùi vị. Nấu chín thực phẩm là phương pháp giúp giảm bớt nguy cơ nhiễm khuẩn, nhưng không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ

bien-chung-cua-benh-thuong-han-nguyen-nhan-va-dieu-tri-ra-sao-2

Nguyên nhân gây ra bệnh thương hàn

Bên cạnh đó, thương hàn còn có thể lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp, hay tiếp xúc với chất thải, đồ dùng bị nhiễm khuẩn từ người bệnh.

Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường gặp nhất vẫn là những người trong độ tuổi từ 15 – 30. Đây là nhóm tuổi có khả năng sinh sống và làm việc tại những nơi có điều kiện sống bất lợi như nguồn nước bị ô nhiễm, chất thải không được xử lý. Tuy nhiên thực tế, điều kiện vệ sinh và ý thức giữ gìn vệ sinh chung của cộng đồng đã cải thiện đáng kể so với quá khứ, nên nguy cơ lây truyền bệnh thương hàn theo con đường này đang giảm dần theo thời gian.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh thương hàn

Để có biện pháp phòng ngừa các biến chứng của bệnh thương hàn thì cần phải chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra bệnh là gì, cần đưa bệnh nhân đến các bệnh viện hoặc các trung tâm y tế lớn được trang bị đầy đủ dụng cụ, máy móc và có các bác sĩ chuyên môn cao.

Tại đó, các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh thương hàn bằng cách dựa vào các triệu chứng lâm sàng như sốt hơn một tuần không rõ nguyên nhân, kèm rối loạn tiêu hóa, gan và lá lách to, nổi hồng ban. Ngoài ra, các bác sĩ còn chẩn đoán bệnh dựa vào phương pháp cận lâm sàng: Bạch cầu máu không tăng, phản ứng với huyết thanh Widal, PCR, RIA, ELISA,… Hay dựa vào kết quả cấy vi khuẩn (+).

Các biện pháp điều trị bệnh thương hàn

1. Điều trị đặc hiệu

Tuy việc điều trị bệnh không quá phức tạp nhưng hiện nay tình trạng Vi khuẩn thương hàn kháng thuốc kháng sinh là rào cản lớn đối với các bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh. Hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh được thông báo lần đầu tiên ở Ấn Độ năm 1960.

Tại Việt Nam, vi khuẩn thương hàn kháng Chloramphenicol 91,2%; Bactrim 96%; Ampicillin 92,8%; cùng một số loại kháng sinh mới như Claforan, Norfloxacin, Ciprobay. Trong vòng 5 – 10 năm trở lại đây, các nhà nghiên cứu đã phân lập được chủng vi khuẩn kháng thuốc với kháng sinh như nhóm Fluoroquinolone và nhóm Cephalosporin thế hệ III. 

2. Điều trị triệu chứng

Bên cạnh điều trị đặc hiệu với kháng sinh nhóm Fluoroquinolone và nhóm Cephalosporin thế hệ III, triệu chứng của bệnh thương hàn còn được điều trị bằng cách bù nước điện giải (1500-2000ml/ngày) theo tỷ lệ Glucose 5%, Ringer Lactat, Natri clorid 9%, hạ sốt khi sốt cao, áp dụng chế độ ăn với thức ăn mềm và đủ chất dinh dưỡng trong thời gian sốt.

bien-chung-cua-benh-thuong-han-nguyen-nhan-va-dieu-tri-ra-sao-3

Các biện pháp điều trị bệnh thương hàn

3. Điều trị biến chứng

Xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột và biến chứng choáng nội độc tố là những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình điều trị bệnh thương hàn.

Đối với trường hợp bị xuất huyết tiêu hóa, các bác sĩ không dịch chuyển bệnh nhân, và ngay lập tức cho chườm lạnh, sử dụng thuốc cầm máu và truyền thêm máu. Trong trường hợp người bệnh bị thủng ruột, bác sĩ có thể chống sốc điều trị ngoại khoa.

Khi bệnh nhân có biến chứng choáng nội độc tố, các bác sĩ có thể dùng thuốc kháng viêm Solu medrol 30mg/kg truyền trong 30 phút đầu và có thể lặp lại sau 4 – 6 giờ trong vòng 48 giờ.

Ngoài ra để điều trị người lành mang vi khuẩn, các bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc như Ciprofloxacin, Pefloxacin, Cefixim…

Trên đây là tổng hợp thông tin về biến chứng của bệnh thương hàn cũng như nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả. Hy vọng Trung tâm Tiêm chủng Long Châu sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích nhé!

Xem thêm:

Thủy Phan

(Nguồn: Tổng Hợp)

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Chủ đề:thương hàn