Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm khớp ngón tay: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm khớp ngón tay là bệnh lý tương đối thường gặp ở người già do nguyên nhân thoái hóa. Viêm khớp ngón tay ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hàng ngày của người mang bệnh. Việc hiểu rõ những thông tin liên quan của bệnh giúp bạn phòng bệnh và điều trị bệnh hiệu quả hơn. Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ làm rõ khái niệm, triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa viêm khớp ngón tay.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm khớp ngón tay là gì?

Viêm khớp ngón tay là bệnh lý viêm xảy ra tại các khớp ngón tay. Tình trạng viêm làm tổn thương các cấu trúc xung quanh khớp như gân cơ, dây chằng, bao hoạt dịch, sụn đầu xương,... gây ra đau nhức tại khớp ngón tay.

Phần sụn bao phủ đầu xương ngón tay bị giảm chất lượng do viêm dẫn đến thoái hóa khớp. Lúc này, bề mặt sụn trở nên sần sùi hơn. Khi các xương cọ xát vào nhau sẽ làm tổn thương khớp, dẫn đến hình thành gai xương hoặc các khối gồ lên trên khớp ngón tay.

Các dạng viêm khớp ngón tay thường gặp:

  • Viêm xương khớp: Thường gặp nhất, xảy ra do lớp sụn bị ăn mòn dần khiến đoạn xương dưới khớp lộ ra.
  • Viêm khớp dạng thấp: Một bệnh tự miễn gây viêm sưng ở khớp.
  • Gout: Xảy ra do cơ thể gặp vấn đề về chuyển hóa axit uric, làm hình thành các tinh thể rắn bên trong khớp.

Bàn tay là khớp thực hiện nhiều chức năng tinh vi nên tham gia hầu hết các hoạt động hàng ngày. Khi mắc bệnh viêm khớp ngón tay, chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cũng vì là khớp tham gia hầu hết các hoạt động nên khi bị tổn thương mà không có chế độ vận động hợp lý, bệnh dễ tái phát và dẫn đến nhiều biến chứng khác.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp ngón tay

Các triệu chứng của viêm khớp ngón tay bao gồm: đau, sưng, cứng khớp, đỏ, giảm khả năng cử động, và đôi khi là nóng ở khu vực bị ảnh hưởng.

Triệu chứng ban đầu

Đau khớp ngón tay là triệu chứng sớm phổ biến của viêm khớp ở ngón tay. Viêm khớp giai đoạn sớm ở ngón tay có thể gây đau âm ỉ, đau nhức, cứng khớp, sưng và yếu khớp. Những triệu chứng này có xu hướng phát triển chậm và xấu đi theo thời gian.

Triệu chứng khi đã bị một thời gian

  • Cứng khớp buổi sáng: Sau một đêm nghỉ ngơi, khớp ngón tay không vận động, người bệnh thường sẽ cảm nhận được khớp bị cứng, khó cử động. Các khớp không thể di chuyển tự do khi mô mềm và sụn sưng lên.
  • Sưng các khớp ngón tay: Đôi khi, vết sưng có thể trở nên tồi tệ đến mức hạn chế khả năng sử dụng bàn tay và ngón tay. Da xung quanh các khớp ngón tay cũng có thể đỏ và sưng húp, và có thể đau khi chạm vào khu vực này.
  • Biến dạng khớp liên đốt: Các khớp liên đốt bị tổn thương tái đi tái lại nhiều lần sẽ có hiện tượng gai xương, dính xương dẫn đến biến dạng khớp và gây khó khăn trong cử động.
  • Lạo xạo khi cử động: Khi có tổn thương sụn ở các khớp ngón tay, một người có thể nghe thấy tiếng lạo xạo khi cử động.
  • Triệu chứng toàn thân: Ngoài những dấu hiệu nêu kể trên, người bệnh viêm khớp ngón tay có thể xuất hiện tình trạng sốt nhẹ, mệt mỏi,... là những triệu chứng chung của toàn thân khi cơ thể có bệnh lý viêm.
Viêm khớp ngón tay là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh lý viêm khớp ngón tay 4
Biến dạng khớp ngón tay xuất hiện muộn và có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm khớp ngón tay

Có thể kể đến một vài biến chứng của bệnh viêm khớp ngón tay như sau:

  • Viêm màng bao hoạt dịch khớp ngón tay: Khi khớp bị viêm, các mạch máu xung quanh tăng tính thấm thu hút các yếu tố viêm dẫn đến viêm màng hoạt dịch.
  • Biến dạng khớp và teo cơ: Do không vận động trong thời gian dài, máu được chuyển đến nuôi cơ giảm đi, lâu dần cơ sẽ bị teo lại do không được nuôi dưỡng. Tổn xương và các cấu trúc lân cận sẽ làm biến dạng trục tự nhiên của khớp, dẫn đến biến dạng khớp do dính khớp,... khiến hoạt động ngón tay trở nên khó khăn hơn.
  • Tàn phế: Khi bệnh trở nên nghiêm trọng và tái đi tái lại nhiều lần, người bệnh phải đối diện với nguy cơ khớp ngón tay mất khả năng vận động do sự biến dạng và dính khớp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi đau và sưng khớp không biến mất sau một thời gian hay tái phát nhiều lần trong năm, mọi người nên gặp bác sĩ để được kiểm tra toàn diện. Chẩn đoán sớm giúp bác sĩ lập kế hoạch điều trị trước khi các triệu chứng trở nên xấu hơn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây viêm khớp ngón tay

Viêm khớp ngón tay có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm: viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, chấn thương, và các bệnh tự miễn như lupus. Nhiễm trùng cũng có thể là nguyên nhân gây viêm khớp.

Thoái hóa

Loại viêm khớp này xảy ra dựa trên sự hao mòn tích lũy của sụn và khớp ở các ngón tay. Khi thoái hóa khớp hình thành theo thời gian kết hợp với việc sử dụng ngón tay thường xuyên, nhiều khả năng bệnh sẽ phát triển ở người cao tuổi.

Chấn thương

Khi một người từng bị chấn thương ngón tay trước đó, chẳng hạn như trật khớp hoặc gãy xương, đó có thể là nguyên nhân gây viêm khớp. Ngay cả khi được điều trị đúng cách, khớp bị thương vẫn có nhiều khả năng bị viêm khớp theo thời gian. Gãy xương và trật khớp, tổn thương dây chằng,... đều có thể dẫn đến viêm khớp.

Nhiễm khuẩn

Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng viêm khớp ngón tay. Khi virus, vi khuẩn từ máu di chuyển vào màng bao quanh khớp tạo ra chất gây viêm TNF-alpha và kích hoạt phản ứng viêm khớp cổ tay, ngón tay.

Tính chất công việc

Những người thường xuyên phải sử dụng đến khớp ngón tay sẽ khiến cho các khớp ở vị trí này hoạt động liên tục, trong một thời gian dài sẽ dẫn tới viêm, đau khớp ngón tay như nhân viên văn phòng, thợ may,...

Một số các bệnh tự miễn

Gout, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp là những bệnh lý viêm khớp toàn thân và thường có biểu hiện sớm nhất là viêm các khớp ngón tay.

Để xác định nguyên nhân gốc rễ của bệnh viêm khớp ở tay, bác sĩ có trình độ chuyên môn cần tiến hành kiểm tra toàn diện để chẩn đoán chính xác. Chỉ sau khi chẩn đoán đầy đủ, bác sĩ mới có thể giải thích các lựa chọn điều trị thích hợp và các rủi ro liên quan.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm khớp ngón tay?

Những đối tượng có nguy cơ viêm khớp ngón tay có thể kể đến như sau:

  • Người cao tuổi: Cơ thể bắt đầu lão hóa theo thời gian, kể cả sụn khớp.
  • Người có tiền gen mắc bệnh viêm khớp: Liên quan đến di truyền.
  • Nữ giới: Nữ giới có nguy cơ mắc viêm khớp cao hơn.
  • Béo phì: Cân nặng quá khổ tạo áp lực lên sụn khớp.
  • Người đã từng tổn thương khớp ngón tay như gãy xương, bong gân.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm khớp ngón tay

Một số yếu tố nguy cơ sau liên quan đến viêm khớp ngón tay bao gồm:

  • Chấn thương: Các hoạt động lặp đi lặp lại và chấn thương cấp tính có thể gây tổn thương khớp và dẫn đến viêm khớp.
  • Hút thuốc: Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn.
  • Nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng có thể gây tổn thương khớp ngón tay như viêm khớp dạng thấp, gout,...
  • Tuổi tác: Những người có tuổi càng cao càng có nhiều nguy cơ viêm khớp ngón tay.
  • Giới tính: Một số loại viêm khớp phổ biến ở phụ nữ như lupus.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp ngón tay

Các xét nghiệm gợi ý viêm toàn thân như xét nghiệm máu hay viêm tại chỗ như chọc dò dịch khớp sẽ được bác sĩ chỉ định thường quy. Mặc khác, để chẩn đoán tình trạng bệnh, bác sĩ cũng sẽ tiến hành thăm khám và chỉ định thực hiện một số kỹ thuật như chụp X-quang, chụp MRI, siêu âm,… khớp ngón tay.

Viêm khớp ngón tay là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh lý viêm khớp ngón tay 5
X-quang khớp bàn tay giúp phát hiện tổn thương trong viêm khớp ngón tay

Phương pháp điều trị viêm khớp ngón tay

Có rất nhiều phương pháp điều trị viêm khớp ngón tay khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Nguyên lý chung khi điều trị viêm khớp là khắc phục triệu chứng đau và hỗ trợ phục hồi vận động cho bệnh nhân. Có rất nhiều phương pháp dễ tiếp cận, đồng thời đem lại hiệu quả cao khi kết hợp trong điều trị. Cụ thể như sau:

Không can thiệp phẫu thuật

Vật lý trị liệu

Đây là biện pháp giúp làm giảm tình trạng đau nhức khớp ngón tay, giúp bệnh nhân phục hồi vận động khớp ngón tay. Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị khá an toàn, không gây ra tác dụng phụ, cho kết quả vượt trội nên được chỉ định trong hầu hết các trường hợp mắc viêm khớp ngón tay.

Những bài tập phổ biến là các bài tập về vận động khớp ngón tay như bóp bóng, chạm ngón, căng gấp các ngón,...

Băng thun, nẹp ngón tay

Phương pháp này giúp người bệnh giảm đau và ngăn ngừa chứng biến dạng khớp, giúp khớp ở tư thế nghỉ ngơi. Bạn có thể chỉ cần đeo nẹp khi ngủ hoặc lúc vận động nhiều để được thoải mái hơn.

Viêm khớp ngón tay là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh lý viêm khớp ngón tay 6
Nẹp ngón tay giúp giảm đau và phục hồi vận động khớp ngón tay

Sử dụng các phương pháp y học cổ truyền

Các phương pháp y học cổ truyền điều trị viêm khớp ngày càng được ưa chuộng bởi tính an toàn và hiệu quả của nó. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc như dưỡng sinh, xoa bóp, bấm huyệt,... giúp giảm đau và tăng khả năng vận động khớp ngón tay. Bạn có thể trực tiếp đến các cơ sở điều trị y học cổ truyền uy tín để được hỗ trợ tốt hơn.

Sử dụng thuốc Tây

Để giảm đau nhanh chóng và hiệu quả, người bệnh có thể sử dụng các thuốc giảm đau kháng viêm từ đơn giản đến phức tạp như Paracetamol, Paracetamol kết hợp Tramadol, NSAIDs,... Bạn cũng nên lưu ý một số tác dụng phụ của nhóm thuốc này trên đường tiêu hóa khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn chi tiết hơn.

Phẫu thuật khớp ngón tay

Phương pháp này chỉ sử dụng khi tình trạng bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu đi và không đáp ứng với các biện pháp điều trị nội khoa. Phẫu thuật được chỉ định giúp hạn chế tối đa những biến chứng của bệnh xuất hiện bao gồm phẫu thuật hàn khớp hoặc thay khớp nhân tạo.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm khớp ngón tay

Chế độ sinh hoạt:

  • Tránh xách đồ nặng bằng ngón tay.
  • Thay đổi các hoạt động thường xuyên tác động đến khớp ngón tay như đánh máy, bẻ các khớp,... để tránh gây tổn thương nhiều nhất.
  • Mang nẹp khi bản thân có dị tật bẩm sinh.
Viêm khớp ngón tay là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh lý viêm khớp ngón tay 7
Xách nặng dễ gây tổn thương khớp ngón tay

Chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn của bệnh nhân viêm khớp ngón tay cần kết hợp đa dạng các loại thực phẩm giúp cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ bị béo phì,... giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phương pháp phòng ngừa viêm khớp ngón tay hiệu quả

Để hạn chế viêm khớp ngón tay xảy ra hay làm ảnh hưởng đến sức khỏe, mọi người có thể thực hiện các cách sau đây:

  • Nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên môn để được thăm khám và điều trị ngay khi có các triệu chứng báo hiệu bệnh viêm khớp ngón tay.
  • Hạn chế vận động khớp ngón tay ở giai đoạn cấp của bệnh và tập vận động ngay khi có thể, tăng từ từ mức độ tập luyện khớp ngón tay cho đến khi hoạt động lại bình thường.
  • Hạn chế xách đồ bằng các ngón tay.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục và xây dựng chế độ ăn uống khoa học giúp nâng cao hệ miễn dịch, sự dẻo dai của các khớp.
  • Thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát được bệnh, sớm phát hiện để điều trị.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.medicalnewstoday.com/articles/arthritis-in-fingers 
  2. https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/identifying-arthritis-in-your-fingers-and-thumbs 
  3. https://www.verywellhealth.com/finger-arthritis-2549393 

 

Các bệnh liên quan

  1. Bàn chân khoèo

  2. Bệnh Scheuermann

  3. Loãng xương

  4. Bệnh khớp do thần kinh

  5. Viêm khớp háng ở trẻ em

  6. Sưng khớp

  7. Loạn dưỡng xương

  8. U tế bào khổng lồ

  9. Hội chứng Sudeck

  10. Viêm khớp thiếu niên