Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh tay chân miệng người lớn​ nguy hiểm hơn chúng ta vẫn nghĩ

Thanh Hương

15/03/2025
Kích thước chữ

Bệnh tay chân miệng người lớn​ gây ra nhiều bất tiện và biến chứng nguy hiểm nếu không được xử lý đúng cách. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa tay chân miệng người lớn​ hiệu quả.

Khi nhắc đến tay chân miệng, nhiều người thường nghĩ đây là căn bệnh chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ. Nhưng thực tế, người lớn cũng vẫn có thể bị mắc căn bệnh này khi tiếp xúc với virus gây bệnh. Hiểu biết về bệnh tay chân miệng người lớn​ là cách để bạn bảo vệ bản thân và phòng ngừa lây nhiễm ra cộng đồng.

Tay chân miệng ở người lớn có gì khác với ở trẻ em?

Tay chân miệng ở người lớn là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Hai chủng phổ biến nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Theo Bộ Y tế Việt Nam, bệnh ghi nhận hàng năm chủ yếu ở trẻ em, nhưng người lớn cũng không miễn nhiễm, vì virus có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết, nước bọt, phân, hoặc bề mặt nhiễm khuẩn. Điều này khiến nguy cơ bùng phát tăng cao trong môi trường đông đúc, thiếu vệ sinh.

Người lớn ít mắc bệnh hơn do hệ miễn dịch đã phát triển mạnh mẽ hơn. Nhưng họ vẫn có nguy cơ lây nhiễm nếu tiếp xúc với nguồn bệnh Ở người lớn, bệnh thường lây nhiễm qua việc chăm sóc trẻ mắc bệnh hoặc do tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus. Tỷ lệ lây lan tay chân miệng ở người lớn thấp hơn do họ có ý thức vệ sinh tốt hơn.

Bệnh tay chân miệng người lớn​: Nguy hiểm hơn chúng ta vẫn nghĩ 1
Tay chân miệng người lớn​ có thể lây từ trẻ bị bệnh

Ở người lớn, biến chứng nghiêm trọng của tay chân miệng hiếm gặp hơn. Nhưng nếu có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch suy yếu (người mắc tiểu đường, ung thư), bệnh có thể kéo dài và gây viêm nhiễm nặng hơn. Người lớn đã có hệ miễn dịch phát triển, nếu từng mắc tay chân miệng trước đó có thể miễn dịch với một số chủng virus tay chân miệng. Tuy nhiên, họ vẫn có thể bị tái nhiễm với chủng virus khác.

Đối với phụ nữ mang thai, nếu mắc tay chân miệng trong ba tháng đầu và sốt cao, nguy cơ sảy thai hoặc dị tật thai nhi có thể xảy ra. Nếu nhiễm bệnh gần thời điểm sinh, mẹ có thể truyền virus cho bé sơ sinh, khiến trẻ dễ mắc bệnh ngay sau khi chào đời.

Dấu hiệu nhận biết tay chân miệng người lớn​

Theo các thống kê, có đến 50% ca tay chân miệng người lớn​ không biểu hiện triệu chứng. Ở người lớn, dấu hiệu bệnh tay chân miệng thường nhẹ hơn hoặc không rõ ràng. Đôi khi người bệnh chỉ có sốt nhẹ, đau họng mà không xuất hiện mụn nước. Một số người phát ban đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân, và miệng. Lở loét trong miệng thường xuất hiện sau, gây khó khăn khi ăn uống.

Do đau họng và loét miệng, người bệnh thường có xu hướng ăn ít hơn, dễ bị sụt cân nhẹ. Một số trường hợp có thể bị tiêu chảy nhẹ hoặc đau bụng thoáng qua do virus tác động lên hệ tiêu hóa.

Bệnh tay chân miệng người lớn​: Nguy hiểm hơn chúng ta vẫn nghĩ 2
Người lớn bị tay chân miệng thường có triệu chứng nhẹ hơn trẻ em

Một số dấu hiệu cần chú ý ở người lớn bao gồm mệt mỏi kéo dài và sốt cao không rõ nguyên nhân. Khác với trẻ, người lớn ít gặp phát ban lan rộng, nhưng tình trạng mệt mỏi có thể kéo dài hàng tuần. Triệu chứng nặng như khó thở, co giật, hoặc sốt kéo dài quá 7 ngày là dấu hiệu cần được chú ý. Để bệnh tiến triển nặng có thể dẫn đến biến chứng như viêm màng não hay viêm cơ tim.

Nguyên nhân gây tay chân miệng người lớn​

Thủ phạm gây bệnh tay chân miệng ở người lớn chủ yếu là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Các virus này lây lan qua đường tiêu hóa, đặc biệt trong môi trường thiếu vệ sinh. Người bệnh có thể bị nhiễm virus do:

  • Trong quá trình chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng, người lớn tiếp xúc gần với dịch tiết mũi họng, nước bọt hoặc phân của trẻ.
  • Người lớn có hệ miễn dịch suy giảm, đặc biệt là người cao tuổi hoặc có bệnh nền, dễ bị virus tay chân miệng tấn công.
  • Người lớn sống trong những khu vực đông đúc như chung cư, ký túc xá cũng có khả năng nhiễm virus cao.
  • Những công việc đặc thù, thường xuyên tiếp xúc với trẻ bị tay chân miệng như giáo viên mầm non, nhân viên y tế, khu vui chơi trẻ em… cũng có nguy cơ bị tay chân miệng người lớn​ cao hơn người khác.
  • Người lớn căng thẳng, thiếu ngủ, ăn uống kém cũng có thể làm giảm khả năng chống lại virus.
  • Trong gia đình có người bị bệnh nhưng không thực hiện đúng vệ sinh cá nhân và phòng ngừa lây nhiễm bệnh.
Bệnh tay chân miệng người lớn​: Nguy hiểm hơn chúng ta vẫn nghĩ 3
Một số đối tượng người lớn có nguy cơ cao mắc chân tay miệng

Cách điều trị tay chân miệng người lớn​

Hiện nay, tay chân miệng người lớn​ chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, việc điều trị chủ yếu tập trung vào giảm triệu chứng, tăng cường sức đề kháng và phòng tránh biến chứng.

Nghỉ ngơi và chăm sóc tại nhà

Người bệnh cần nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể nhanh chóng phục hồi. Việc uống nhiều nước, đặc biệt là bổ sung nước ép trái cây giàu vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Khi gặp khó khăn trong việc ăn uống do loét miệng, người bệnh nên chọn các món mềm, dễ nuốt như cháo, súp. Bệnh chân tay miệng cần kiêng gì? Đó là đồ cay nóng, thực phẩm khô, cứng, khó nhai, đồ chua, đồ uống có gas và cồn.

Giảm sốt và đau nhức

Nếu sốt trên 38,5°C, người bệnh có thể sử dụng paracetamol theo hướng dẫn để hạ sốt và giảm đau. Nhưng bạn tuyệt đối không tự ý dùng aspirin vì có thể gây biến chứng nguy hiểm. Để giảm đau và hạn chế nhiễm trùng do loét miệng, bạn nên súc miệng bằng nước muối loãng hoặc dung dịch sát khuẩn. Trong trường hợp đau quá mức khi ăn uống, bác sĩ sẽ tư vấn dùng gel bôi miệng chứa lidocain.

Bệnh tay chân miệng người lớn​: Nguy hiểm hơn chúng ta vẫn nghĩ 4
Điều trị tay chân miệng người lớn tập trung vào kiểm soát triệu chứng​

Chăm sóc da, tránh nhiễm trùng vết mụn nước

Người bệnh cũng cần giữ sạch vùng da bị phát ban, không chọc vỡ mụn nước. Bạn cũng có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn nhẹ như dung dịch sát khuẩn xanh methylen để bảo vệ vết thương.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Trong một số trường hợp, nếu bệnh có diễn biến bất thường, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay. Các dấu hiệu nguy hiểm bao gồm sốt cao trên 39°C không giảm sau 48 giờ, đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, cơ thể yếu, run tay chân, co giật hoặc khó thở. Nếu mụn nước bị nhiễm trùng, sưng đỏ hoặc chảy mủ, cũng cần được kiểm tra y tế để tránh biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh tay chân miệng ở người lớn tuy không phổ biến và thường nhẹ hơn so với trẻ em. Nhưng chúng ta không được phép chủ quan, cần theo dõi và điều trị bệnh đúng cách để tránh biến chứng. Việc nhận diện sớm triệu chứng và xử lý kịp thời sẽ giúp bạn vượt qua căn bệnh này một cách nhẹ nhàng. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin