Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

LDL cholesterol bao nhiêu là cao? Cách kiểm soát chỉ số LDL cholesterol

Ngày 11/09/2024
Kích thước chữ

LDL cholesterol thường được gọi là mỡ xấu, là nguyên nhân chính gây ra xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Vậy LDL cholesterol bao nhiêu là cao để có thể gây hại cho sức khỏe?

Chỉ số LDL cholesterol cao có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là khi vượt qua ngưỡng an toàn. Vì vậy hiểu rõ nguyên nhân và nắm bắt LDL cholesterol bao nhiêu là cao sẽ giúp bạn kiểm soát mức độ mỡ xấu này một cách hiệu quả. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu chi tiết về thông số này thông qua bài viết dưới đây.

Chỉ số LDL cholesterol là gì?

LDL cholesterol hay LDL-C, là một loại lipoprotein có tỷ trọng thấp, đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển chất béo và cholesterol từ gan đến các mô và tế bào trong cơ thể. Dù có vai trò thiết yếu, nhưng khi nồng độ LDL cholesterol trong máu cao, nó có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Khi mức LDL cholesterol tăng cao, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ và bệnh mạch vành cũng tăng theo. LDL cholesterol là tác nhân chính hình thành mảng xơ vữa động mạch, khiến các mạch máu bị thu hẹp và cản trở sự lưu thông của máu dẫn đến những rủi ro lớn cho sức khỏe tim mạch.

Bên cạnh đó, mức LDL cholesterol cao còn có liên quan đến các bệnh lý khác như tiểu đường và tăng huyết áp. Các nghiên cứu cho thấy, duy trì cholesterol ở mức an toàn giúp kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ của các bệnh này.

LDL cholesterol bao nhiêu là cao? Cách kiểm soát chỉ số LDC-C 1
LDL cholesterol là chỉ số quan trọng liên quan đến các bệnh lý tim mạch

Giá trị của LDL cholesterol bao nhiêu là cao? Bao nhiêu là tốt?

LDL cholesterol là yếu tố quan trọng cần được chú ý khi đánh giá sức khỏe tim mạch, đặc biệt trong các buổi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Trong xét nghiệm lipid máu, bác sĩ sẽ đo lường cholesterol toàn phần, HDL-C, LDL-C và triglyceride theo đơn vị mmol/L hoặc mg/dL để đánh giá tình trạng mỡ máu.

Một số nơi sử dụng phương trình Friedewald để tính gián tiếp nồng độ LDL cholesterol dựa trên các chỉ số đã có:

  • LDL-C = cholesterol toàn phần – HDL-C – triglyceride/2,2 (nếu tính theo đơn vị mmol/L).
  • LDL-C = cholesterol toàn phần – HDL-C – triglyceride/5 (nếu tính theo đơn vị mg/dL).

Lưu ý rằng công thức này không áp dụng nếu triglyceride ≥ 400mg/dL. LDL cholesterol, còn được gọi là "cholesterol xấu", đóng vai trò quan trọng trong đánh giá nguy cơ bệnh tim mạch. Dựa trên kết quả xét nghiệm và công thức tính, bạn có thể tham khảo các chỉ số dưới đây để biết mức LDL cholesterol bao nhiêu là cao và bao nhiêu là tốt.

Cholesterol toàn phần (mg%):

  • <200: Bình thường.
  • 200 - 239: Giới hạn cao.
  • ≥240: Cao.

HDL Cholesterol (HDL-C):

  • <40: Thấp.
  • ≥ 60: Cao.

LDL Cholesterol (LDL-C):

  • <100: Tối ưu.
  • 100 - 129: Gần tối ưu.
  • 130 - 159: Giới hạn cao.
  • 160 - 189: Cao.
  • ≥ 190: Rất cao.

Triglyceride:

  • <150: Bình thường.
  • 150 - 199: Giới hạn cao.
  • 200 - 400: Cao.
  • ≥ 500: Rất cao.
LDL cholesterol bao nhiêu là cao? Cách kiểm soát chỉ số LDC-C 2
LDL cholesterol là yếu tố quan trọng cần được chú ý khi đánh giá sức khỏe tim mạch

Các mức LDL cholesterol bình thường ở người trưởng thành là dưới 100 mg/dL. Nếu nồng độ LDL cholesterol trong khoảng 100 - 120 mg/dL, vẫn được coi là bình thường. Tuy nhiên, với những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc có nguy cơ cao nên duy trì mức LDL cholesterol dưới 70 mg/dL để giảm thiểu rủi ro.

Mức LDL cholesterol từ 130 - 159 mg/dL được coi là giới hạn cao, 160 - 189 mg/dL là cao và từ 190 mg/dL trở lên là rất cao. Các con số này cung cấp hướng dẫn quan trọng để bạn đánh giá và kiểm soát rủi ro tim mạch của mình.

Đối với trẻ em, mức giới hạn cao của LDL cholesterol là từ 110 - 129 mg/dL và trên 130 mg/dL được xem là cao. Do đó, phụ huynh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của con em mình để duy trì mức LDL cholesterol dưới 110 mg/dL, đảm bảo sức khỏe tim mạch từ sớm.

Những nguyên nhân khiến LDL cholesterol tăng

LDL cholesterol tăng cao thường liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim và xơ vữa động mạch. Những yếu tố sau đây là nguyên nhân chính góp phần làm tăng LDL cholesterol.

Chế độ ăn uống

Tiêu thụ quá nhiều chất béo không lành mạnh như từ pho mát, trứng, sữa và mỡ động vật, có thể làm tăng mức LDL cholesterol. Những chất béo này góp phần hình thành mảng xơ vữa trong động mạch. Thay vì sử dụng chất béo không lành mạnh nên ưu tiên các loại chất béo tốt như dầu oliu, dầu hạt lanh, hạt chia và các loại hạt chứa axit béo omega-3.

Cân nặng

Thừa cân và béo phì không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn làm tăng mức LDL cholesterol trong máu, đồng thời giảm HDL cholesterol. Khi cơ thể tích tụ nhiều chất béo, chúng được chuyển đến gan và tạo thành LDL cholesterol, dễ bị oxy hóa và gắn vào thành mạch máu tạo ra mảng xơ vữa, cản trở lưu thông máu. Khi mức HDL cholesterol giảm, cơ thể mất đi khả năng loại bỏ mảng xơ vữa, làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

Ít vận động

Thiếu hoạt động thể chất là nguyên nhân phổ biến nhưng ít được chú ý trong việc tăng LDL cholesterol. Khi lười vận động, cơ thể không thể đốt cháy chất béo hiệu quả dẫn đến sự gia tăng axit béo bão hòa và LDL cholesterol xấu. Lối sống ít vận động cũng làm tăng cân và tác động tiêu cực đến hệ thống lipid máu.

LDL cholesterol bao nhiêu là cao? Cách kiểm soát chỉ số LDC-C 4
Tập luyện thể dục đều đặn giúp loại bỏ lượng mỡ xấu trong cơ thể một cách đáng kể

Hút thuốc

Hút thuốc làm tăng mức LDL cholesterol và giảm HDL cholesterol từ đó tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa. Nicotine và các chất độc trong khói thuốc làm tổn thương thành mạch máu, tạo điều kiện cho quá trình oxy hóa LDL cholesterol, dẫn đến cản trở lưu thông máu và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Tiền sử gia đình

Nếu gia đình có người bị LDL cholesterol cao, nguy cơ di truyền tình trạng này ở bạn cũng tăng. Các yếu tố di truyền ảnh hưởng đến khả năng xử lý cholesterol của cơ thể. Do đó, nếu có tiền sử gia đình, việc quản lý sớm bằng thay đổi lối sống và chế độ ăn uống là rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Tuổi tác

Tuổi tác làm thay đổi hệ thống lipid máu, đặc biệt là mức LDL cholesterol. Khi già đi, cả nam và nữ đều có xu hướng tăng chỉ số LDL cholesterol. Ở phụ nữ, sau thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen giảm, làm tăng LDL cholesterol và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Các vấn đề sức khỏe khác

Người mắc bệnh HIV/AIDS, thận mãn tính hoặc tiểu đường đều có nguy cơ cao về cholesterol.

  • Các thuốc chống retrovirus dùng trong điều trị HIV/AIDS có thể ảnh hưởng đến lipid máu.
  • Bệnh thận mãn tính khiến thận không thể loại bỏ cholesterol hiệu quả, dẫn đến tích tụ trong máu.
  • Tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ rối loạn lipid, bao gồm tăng LDL cholesterol, ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát cholesterol trong cơ thể.

Cách làm giảm chỉ số LDL cholesterol

Giảm LDL cholesterol là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Để đạt được điều này, bạn có thể thực hiện những thay đổi quan trọng trong lối sống hàng ngày, bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống, duy trì thói quen sống lành mạnh và áp dụng chế độ tập luyện hợp lý.

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và giảm cân

Thiết lập một chế độ ăn uống cân đối giúp kiểm soát cân nặng và giảm LDL cholesterol. Nên bổ sung rau củ quả giàu chất xơ vào thực đơn hàng ngày để giảm hấp thụ cholesterol từ thực phẩm. Sử dụng các loại dầu lành mạnh như dầu oliu, dầu đậu nành và dầu hướng dương, bởi chúng chứa axit béo không no có lợi cho tim mạch.

Hạn chế đồ ăn nhanh và nước ngọt có ga vì chúng thường chứa nhiều chất béo bão hòa và đường, góp phần làm tăng mức LDL cholesterol. Giảm tiêu thụ các thực phẩm này giúp duy trì cân nặng ổn định và cải thiện sức khỏe tim mạch.

LDL cholesterol bao nhiêu là cao? Cách kiểm soát chỉ số LDC-C 3
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để giảm LDL Cholesterol có hại cho sức khỏe 

Thói quen sống lành mạnh

Ngoài chế độ ăn uống, việc điều chỉnh lối sống hàng ngày cũng có tác động tích cực đến việc kiểm soát cholesterol:

  • Giảm stress: Căng thẳng có thể làm tăng mức LDL cholesterol. Thực hiện các hoạt động thư giãn như yoga, thiền hoặc các sở thích giải trí như đọc sách, nghe nhạc giúp giảm stress hiệu quả.
  • Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ làm rối loạn chuyển hóa lipid, tăng cholesterol xấu. Hãy đảm bảo ngủ từ 7 - 8 giờ mỗi đêm để duy trì sức khỏe tim mạch tốt.
  • Tránh các chất gây hại: Hạn chế hoặc ngừng hút thuốc lá, uống rượu và tránh tiếp xúc với ô nhiễm không khí để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Theo dõi mức LDL cholesterol qua các cuộc khám định kỳ sẽ giúp bạn kiểm soát tình trạng cholesterol và nhận tư vấn điều trị kịp thời từ bác sĩ.

Chế độ tập luyện hợp lý

Tập thể dục đều đặn là một trong những phương pháp hiệu quả để giảm LDL cholesterol và tăng cường sức khỏe tim mạch. Dưới đây là các gợi ý về chế độ tập luyện:

  • Tập thể dục cardio: Các hoạt động như đi bộ, chạy bộ, đạp xe và bơi lội giúp tăng cường tuần hoàn máu và giảm cholesterol xấu. Nên tập ít nhất 150 phút mỗi tuần.
  • Tập thể dục chịu lực: Tập luyện với tạ hoặc máy tập giúp tăng cường cơ bắp và giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
  • Tập thể dục mật độ cao: Tập luyện cường độ cao với các bài như burpees, squat jump và jumping jacks giúp đốt cháy mỡ nhanh chóng và cải thiện sức khỏe tim mạch.
  • Tập mở rộng và linh hoạt: Các bài tập như yoga hoặc pilates giúp tăng cường linh hoạt và giảm căng thẳng, hỗ trợ hiệu suất tập luyện.
  • Kết hợp nhiều hình thức tập luyện: Sự kết hợp giữa cardio, tập tạ và các bài tập linh hoạt sẽ tối ưu hóa sức khỏe tim mạch và giảm LDL cholesterol hiệu quả.

Trên đây là những thông tin Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp về chỉ số LDL cholesterol, cũng như các giá trị bất thường và cách kiểm soát chúng. Hy vọng quý bạn đọc đã có cái nhìn đúng và xây dựng cho bản thân, gia đình chế độ ăn uống sinh hoạt hiệu quả nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin