Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn phân biệt huyết áp thấp và rối loạn tiền đình

Ngày 22/09/2023
Kích thước chữ

Huyết áp thấp và rối loạn tiền đình thường có một số triệu chứng tương tự như chóng mặt và buồn nôn, nhưng đây là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu cách phân biệt giữa huyết áp thấp và rối loạn tiền đình.

Nhiều người thường gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa huyết áp thấp và rối loạn tiền đình vì chúng có thể có các triệu chứng tương tự. Nội dung bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ và phân biệt các triệu chứng của huyết áp thấp và rối loạn tiền đình, giúp bạn hiểu rõ hơn về những điểm khác biệt quan trọng và cách xác định đúng tình trạng của bạn. Từ đó các cách xử trí kịp thời và hiệu quả, tránh các biến chứng bệnh nguy hiểm.

Huyết áp thấp là gì?

Huyết áp thấp là một bệnh lý liên quan đến tim mạch. Huyết áp thấp thường được xác định bởi các chỉ số huyết áp, bao gồm huyết áp tâm thu (systolic) và huyết áp tâm trương (diastolic). Ở người khỏe mạnh bình thường, huyết áp tâm thu thường dao động từ 90 đến 120 mmHg và huyết áp tâm trương dao động từ 60 đến 80 mmHg. Chú ý rằng chỉ số huyết áp có thể biến đổi tại các thời điểm khác nhau trong ngày.

huong-dan-phan-biet-huyet-ap-thap-va-roi-loan-tien-dinh.jpg
Chỉ số huyết áp có thể biến đổi tại các thời điểm khác nhau trong ngày

Huyết áp thấp được xác định khi các chỉ số huyết áp nhỏ hơn ngưỡng này, tức là tâm thu dưới 90 mmHg hoặc tâm trương dưới 60 mmHg. Tuy nhiên, tuy vào cơ địa mỗi người trong một số trường hợp chỉ số huyết áp này có thể là bình thường và không gây ra vấn đề sức khỏe.

Chẩn đoán huyết áp thấp cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:

  • Lịch sử huyết áp trước đó của người bệnh.
  • Tiền sử bệnh và bất kỳ bệnh lý tim mạch nào.
  • Tuổi tác của bệnh nhân.
  • Giới tính (có sự khác biệt về huyết áp trung bình giữa nam và nữ).
  • Sức khỏe thể trạng hiện tại:
  • Có hay không xuất hiện các triệu chứng đi kèm như:
    • Mắt nhòe.
    • Lú lẫn hoặc khó tập trung.
    • Cảm giác hoa mắt, chóng mặt hoặc ngất xỉu khi thay đổi tư thế, đặc biệt sau khi ngồi lâu hoặc khi thức dậy từ giấc ngủ.
    • Buồn nôn hoặc nôn mửa.
    • Mệt mỏi.
    • Đau đầu.
    • Nhịp tim nhanh hoặc thở nhanh.

Dựa vào tất cả các yếu tố này, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán và quyết định liệu có cần điều trị huyết áp thấp hay không?

Rối loạn tiền đình là gì?

Tiền đình là một phần quan trọng của hệ thần kinh, nằm ở phía sau ốc tai hai bên. Chức năng chính của tiền đình là duy trì sự cân bằng của cơ thể trong nhiều tình huống khác nhau, bao gồm khi chúng ta ở trong các tư thế khác nhau, tham gia vào các hoạt động hàng ngày, và điều hòa các cử động của mắt, tay, chân và cơ thể.

huong-dan-phan-biet-huyet-ap-thap-va-roi-loan-tien-dinh-1.jpg
Rối loạn tiền đình xảy ra khi quá trình truyền dẫn thông tin trong tiền đình bị xáo trộn

Rối loạn tiền đình xảy ra khi quá trình truyền dẫn thông tin trong tiền đình bị xáo trộn hoặc bị tắc nghẽn do các nguyên nhân như tổn thương dây thần kinh số 8 hoặc sự tổn hại cho động mạch cung cấp dưỡng chất cho não, cũng như các tổn thương khác tại khu vực tai và não. Kết quả của rối loạn này là tiền đình không thể duy trì sự cân bằng đúng cách, dẫn đến tình trạng loạng choạng, cảm giác hoa mắt, chóng mặt, cảm giác quay cuồng, ù tai, và có thể kèm theo buồn nôn. Những triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột và tái diễn nhiều lần, gây rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và hiệu suất làm việc của bệnh nhân.

Hướng dẫn phân biệt huyết áp thấp và rối loạn tiền đình

Thực tế, huyết áp thấp và rối loạn tiền đình có một mối liên quan nhất định với nhau. Một trong những nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình có thể là huyết áp thấp. Khi huyết áp thấp xảy ra và dẫn đến sự thiếu máu đối với não bộ, có thể gây ra rối loạn tiền đình. Hai bệnh này có các triệu chứng tương tự như chói mắt, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, và do đó, chúng có thể gây nhầm lẫn.

Để phân biệt huyết áp thấp và rối loạn tiền đình cần đánh giá các yếu tố nguyên nhân, triệu chứng, và phương pháp điều trị của cả hai bệnh:

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây huyết áp thấp:

  • Vấn đề về tim mạch, như rối loạn nhịp tim hoặc suy tim.
  • Thiếu hụt dinh dưỡng, bao gồm vitamin B12 và axit folic.
  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu hoặc thuốc điều trị bệnh Parkinson.
  • Vấn đề nội tiết, như bệnh về tuyến giáp hoặc tuyến thượng thận.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Thai kỳ.
  • Tuổi tác.
  • Nhiễm trùng nặng.
  • Mất nước hoặc mất máu, có thể xảy ra trong trường hợp xuất huyết tiêu hoá, nôn mửa, tiêu chảy, hoặc tập thể dục quá mức gây mồ hôi nhiều.
  • Hạ huyết áp do trung gian thần kinh.

Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình:

  • Chấn thương đầu.
  • Viêm dây thần kinh tiền đình.
  • Viêm tai.
  • Rối loạn tuần hoàn máu, bao gồm cả huyết áp thấp.
  • Môi trường sống ồn ào, căng thẳng, và căng thẳng tinh thần.

Triệu chứng

Triệu chứng huyết áp thấp bao gồm:

  • Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế, và mệt mỏi.
  • Da nhợt nhạt và xanh xao.
  • Buồn nôn, nôn mửa, và ngất xỉu có thể xảy ra.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung.
  • Tăng nhịp tim và khó thở.

Triệu chứng rối loạn tiền đình bao gồm:

  • Mất thăng bằng, dễ ngã, và khả năng đi lại bị ảnh hưởng.
  • Chóng mặt, choáng váng, đau đầu, và ù tai.
  • Mờ mắt và hoa mắt.
  • Khó tập trung và chú ý kém.

Phương pháp điều trị

Điều trị huyết áp thấp:

Mục tiêu điều trị huyết áp thấp là điều chỉnh huyết áp về mức bình thường và duy trì nó để tránh tái phát. Phương pháp điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra huyết áp thấp. Các biện pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống với nhiều muối hơn (nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước).
  • Uống đủ nước để tăng thể tích máu.
  • Tránh hoạt động quá mức gây mất nhiều năng lượng.
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu bạn có triệu chứng của huyết áp thấp và chỉ số huyết áp thấp, bạn nên nhập viện để được điều trị kịp thời.

huong-dan-phan-biet-huyet-ap-thap-va-roi-loan-tien-dinh-2.jpg
Điều trị huyết áp thấp là điều chỉnh huyết áp về mức bình thường

Điều trị rối loạn tiền đình:

Nếu bạn có triệu chứng của rối loạn tiền đình, bạn nên đến cơ sở y tế hoặc thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Phương pháp điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống và hoạt động thể chất phù hợp để kiểm soát triệu chứng và phục hồi chức năng tiền đình.
  • Sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Phẫu thuật chỉ được xem xét khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

Hy vọng rằng thông tin trong bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa huyết áp thấp và rối loạn tiền đình cũng như cách điều trị mỗi loại bệnh. Khi xuất hiện các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt đi kèm các biểu hiện bất thường bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.